Theo AMN, một đoạn video được công bố mới đây cho thấy, quân đội Syria đã nhắm bắn máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện gần thành phố Saraqib ở phía đông tỉnh Idlib.
Tác giả đoạn video cho biết, quân đội Syria tiêu diệt một UAV Thổ Nhĩ Kỳ bằng hệ thống phòng không Buk-M2 do Nga sản xuất.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung Buk-M2 được thiết kế để chống lại các máy bay, trực thăng, UAV bay tầm thấp và tầm trung cũng như tên lửa hành trình với tốc độ đến 820m/giây.
Buk-M2 có khả năng ngắm bắn cùng lúc 4 mục tiêu trong khi đang theo dõi 24 mục tiêu khác. Hệ thống này có thể tiêu diệt được các loại máy bay đang bay ở khoảng cách 45 km và ở độ cao 25 km với xác suất tiêu diệt mục tiêu lên đến 95%.
Điểm đặc biệt khác của các hệ thống Buk là có thể liên kết với các hệ thống phòng không tự động khác như hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và S-400.
Theo các thông tin do các phương tiện truyền thông Nga đăng tải, hiện Syria đang sở hữu khoảng 20 hệ thống Buk cùng 150 tên lửa trang bị cho các hệ thống này.
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất lệnh ngừng bắn tại Idlib
Ngày 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí về một văn kiện chung nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Theo đó, một lệnh ngừng bắn tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, sẽ được thực thi từ 0h01 phút ngày 6/3/2020.
Cụ thể, văn kiện vừa đạt được bao gồm 3 nội dung chính: Chấm dứt mọi hoạt động giao tranh dọc theo đường phân định hiện có bắt đầu từ rạng sáng 6/3; Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một hành lang an toàn trải dài 6 km về phía Bắc và phía Nam đường cao tốc M-4 tại Syria; Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung dọc theo đường cao tốc M-4 từ ngày 15/3.
Ngoài ra, lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn nhất trí tạo điều kiện cho người tị nạn trở lại miền Bắc Syria và cho rằng không sử dụng giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại Syria.
Khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, tình hình "tương đối" yên tĩnh ở khu vực Idlib của Syria.
Theo SOHR, các cuộc không kích của Nga và Syria đã chấm dứt, song vẫn còn "hoạt động nã pháo… do chế độ Syria thực hiện nhằm vào những vị trí của các nhóm phiến quân" ở các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng thánh chiến thuộc Aleppo và Hama giáp ranh với tỉnh Idlib, phía Tây Bắc quốc gia Trung Đông này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres "hy vọng thỏa thuận này sẽ dẫn tới một sự chấm dứt ngay lập tức và lâu dài các hoạt động thù địch để đảm bảo sự bảo vệ đối với các thường dân ở khu vực Tây Bắc Syria, những người đã phải gánh chịu quá nhiều đau khổ".