Theo đó, vai trò của hệ thống phòng thủ tên lửa được đặt ưu tiên ở mức thấp hơn với mục tiêu đối phó với các quốc gia "không thân thiện" và có năng lực hạt nhân hạn chế như Iran và Triều Tiên.
Mục tiêu chính sẽ là Nga và Trung Quốc
Chiến lược phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trong tương lai gần sẽ vẫn nhằm mục tiêu kiềm chế và đối phó với Nga và Trung Quốc. Điều này đã được chứng minh qua chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ trong vài thập niên mới.
Nhà Trắng đã không thể giải thích động cơ của việc chi cả nghìn tỷ USD để nâng cấp toàn diện bộ ba hạt nhân vừa được công bố mới đây.
Trong tuyên bố về chiến lược phát triển phòng thủ tên lửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhấn mạnh:
"Chúng ta đều biết Nga và Trung Quốc có kho vũ khí khổng lồ và đang được nâng cấp với khả năng tấn công chính xác cao. Để kiềm chế Nga và Trung Quốc, chúng ta cần tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của nước Mỹ".
Theo các thông tin đã được công bố, Washington sẽ chi tới 1.200 tỷ USD trong 30 năm tới để duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Trong đó, 800 tỷ USD được dùng cho công tác duy trì và 400 tỷ USD cho các chương trình nâng cấp và phát triển mới.
Sử dụng răn đe hạt nhân làm vũ khí kiềm chế đối thủ, Mỹ có thể đưa thế giới vào cuộc chiến tranh Lạnh mới.
Cùng với đó, Quân đội Mỹ sẽ thay thế 400 tên lửa đạn đạo Minuteman-3 bằng loại tên lửa ICBM mới, cũng như trang bị thế hệ tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ máy bay mới.
Cụ thể, Hải quân Mỹ sẽ thay thế các tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio bằng lớp tàu Colombia mới, còn Không quân Mỹ sẽ được trang bị máy bay ném bom tàng hình mới B-21 Raider.
Những phương tiện chuyên chở mới cho phép Mỹ có thể tung các đòn tấn công bằng vũ khí thông thường hoặc hạt nhân ở phạm vi toàn cầu.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới dựa trên hiện trạng thực tế là "lá chắn tên lửa" không đủ khả năng bảo vệ nước Mỹ khỏi một cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn.
Ngoài ra, sự ra đời các dòng vũ khí siêu thanh thế hệ mới, điển hình là thiết bị lượn Avanguard của Nga, đã khiến việc triển khai lá chắn tên lửa là không khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế.
Trong khi đó, việc tăng cường răn đe hạt nhân dựa trên nền tảng hiện có mang lại hiệu quả về dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên, việc làm này sẽ như con dao hai lưỡi khiến thế giới rơi vào cuộc chạy đua vũ trang mới.
Trước chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ, Moscow kêu gọi Washington cần từ bỏ kế hoạch này và cảnh báo "sẽ không có ai giành chiến thắng theo kịch bản như vậy".
Thiết lập vành đai phòng thủ tên lửa trong không gian
Khi nói về tương lai của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho rằng, mục đích phát triển hệ thống trong tương lai là để đối phó với các quốc gia "không thân thiện". Cụ thể, các thành phần phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại châu Âu là nhằm đối phó với Iran.
"Chúng tôi rất minh bạch và sẵn sàng chia sẻ thông tin về việc phát triển hệ thống phòng thủ với các đối tác Nga và Trung Quốc", ông Donald Trump nói.
Theo lời người đứng đầu Nhà Trắng, Mỹ đang tính toán khả năng triển khai các thành phần phòng thủ tên lửa lên vũ trụ.
Hệ thống này bao gồm các cảm biến cảnh báo sớm tên lửa, chỉ thị mục tiêu và trong tương lai, các thành phần tấn công như đạn tên lửa đánh chặn và vũ khí la-de cũng sẽ được cân nhắc triển khai. Ngoài ra, máy bay thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II cũng được cân nhắc đưa vào chương trình phát triển vũ khí phòng thủ tên lửa mới của Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề này mới đang ở giai đoạn phác thảo ý tưởng và chưa có kết quả đáng chú ý.
Triển khai thêm căn cứ "lá chắn tên lửa" trên đất Mỹ?
Dù chưa tuyên bố chính thức, nhưng trong bài phát triển của Tổng thống Donald Trump có đề cập tới khả năng xây dựng thêm một căn cứ phòng thủ tên lửa ở tại khu vực Đông Bắc của nước Mỹ. Nó được sử dụng với mục đích ngăn ngừa nguy cơ từ Iran.
Liên quan tới vấn đề này, một quan chức giấu tên tại Lầu Năm góc cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện đánh giá và tác động của căn cứ mới với môi trường xung quanh và chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Nếu căn cứ mới giúp nâng cao khả năng phòng vệ đối phó với Iran, nhiều khả năng nó sẽ được triển khai. Tuy nhiên, chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này".
Kể từ năm 2013, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn gói tài chính trị giá hàng chục triệu USD giúp Lầu Năm góc đánh giá khả năng triển khai một căn cứ phòng thủ tên lửa ở bờ Đông nước Mỹ. Khu vực dự kiến đặt căn cứ là Fort Drum, bang New York.
Hiện tại, Mỹ đang triển khai 2 căn cứ phòng thủ tên lửa là Fort Greely ở Alaska và Vandenberg ở California với lý do phòng ngừa khả năng bị tấn công từ Triều Tiên.