Sau khi quan sát những tấm ảnh rò rỉ trên mạng internet, khả năng cao đây là phiên bản đời đầu của xe tăng T-90 (được chế tạo vào năm 1992) chứ không phải biến thể T-90A nội địa hiện đại hơn.
So với T-90A sản xuất sau này, T-90 đời 1992 còn mang đậm chất T-72B, nó sử dụng động cơ diesel V-84MS 12 xy lanh công suất chỉ 840 mã lực cùng cơ cấu truyền động và điều khiển hỏa lực thế hệ cũ, khả năng nâng cấp lên các tiêu chuẩn cao hơn bị đánh giá là bất khả thi do không gian trong xe đã quá chật chội.
Những chiếc xe tăng T-90 vừa được Nga chuyển tới Syria
Hiện tại chưa có thông tin cụ thể về số lượng T-90 vừa tới Syria, nhưng đếm qua bức ảnh thì có thể ước chừng vào khoảng hơn chục chiếc, tương đương một đại đội. Ngoài ra không loại trừ khả năng vài ngày tới sẽ có thêm nhiều chuyến tàu chở xe tăng tiếp tục cập cảng.
Những chiếc xe tăng T-90 vừa được chuyển giao cho Syria, kết hợp với số T-90A/K viện trợ lô nhỏ từ năm ngoái sẽ tạo nên sức xuyên phá cực mạnh cho quân đội quốc gia Arab này trên chiến trường.
Cận cảnh lô xe tăng T-90 mới tiếp nhận của Quân đội Chính phủ Syria
Trước khi cuộc nội chiến nổ ra, Quân đội Chính phủ Syria (SAA) nắm trong tay một lượng rất hùng hậu tăng - thiết giáp, ước tính lên tới 4.500 xe tăng chiến đấu chủ lực (đứng hàng thứ 6 thế giới), 4.510 xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh các loại (đứng thứ 16 thế giới).
Tuy nhiên sự hiệu quả của tên lửa chống tăng BGM-71 TOW trong tay quân nổi dậy, kết hợp với tinh thần chiến đấu yếu kém của quân chính phủ (thường xuyên bỏ cả xe tăng, thiết giáp lại chiến trường để chạy thoát thân) đã khiến cho số lượng chiến xa của SAA giảm sút nghiêm trọng.
Lô xe tăng T-62M cập cảng Syria vào cuối năm ngoái
Cách đây không lâu, Nga đã phải phá kho, mở niêm, "gọi tái ngũ" những chiếc T-62M bị loại biên từ vài năm trước nhằm cấp tốc bù đắp phần thiếu hụt cho SAA. Nhưng rõ ràng so với T-72M/A/AV thì T-62M không thể sánh bằng, cho dù đã trải qua gói nâng cấp cả về giáp lẫn sức mạnh hỏa lực.
Có lẽ chính vì lý do này mà Nga buộc phải "vét" nốt số T-90 đời đầu để mang sang Trung Đông, vừa giải quyết vấn đề nâng cao năng lực tác chiến cho đồng minh quan trọng, lại vừa giải phóng bớt "hàng tồn kho", qua đó lấy chỗ cho T-80 nâng cấp cũng như T-14 Armata chuẩn bị được sản xuất hàng loạt.