Latvia xé thỏa thuận lịch sử với Nga
Đài truyền hình Latvia ngày 18/1 đưa tin, Saeima (Quốc hội Latvia) đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận về hỗ trợ pháp lý và quan hệ pháp lý trong các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự đã ký kết với Nga cách đây 30 năm.
Thông cáo báo chí của Saeima cho biết, hiệp ước giữa Latvia và Nga về hỗ trợ pháp lý và quan hệ pháp lý trong các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự đã được phê chuẩn vào ngày 1/6/1993.
Tuy nhiên, Saeima thấy rằng hiệp ước này đã từ lâu không còn phù hợp với thời đại hiện nay và mâu thuẫn với các cam kết mà Latvia đã đưa ra khi gia nhập Liên minh Châu Âu (EU). Bản thân EU cũng đã khuyến nghị Latvia từ bỏ các thỏa thuận như vậy.
Sau khi hủy bỏ, thỏa thuận sẽ tiếp tục có hiệu lực thêm trong 6 tháng nữa trước khi chấm dứt hoàn toàn. Sau đó, hợp tác tư pháp giữa hai phía sẽ diễn ra dựa trên các thỏa thuận ràng buộc quốc tế như Công ước của Hội đồng Châu Âu về Hỗ trợ Lẫn nhau trong các vấn đề Hình sự và Công ước Hague về các vấn đề Dân sự.
Trước đó, Ủy ban Đối ngoại của Saeima đã có những cuộc thảo luận sâu rộng về hiệp ước ký kết năm 1993 với Liên bang Nga. Đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, cũng như luật sư, công chứng viên và Văn phòng Viện kiểm sát Tổng hợp Latvia đều chung nhận định rằng, hợp tác với Nga đã trở nên khó khăn.
Chính thức bắt đầu chiến dịch trục xuất gần 1.000 công dân Nga
Cũng trong ngày 18/1, Đài truyền hình Latvia cho biết, quá trình trục xuất 985 công dân Nga "không tuân thủ các yêu cầu của Luật Di trú do Latvia đặt ra" đã bắt đầu. Nhóm đối tượng bị trục xuất là những người chưa tham gia bài kiểm tra ngôn ngữ theo yêu cầu và chưa xin giấy phép cư trú.
Các công dân Nga trong nhóm này đã nhận được thư yêu cầu rời khỏi Latvia trong vòng 2 tuần tiếp theo, hoặc nhanh chóng thu xếp tình trạng pháp lý ở Latvia.
Bà Maira Roze, Giám đốc Văn phòng Công dân và Di cư Latvia (PMLP) cho biết, thông tin của từng công dân Nga trong nhóm trục xuất được gửi tới Lực lượng biên phòng Latvia để cơ quan này tiến hành khảo sát nơi cư trú được khai báo gần nhất của từng người, xem họ còn ở đó hay không.
Quy trình tương tự sẽ được triển khai thêm một đợt nữa vào tháng 4 năm nay, áp dụng đối với những công dân Nga đã tham gia bài kiểm tra ngôn ngữ Latvia nhưng không thành công.
"Chúng tôi đang để họ rời đi một cách tự nguyện trước. Nếu một người không làm gì và cũng không kháng cáo, họ cũng có thể bị trục xuất dưới sức ép" – Bà Roze cho hay.
Hiện tại, quyết định trục xuất cưỡng bức đã được áp dụng với 2 công dân Nga.
Trước đó, theo hãng thông tấn TASS, giới chức Latvia đã nhiều lần gửi thư đe dọa trục xuất 985 người Nga không đáp ứng yêu cầu xin giấy phép cư trú tại nước này.
Ông Boris Katkov (82 tuổi) đã bị trục xuất khỏi Latvia vào ngày 13/1 năm nay vì bị cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Latvia. Hiện chưa rõ tới bao giờ ông mới được phép quay trở lại nước này.
Đáng lưu ý, theo TASS, chính quyền Latvia chỉ đưa ra thông báo trước khi trục xuất 1 ngày. Đại sứ quán Nga đã lên tiếng phản đối vụ việc, cho rằng Latvia đã vi phạm nguyên tắc không chia cắt gia đình. Giờ đây, vợ, con và cháu của ông Katkov vẫn đang ở Latvia.
Tháng 9/2022, Saeima (quốc hội đơn viện) của Latvia đã thông qua các sửa đổi về luật di cư, trong đó bắt buộc các công dân Nga có hộ khẩu thường trú tại nước cộng hòa Baltic phải có chứng chỉ thông thạo tiếng Latvia ở mức A2 trước ngày 1/9/2023. Nếu không, họ sẽ mất tư cách lưu trú trong nước.
Tới ngày 14/9/2023, Quốc hội Latvia đã phê chuẩn bản sửa đổi cuối cùng của Luật nhập cư, kéo dài thời hạn vượt qua kỳ thi ngôn ngữ dành cho các công dân Nga thêm 2 năm.
Theo sửa đổi này, trước mắt, công dân Nga sống tại Latvia có thể xin giấy phép cư trú tạm thời trong 2 năm. Trong thời gian này, họ sẽ phải vượt qua kỳ thi ngôn ngữ. Đơn xin giấy phép tạm trú phải được nộp trước ngày 31/12/2023.
Theo hãng tin Reuters, xu hướng bài Nga đã gia tăng tại Latvia sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Chính quyền Riga đã buộc các công dân Nga làm bài kiểm tra ngôn ngữ để chứng minh "lòng trung thành".
Bộ Ngoại giao Nga phản ứng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, các nước vùng Baltic đang quyết tâm giải quyết "vấn đề Nga" bằng cách trục xuất số lượng lớn người nói tiếng Nga.
"Các quốc gia Baltic đang công khai chuẩn bị cho các cuộc trục xuất hàng loạt người nói tiếng Nga. Rõ ràng, họ kỳ vọng rằng điều này sẽ giúp giải quyết triệt để 'vấn đề Nga' và vấn đề chưa từng có trong thế kỷ 21 về tình trạng không quốc tịch hàng loạt trên lãnh thổ của họ" – Bà Zakharova nói.
Đề cập đến một báo cáo do Bộ Ngoại giao Nga công bố gần đây về tình hình với công dân và Nga kiều ở nước ngoài, bà Zakharova cho hay: "Thật đáng tiếc, số liệu thống kê xác nhận rằng tình hình khu vực này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và tiếp tục đi theo hướng tiêu cực do những nỗ lực chung của phương Tây. Việc vi phạm quyền của công dân Nga ở các nước phương Tây vẫn diễn ra rất nhiều".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng, hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, cũng như bảo vệ dân thường ở Donbass, đang được sử dụng như một cái cớ để biện minh cho khuynh hướng chống Nga.
Bà Zakharova đồng thời khẳng định Bộ Ngoại giao Nga sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi của công dân Nga ở nước ngoài.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và ghi lại các biểu hiện phân biệt đối xử ở các quốc gia nước ngoài để kêu gọi sự chú ý từ ãnh đạo các quốc gia đó, cả ở hình thức song phương và đa phương để yêu cầu họ tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan đến đồng bào của chúng ta" – Bà Zakharova nhấn mạnh.
Cảnh báo của ông Putin
Tại cuộc họp với các lãnh đạo thành phố của Nga, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, loạt sự kiện hiện nay đang diễn ra tại các nước Baltic, bao gồm cả việc trục xuất người Nga ra khỏi Latvia, đang "ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Nga".
Trước đó, khi nói về kế hoạch của Latvia nhằm trục xuất người Nga, ông Putin cho rằng "Đây là phát minh kỳ lạ của những người mong muốn được gọi là quốc gia dân chủ".
Latvia, cũng như các nước vùng Baltic, từ lâu đã có khuynh hướng bài Nga, thậm chí cả trước khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
"Đây là tất cả những gì diễn ra tại các quốc gia vùng Baltic, trước mắt toàn thế giới, và đã bắt đầu từ rất lâu trước chiến dịch quân sự đặc biệt. Chiến dịch đặc biệt không liên quan gì tới điều này.
Có thể ai đó đã quyết định lợi dụng chiến dịch đặc biệt để giải quyết các vấn đề đối nội của họ, nhưng đó là việc riêng của họ. Tất nhiên, điều đó không khiến họ trở nên tốt đẹp hơn" – Ông Putin nhấn mạnh.
Tạp chí Newsweek (Mỹ) đã ví đây là "phát bắn cảnh cáo" của Tổng thống Nga nhằm vào một quốc gia NATO.
Trong khi đó, Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở tại Washington – Mỹ) cho rằng Nga đang tích cực và liên tục tìm cách tạo ra một loạt thông tin, cũng như hình ảnh nhằm chuẩn bị cho việc mở rộng hành động đối kháng với các nước Baltic như Latvia.
Nỗ lực này nhiều khả năng là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm làm suy giảm sức mạnh của liên minh quân sự NATO, giúp Nga có thêm lợi thế trong khu vực và đối đầu chính trị rộng lớn hơn.