Chiến sự Nga- Ukraine đang diễn tiến đến thời điểm rất nhạy cảm
Đối với cuộc chiến Nga - Ukraine, tồn tại một quan điểm được thống nhất ngay từ đầu: Bản chất xung đột không phải là chuyện riêng của hai "anh em" Đông Âu, mà phản ánh cuộc đối đầu Mỹ - Nga; Nga muốn tìm lại quá khứ hoàng kim; biểu hiện sống động nhất cho đòi hỏi bức bách sắp xếp lại trật tự toàn cầu.
Do vậy, kết quả cuộc chiến này - dù xảy ra theo kịch bản nào cũng không thể nào là hồi chuông định đoạt cục diện. Bởi, xét về tổng quát, chiến sự này là cuộc chơi nhiều bên tham gia. Do đó, sẽ có những biến động lớn đi kèm. Một trong những viễn cảnh được bàn luận là nguy cơ thế chiến thứ III.
Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nga, Dmitry Medvedev từng phát biểu: "Bất kỳ nỗ lực nào hòng xâm phạm Crimea sẽ bị coi là tuyên chiến với Nga.
Nếu một quốc gia đang trong quá trình gia nhập NATO làm điều này, thì có nghĩa là xung đột với toàn bộ Liên minh Bắc Đại Tây Dương, mà trên thực tế sẽ là chiến tranh thế giới thứ ba".
Ngoài ra, ngay sau khi Ukraine công bố các đề xuất kêu gọi ký kết Hiệp ước An ninh Kiev giữa Ukraine và các nước đảm bảo an ninh (gồm Mỹ, Anh, Canada, Ba Lan, Ý, Đức, Pháp, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Bắc Âu, vùng Baltic và Trung và Đông Âu), ông Medvedev cũng đã lên tiếng cảnh báo nếu các quốc gia có liên quan đồng ý thực hiện đề xuất này, sẽ dần tới Thế chiến thứ ba.
Trong khi đó, tình thế ở Ukraine đang diễn tiến theo chiều hướng nguy hiểm, quân đội Kiev đánh lùi lực lượng Nga ở Đông Nam, thành quả đến mau chóng và bất ngờ - bắt đầu xuất hiện hoài nghi: Nga sẽ thua trận!
Tất nhiên, phương Tây hậu thuẫn Kiev không chỉ để bảo vệ chính thể "thân hữu" Tổng thống Zelensky, mục đích cuối cùng cô lập Nga, dập tắt mối họa tiềm tàng gây bất ổn châu Âu ; tranh giành lợi ích sát sườn với Mỹ. Trên đà thắng, Washington và Brussels sẽ không dừng lại.
Việc Mỹ và phương Tây ép buộc một nước lớn bị thất trận, khủng hoảng nội bộ, tan rã chư hầu, có thể đẩy Nga đến với hành động cực đoan, mở rộng chiến tranh, chuyển hóa mâu thuẫn bên trong ra bên ngoài; tìm mọi cách bảo vệ quyền lực cho Tổng thống Putin.
Phương Tây càng lúc càng rót nhiều hơn vũ khí cho Ukraine, điều đó cho thấy quyết tâm dồn Moscow đến cùng. Tuy nhiên, nếu Ukraine thất bại chung cuộc, trong cách nhìn của châu Âu - đây cũng là mối họa, vì Nga sẽ bành trướng đến những vùng lãnh thổ lịch sử còn lại.
Châu Âu không thể đứng bên ngoài viện trợ vũ khi cho Ukraine như lúc này. Trong thời gian ngắn, khối EU đề xuất hai ý tưởng về an ninh, gồm "La bàn chiến lược" và "hệ thống phòng không chung". Điều này cho thấy "Lục địa già" đã chuẩn bị cho tương lai chiến tranh leo thang.
Ngoại trưởng Nga, Lavrov cho rằng nguy cơ xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ 3 là có thật. "Mối nguy hiểm này rất nghiêm trọng, tồn tại thực sự và không thể đánh giá thấp điều đó".
Vài tuần trước, Tổng thống Ukraine Zelensky còn tuyên bố mở chiến dịch giải phóng Kherson, lấy lại Crimea - phạm đến lằn ranh đỏ của Nga. Mặc dù đây chỉ là kế hoạch nghi binh vì sau đó quân Ukraine phản công ồ ạt ở hướng đối diện cách đó vài trăm km, giải phóng 3.000km chỉ sau 1 tuần.
Thế giới trông chờ dấu hiệu đàm phán hòa bình, nhưng nó chỉ diễn ra khi Tổng thống Putin chấp nhận hiện trạng; Mỹ và châu Âu không nhận thấy ích lợi nếu kéo dài chiến tranh.