Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga có các tên lửa siêu vượt âm mà phòng không NATO “không thể đánh bại”. Moskva được cho là đang xây dựng kho vũ khí hạt nhân tại Kaliningrad, gần biên giới NATO và còn có thông tin họ đang phát triển một loại tên lửa hành trình vi phạm các hiệp ước kiểm soát vũ khí quốc tế.
Thêm vào đó là các cuộc tấn công mạng thường xuyên từ Nga có thể vô hiệu hóa các hệ thống khí tài tinh vi của phương Tây.
“Vậy tại sao 50.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận của NATO lại cần thử nghiệm các xe tăng thế hệ cũ và thực hành phá cầu?” – Tờ DW đặt câu hỏi.
Theo tờ báo này, đó là để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh phức hợp bất ngờ - từ hình thái tấn công biên giới truyền thống, cho tới cuộc đột kích của hệ thống các vũ khí điều khiển từ xa ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất.
Mặc dù chỉ có một quốc gia duy nhất có thể thực hiện tất cả các chiến thuật này gần biên giới NATO nhưng liên minh này vẫn khăng khăng rằng cuộc tập trận Trident Juncture không nhằm vào Nga.
Tổng Thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố kho vũ khí phòng thủ của NATO cần phải mở rộng toàn diện, “từ vũ khí thông thường cho tới vũ khí hạt nhân”.
Ulrike Franke, chuyên gia phân tích quốc phòng và an ninh tại Hội đồng các mối quan hệ ngoại giao của châu Âu đồng tình rằng, danh sách các lựa chọn tác chiến của NATO cần bao hàm “tất cả các đề xuất trên”.
Franke, chuyên gia về tác chiến máy bay không người lái, cảnh báo rằng, hầu hết các quốc gia NATO hiện nay chưa chuẩn bị sẵn sàng cho “cuộc chiến tranh tiếp theo” nếu nó được tiến hành bằng công nghệ thông tin và các công nghệ mới khác.
Song, bà Franke cũng đồng thời nhấn mạnh rằng, “tôi sẽ phê phán NATO nếu lúc này họ loại bỏ tất cả các loại vũ khí thông thường hay hình thức tác chiến truyền thống, và chỉ tập trung vào vũ khí tấn công mạng hoặc vũ khí tự động. Với thực tế hiện nay, ‘chúng ta cần phải làm mọi thứ’”.
Tới thị sát cuộc tập trận, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã đề cập tới các thách thức của NATO sau khi đã trải qua nhiều vấn đề, từ cuộc khủng hoảng của Ukraine cho tới bình ổn châu Phi.
Công nghệ nâng cao khả năng chiến đấu của binh lính
Trung tá Pháp Herve Jure hiện đang công tác tại Bộ chỉ huy chiến lược cải cách các lực lượng của NATO tại Norfolk, Virginia – cơ quan được giao nhiệm vụ nâng cao năng lực công nghệ của liên minh.
Trả lời phỏng vấn tờ DW tại một buổi trình diễn các kỹ thuật chiến đấu tương lai ở Na Uy, ông Jure cho biết lợi thế của việc chuyển mình sang hình thức tác chiến từ xa và tự động hóa là giảm thiểu số lượng binh lính phải thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm.
Chúng [các hệ thống tự động] đặc biệt hữu dụng trong các nhiệm vụ hậu cần đơn giản- một bài học mà NATO đã rút ra tại Afghanistan.
Một ví dụ là sử dụng máy bay không người lái để vận chuyển phụ tùng, thiết bị cho binh lính đóng tại những vùng địa hình phức tạp.
Trung sĩ Mỹ Samuel Margarini nói về việc sử dụng máy in 3-D tại cuộc tập trận Trident Juncture của NATO. Ảnh: DW
Trung sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ Samuel Margarini cho biết, trên chiến trường, trong một số trường hợp, việc cung cấp phụ tùng thay thế có thể kéo dài hàng trăm ngày, có lúc lên đến 300 ngày, “nếu chúng vẫn đang ở trong giai đoạn sản xuất”.
Giờ đây, “công đoạn này có thể rút ngắn xuống còn vài giờ, nhờ sử dụng máy in 3-D – công cụ hứa hẹn sẽ trở thành một bộ phận tiêu chuẩn trong trang bị quân sự Mỹ”.
Tuy nhiên mặt khác, theo ông Jure, việc phục thuộc quá nhiều vào công nghệ cũng tiềm ẩn những nguy hiểm. Các lực lượng cần phải biết cách ứng phó nhanh chóng bởi những hệ thống này “có thể bị đối thủ gây nhiễu, phá hủy hoặc bị đánh chiếm”.
Đức học lại kỹ năng chiến đấu thời Chiến tranh Lạnh
Tại căn cứ chung Rena của lính Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp và Latvia, Trung tá Helge Lammerschmidt đang giám sát đợt huấn luyện khả năng đổ bộ – đưa xe tăng và các thiết bị quân sự vượt sông – sử dụng kỹ thuật đã có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Quân đội Đức phô diễn khả năng đổ bộ. Ảnh: DW
Lammerschmidt chia sẻ thẳng thắn với tờ DW về nhân tố “Nga”.
“Sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, chúng tôi thấy cần phải thay đổi từ các chiến dịch nhằm duy trì sự ổn định sang các chiến dịch tác chiến cường độ cao” – ông Lammerschmidt nói, đồng thời cho biết mục tiêu mới của cuộc tập trận là “di chuyển đội quân lớn và các thiết bị hạng nặng” – một kỹ năng đã không được thực hành trong vòng 10 năm qua.
Trong chương trình huấn luyện “quay về cơ bản”, binh lính Đức đã thực hành dùng thuốc nổ để phá hàng rào dây thép gai, vô hiệu hóa hoàn toàn một chiếc xe tăng, và dùng cây chặn đường hành quân của địch. Những phương thức này đơn giản, nhưng hiệu quả, và nhất là chúng không thể bị tin tặc tấn công.