Nước sát Ukraine tung kế hoạch lớn với vũ khí hạt nhân Nga, chỉ chờ 'cú chốt': Kiev vào tầm ngắm

Tùng Chi |

Đây là bước đi táo bạo, diễn ra chỉ vài tháng sau khi nước này tiếp nhận vũ khí hạt nhân Nga triển khai trên lãnh thổ của mình.

Belarus sẽ "lần đầu tiên cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân"

Theo tờ Independent (Anh), Belarus – quốc gia đồng minh thân cận của Nga – đã tiến hành sửa đổi học thuyết quân sự để lần đầu tiên cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Đây là bước đi táo bạo, diễn ra chỉ vài tháng sau khi Nga hoàn tất đưa vũ khí hạt nhân sang triển khai trên lãnh thổ Belarus.

Học thuyết mới cần trải qua "khâu chốt cuối" là trình lên Đại hội đồng Nhân dân Toàn Belarus - một cơ quan đại diện hoạt động song song với quốc hội ở Belarus - để được phê duyệt.

Belarus giáp 3 quốc gia NATO (bao gồm Ba Lan, Latvia và Lithuania) ở phía tây và tây bắc, trong khi giáp Ukraine ở phía nam nên quyết định này đang gây lo ngại lớn cho Kiev, cũng như các nước trong khối NATO.

The CBS News, vũ khí hạt nhân Nga đưa sang Belarus "mạnh gấp 3 lần" so với bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến II.

Trong một phát biểu hồi tháng 6/2023, Tổng thống Belarus Lukashenko tuyên bố sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tham gia cuộc chiến của Nga với Ukraine nếu có "hành động gây hấn" chống lại Belarus. Tuy nhiên, ông sẽ tham khảo ý kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi triển khai.

Tại cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 16/1 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin nhấn mạnh rằng, sự thay đổi trong học thuyết quân sự thể hiện "một chương mới" đối với Belarus – quốc gia hiện không có vũ khí hạt nhân riêng.

Trong quá khứ, Belarus từng có cả vũ khí hạt nhân chiến thuật và vũ khí hạt nhân tầm xa khi còn là một phần của Liên Xô, nhưng đã bàn giao cho Nga sau khi Liên Xô tan rã.

"Chúng tôi đã truyền đạt rõ ràng quan điểm của Belarus về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật bố trí trên lãnh thổ của chúng tôi. Một chương mới đã hình thành, nơi chúng tôi xác định rõ ràng nghĩa vụ liên minh của mình đối với các đồng minh" – Ông Khrenin nói.

Nước sát Ukraine tung kế hoạch lớn với vũ khí hạt nhân Nga, chỉ chờ 'cú chốt': Kiev 'ngồi trên đống lửa'- Ảnh 1.

Tên lửa hạt nhân chiến thuật Iskander của Nga. Ảnh: TASS

Lực lượng Belarus chưa tham gia trực tiếp vào cuộc chiến Nga-Ukraine nhưng quốc gia này đã hỗ trợ Moscow theo nhiều cách khác nhau trong suốt gần 2 năm xung đột.

Theo Independent, lực lượng Nga đóng tại Belarus đã tiến công Ukraine từ phía bắc trong những ngày đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tháng 2/2022.

Ngày 25/3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus theo yêu cầu của Minsk.

Đến tháng 12/2023, trong cuộc họp của khối kinh tế do Moscow dẫn đầu ở St. Petersburg, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko lên tiếng xác nhận rằng, quá trình vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tới Belarus đã hoàn tất, đánh dấu lần đầu tiên loại vũ khí này được triển khai ở ngoài biên giới Nga.

Ông Lukashenko cho biết, các đợt vận chuyển đã hoàn tất trong tháng 10/2023 và "mọi thứ đều ở đúng vị trí, trong tình trạng tốt". Tuy nhiên, ông không chia sẻ thêm thông tin chi tiết về số lượng vũ khí đã được Nga đưa tới Belarus hoặc địa điểm cụ thể triển khai chúng.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có tầm bắn ngắn và sức công phá thấp hơn so với các đầu đạn hạt nhân trang bị trên tên lửa tầm xa. Nga cho biết sẽ duy trì quyền kiểm soát đối với số vũ khí hạt nhân được triển khai ở Belarus.

Đáng nói, động thái mới của Belarus không chỉ đặt ra mối đe dọa đối với Ukraine (biên giới Belarus chỉ cách thủ đô Kiev, Ukraine khoảng 225km), mà còn là lời cảnh báo tới Ba Lan – quốc gia đã đề nghị hỗ trợ quân sự và chính trị cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đồng thời đang tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga và Belarus. Mục tiêu này cũng đã được ông Lukashenko xác nhận trong cuộc họp báo.

Nước sát Ukraine tung kế hoạch lớn với vũ khí hạt nhân Nga, chỉ chờ 'cú chốt': Kiev 'ngồi trên đống lửa'- Ảnh 2.

Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus theo yêu cầu của Minsk. Ảnh: CNN

Chuyên gia Ukraine: Belarus đã thành 'mục tiêu' của NATO

Trước những diễn biến trên, chuyên gia đến từ Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine Alexander Khara cho rằng, việc Belarus đồng ý để Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình là mối đe dọa đối với chính người Belarus.

"Nếu như trước đây, NATO và các quốc gia nằm dưới 'chiếc ô hạt nhân' của liên minh này không coi Belarus là mục tiêu tấn công hạt nhân trả đũa thì giờ đây, toàn bộ người Belarus đều trở thành mục tiêu (của NATO)" – Ông Khara nói.

Bên cạnh đó, hiện không có mối đe dọa nào đối với an ninh của Belarus nói chung, bởi các láng giềng của Belarus đều là "thành viên NATO". Trong khi đó, NATO là một "liên minh phòng thủ của các quốc gia dân chủ, không ấp ủ bất cứ kế hoạch tấn công nước nào, và sẽ không tham chiến".

Khi được yêu cầu bình luận về việc phương Tây chưa đưa ra phản ứng dưới bất kỳ hình thức nào đối với động thái triển khai vũ khí hạt nhân Nga ở Belarus, ông Khara cho rằng, điều đó không làm thay đổi quan điểm an ninh của NATO.

Tên lửa có thể được phóng từ các máy bay ném bom chiến lược mà Nga đang triển khai để tấn công Ukraine và từ vùng lãnh thổ Kaliningrad. Do đó, lãnh thổ Belarus không còn là mối bận tâm chiến lược có sức đe dọa lục địa châu Âu.

Tuy nhiên, ông Khara cho rằng, phản ứng của phương Tây đối với việc Belarus rút lại lời cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân trong những năm 1990 và mang chúng trở lại lãnh thổ "lẽ ra nên được thể hiện mạnh mẽ hơn".

"Họ cần phải thể hiện rằng hành động này là không chấp nhận được" – Ông Khara nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại