Chiến thuật hăm dọa và dụ dỗ giúp Taliban nhanh chóng đánh chiếm được toàn Afghanistan

Trung Hiếu |

Chiến thắng chớp nhoáng của Taliban ở Afghanistan trong các tháng qua xuất phát từ nhiều yếu tố. Về phía Taliban, họ đã áp dụng chiến thuật hăm dọa và dụ dỗ, thực hiện "binh vận" để không đánh mà vẫn thắng. Việc kiểm soát được các tuyến đường mang lại lợi thế chiến lược cho họ.

Một đồn cảnh sát Afghanistan bị Taliban phá hủy ở Kandahar vào tháng 8/2021. Ảnh: New York Times.

Một đồn cảnh sát Afghanistan bị Taliban phá hủy ở Kandahar vào tháng 8/2021. Ảnh: New York Times.

Chiến thuật "tâm công" và tuyên truyền hiệu quả

Bắt đầu từ mùa xuân năm 2021, tổ chức Hồi giáo cực đoan Taliban tiến hành "binh vận" để có sự đầu hàng quy mô lớn bên đối phương, từ đó chiếm được các tuyến đường bộ và vũ khí. Các thắng lợi này nhanh chóng được họ khuếch trương trong hoạt động tuyên truyền.

Vào đầu tháng 5/2021, một chỉ huy Taliban gọi điện cho Muhammad Jallal - một trưởng lão bộ lạc ở tỉnh Baghlan, miền bắc Afghanistan và yêu cầu ông này gửi một thông điệp tới binh sĩ chính phủ Afghanistan đóng tại một số căn cứ trong huyện của ông.

Ông Jallal kể lại những gì mà viên chỉ huy Taliban kia nói với ông: "Nếu họ không chịu đầu hàng, chúng tôi sẽ giết họ".

Cuối cùng ông Jallah và các bô lão khác tuân theo. Sau vài vòng đàm phán, hai căn cứ của chính phủ và 3 tiền đồn đã đầu hàng mà không cần phải giao chiến. Hơn 100 thành viên của lực lượng quốc phòng-an ninh Afghanistan đã giao nộp vũ khí thiết bị và được cho về nhà bình an vô sự.

Taliban đã nhiều lần triển khai chiến lược cưỡng ép và thuyết phục trên lãnh thổ Afghanistan trong nhiều tháng.

Đây là điểm mấu chốt mới trong đợt tiến công mới của lực lượng nổi dậy.

Phiến quân Taliban đã thu được nhiều thỏa thuận đầu hàng, từ đó dễ dàng chiếm được các căn cứ quân sự và rồi toàn bộ các trung tâm chỉ huy của các tỉnh.

Chiến thắng chớp nhoáng trên toàn quốc Afghanistan đã đưa nhóm này trở lại nắm quyền sau 2 thập kỷ, khi họ tiến vào Kabul hôm 15/8/2021 mà không tốn một viên đạn.

Đàm phán về việc đầu hàng là một yếu tố trong chiến lược rộng lớn hơn của Taliban nhằm nhanh chóng chiếm các thủ phủ tỉnh được phòng thủ chặt chẽ.

Mỗi lần phía quân chính phủ đầu hàng, dù lớn hay nhỏ, đều mang lại cho Taliban thêm vũ khí và xe cộ, và đặc biệt là sự kiểm soát đối với các con đường bộ và quốc lộ. Nhờ đó, phiến quân có thể di chuyển nhanh chóng và lại thuyết phục được thêm của người phe kia chịu đầu hàng sau khi đã cắt đứt nguồn cung đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm và tiền lương.

Mỗi chiến thắng của Taliban khi ấy làm gia tăng cái tâm lý cho rằng Taliban tất yếu sẽ thắng thế toàn cục, nhất là sau khi các chiến binh này dồn nguồn lực để giành chiến thắng ở miền bắc Afghanistan - khu vực là thành trì truyền thống của lực lượng dân quân chống Taliban.

Khi các tiền đồn và các quận huyện thất thủ, đó sẽ là những yếu tố quan trọng để Taliban tuyên truyền ầm ĩ. Họ sẽ nhanh chóng cho lan truyền các thông tin như họ đủ sức đè bẹp sự kháng cự bền bỉ nhất, đồng thời vẫn giữ lời hứa tha mạng cho các quân nhân và cảnh sát.

Kết quả là xuất hiện một trận chiến không cân sức giữa một bên là một lực lượng nổi dậy cơ động và có sức thích nghi cao, không ai cản được, với một bên là một lực lượng chính phủ rệu rã về tinh thần. Taliban tiến tới đâu, quân chính phủ tan rã tới đó.

Antonio Giustozzi - nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu United Services Hoàng gia (Anh), nói: "Họ (tức Taliban) liên lạc với mọi người và đề nghị đối phương đầu hàng hoặc chuyển phe. Họ dụ dỗ đối phương bằng các phần thưởng, như tiền và cơ hội được bổ nhiệm sau này...".

Bên cạnh đó, Taliban còn khai thác tâm lý bất mãn của người dân Afghanistan đối với một chính quyền tham nhũng và kém hiệu quả đến nỗi không đủ khả năng tiếp tế cho quân mình hay mở một chiến dịch truyền thông hiệu quả để tập hợp quần chúng đứng về phía mình. Trái lại, Taliban biết cách sử dụng mạng xã hội và các bô lão để truyền thông điệp chính phủ là bất hợp pháp, còn các chiến binh sẽ sớm khôi phục chế độ Hồi giáo.

Saad Mohseni, tổng giám đốc của Tập đoàn truyền thông Moby ở Afghanistan, ghi nhận: "Tầm vươn của họ (tức Taliban) thật đáng kinh ngạc. Họ xây dựng kế hoạch rất tốt. Họ biết tạo yếu tố bất ngờ... Họ tận dụng các khác biệt giữa các bộ lạc, dân tộc, tôn giáo, và hệ tư tưởng để lấy lòng người. Và họ khiến đa số các nhóm dân tộc vỡ mộng với chính quyền".

Thời cơ vàng xuất hiện

Chiến thắng toàn cục của Taliban xuất hiện vào thời điểm chỉ 4 tháng sau khi Tổng thống Biden tuyên bố vào ngày 14/4/2021 rằng ông sẽ tôn trọng một thỏa thuận do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ký với Taliban để rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 1/5. Tuyên bố này đã làm suy sụp tinh thần của các lực lượng quốc phòng và an ninh Afghanistan, đồng thời làm cho lực lượng Taliban thêm táo tợn. Ngay tại thời điểm đó, Taliban đã thiếu tôn trọng đối với hầu hết các cam kết của họ trong thỏa thuận hòa bình tháng 2/2020.

Taliban giành lợi thế vào tháng 5/2021, liên tiếp đè bẹp quân chính phủ - lực lượng chỉ còn biết tự lo bảo vệ bản thân và hãn hữu lắm mới được Mỹ yểm trợ bằng không kích để giảm đà tiến công của quân Taliban. Theo tạp chí Long War của Quỹ Bảo vệ Dân chủ, phiến quân sau đó nhanh chóng mở rộng kiểm soát đối với các quận huyện, từ 77 quận huyện vào ngày 13/4 lên 104 vào ngày 16/6, rồi 223 vào ngày 3/8. Afghanistan có tổng cộng khoảng 400 quận huyện.

Giới phân tích cho rằng Taliban còn nhận được tiền bạc, hàng hóa, và sự ủng hộ từ Pakistan, Nga, và Iran. Sự giúp đỡ này bao gồm từ 10.000 đến 20.000 lính tình nguyện người Afghanistan được gửi sangtừ Pakistan. Ngoài ra còn có hàng ngàn dân làng Afghanistan quyết định gia nhập Taliban khi biết rõ đây là bên đang thắng thế, theo Antonio Giustozzi, một nhà phân tích sống ở London (Anh), tác giả của vài cuốn sách về Afghanistan.

Đám tình nguyện kia đã góp phần làm tăng nhanh hàng ngũ của Taliban, lên mức hơn 100.000 chiến binh. Giới phân tích ước tính rằng quân số của Taliban trước đó chỉ khoảng 70.000 người. Con số hơn 100.000 chiến binh là đủ để áp đảo quân đội chính phủ Afghanistan, lực lượng được cho là có tới 300.000 quân nhưng đó chỉ là trên giấy tờ, còn trên thực tế chỉ có 1/6 trong số đó (tức khoảng 50.000 người) thực sự tham chiến trong năm 2021, còn lại là những đối tượng tham nhũng, đào ngũ, hoặc bị thương vong.

Kiểm soát các trục lộ huyết mạch

Đã vậy chính phủ Afghanistan trước đây lại chủ trương bảo vệ qua loa các tuyến đường, nhượng lại khu vực nông thôn cho đối phương để tập trung vào bảo vệ các chốt tiền tiêu, các căn cứ và các trung tâm chỉ huy ở các tỉnh. Nhờ vậy, Taliban đã kiểm soát được các tuyến đường huyết mạch, cho phép họ cô lập các chốt kiểm soát và tiền đồn ở cấp huyện, thông qua phương thức "binh vận" ép đối phương đầu hàng hoặc dùng vũ lực để đánh chiếm luôn các vị trí này vốn có hỏa lực yếu hơn. Đến giữa mùa hè 2021, Taliban đã có khả năng bao vây các thủ phủ tỉnh bị cách ly với nguồn tiếp tế hoặc lực lượng chi viện.

Khi các con đường bộ đã bị phong tỏa, Afghanistan trông cậy vào lực lượng không quân để thực hiện tiếp tế và yểm trợ. Tuy nhiên, không quân Afghanistan cũng bị quá tải. Còn lực lượng đặc nhiệm Afghanistan được Mỹ huấn luyện thì lại được cử đi nhiều điểm nóng để thế chỗ cho các quân nhân và cảnh sát đã bỏ vị trí.

Trong khi đó, Taliban đã tích trữ được hàng triệu USD từ việc đánh thuế các xe tải và các phương tiện giao thông khác - họ còn thậm chí cung cấp cả biên lai. Cũng nhờ kiểm soát được các trục đường chính, Taliban vào tháng 7/2021 đã kiểm soát được thêm các cửa khẩu, từ đó lại thu thêm nhiều triệu USD từ thuế hải quan mà đáng lẽ chính phủ Afghanistan phải được nhận.

Sarah Kreps - cựu sĩ quan không quân Mỹ, nói: "Ai kiểm soát được tuyến đường cung ứng, người đó kiểm soát được chiến trường".

Đồng thời Taliban đã gây được bất ngờ cho chính phủ khi họ tổ chức tấn công vào chính các thành trì chống Taliban ở miền bắc Afghanistan, đẩy lực lượng đối phương vào chỗ phải phòng ngự.

Chiến thắng như chẻ tre

Đến tuần cuối cùng của chiến dịch quân sự, Taliban vẫn áp dụng kế hoạch dụ đối phương đầu hàng.

Đến ngày 14/8, Sahaifullah Andkhoie - một chỉ huy dân quân thân chính phủ ở thủ phủ tỉnh Faryab, cho biết ông đã nhận được vài cuộc gọi từ các chỉ huy Taliban đề xuất hãy đầu hàng họ."Taliban hứa rằng nếu chúng tôi đầu hàng, họ sẽ không giết chúng tôi. Sau đó tôi thấy Taliban tịch thu vũ khí đạn dược tại trụ sở trung đoàn".

Đêm đó toàn tỉnh Faryab rơi vào tay Taliban. Binh lính và quan chức chính quyền đầu hàng hàng loạt, trao cho đối phương một khối lượng lớn vũ khí và thiết bị.

Trong gần 20 năm, được Mỹ và NATO hậu thuẫn, quân chính phủ Afghanistan đã bảo vệ được toàn bộ 34 thủ phủ tỉnh dù cho liên tục bị Taliban tấn công. Nhưng trong 9 ngày qua, hơn 15 thủ phủ tỉnh đã sụp đổ.

Thủ phủ đầu tiên bị chiếm là Zaranj ở tỉnh Nimruz (thủ phủ này đầu hàng vào ngày 6/8). Zaranj chỉ được bảo vệ đơn giản vì quân chính phủ phải tập trung vào giữ lấy các thành phố lớn hơn ở miền nam như Kandahar và Lashkar Gah.

Mỗi chiến thắng của Taliban lại mang lại thêm cho họ nhiều chiến binh từ các nhà tù của chính phủ. Trên cơ sở đó, Taliban lại có thêm sức để tấn công các thủ phủ lớn hơn, đồng thời cơ động nhanh chóng dọc theo các quốc lộ mà giờ họ đã làm chủ.

Các thủ phủ này liên tục đổ kế tiếp nhau một cách nhanh chóng do binh sĩ đầu hàng, đào ngũ hoặc đơn giản là vứt bỏ quân phục và biến mất.

Quân chính phủ ngoan cường nhất ở Kandahar và Lashkar Gah nhưng những nơi này cuối cùng cũng thất thủ vào ngày 13/8. Vào ngày 15/8, quân Taliban phóng xe máy hoặc ô tô Humvee hay xe cảnh sát trên các con đường lớn và rộng mở, tiến về thủ đô Kabul của Afghanistan./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại