Chiến lược kiểm soát Địa Trung Hải của ông Putin khiến Mỹ bất an

Đức Trí |

Nga đang tăng cường hiện diện ở Địa Trung Hải, Mỹ, NATO đặc biệt quan ngại vấn đề này, do đây sẽ là tiền đề để “hất cẳng” Washington khỏi vùng biển chiến lược này.

Truyền thông Mỹ mới đây dẫn lời Đô đốc James Foggo, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu-châu Phi cho biết, thời gian qua Nga đang thực hiện chiến lược chiếm quyền kiểm soát Địa Trung Hải thông qua việc điều động lượng lớn vũ khí trang bị và binh lính đến khu vực Địa Trung Hải, biến khu vực này thành một trong những nơi được quân sự hóa lớn nhất thế giới.

Đặc biệt, một khi Nga có thể “chắc chắn” ở Libya, Moscow có thể sẽ đạt được ưu thế quân sự toàn diện ở khu vực này.

Chiến lược kiểm soát Địa Trung Hải của ông Putin khiến Mỹ bất an - Ảnh 1.

Các tàu chiến Nga đang được bố trí trên biển Địa Trung Hải. Nguồn: ifeng.

Theo báo cáo của Stars and Stripes, khu vực phía đông Địa Trung Hải đang trở thành một trong những khu vực quân sự hóa nhất trên thế giới. “Hải quân Nga đang triển khai các tàu ngầm diesel-điện hiện đại (có khả năng giảm tiếng ồn khi hành trình) có thể phóng tên lửa hành trình Kalibr ở Địa Trung Hải.

Ngoài ra, các tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo đang thực hiện các nhiệm vụ bí mật ở vùng biển châu Âu và có thể tấn công bất kỳ thủ đô của quốc gia nào ở châu Âu hoặc Bắc Phi”, Đô đốc James Foggo nói.

Ông nhấn mạnh rằng, Bộ Tư lệnh Hải quân châu Âu của Mỹ đóng tại châu Âu cần tăng cường cảnh giác, sẵn sàng thực hiện bất cứ nhiệm vụ đột xuất nào trên khắp các tuyến thông thương đường biển ở khu vực này.

Kể từ năm 2014, Nga đã biến căn cứ Tartus ở Syria thành một trung tâm phòng không và hàng hải của Moscow ở khu vực này, Libya có thể sẽ là nơi tiếp theo mà Nga hướng tới để mở rộng ảnh hưởng ở Địa Trung Hải.

Để chuẩn bị cho kế hoạch của mình, từ tháng 5/2020, Nga đã gửi lính đánh thuê và nhiều máy bay chiến đấu đến đất nước Bắc Phi này. Sự hiện diện của những máy bay chiến đấu này có thể là “khúc dạo đầu” cho hoạt động mở rộng đồn trú của Nga tại đây.

Việc tăng cường hiện diện quân sự của Nga tại Địa Trung Hải đã làm gia tăng khả năng xảy ra các vụ va chạm trực diện với Mỹ ở đây, vừa qua, cả 2 bên đã nhiều lần ngăn chặn và xua đuổi máy bay quân sự của nhau hoạt động trên không phận Địa Trung Hải.

Đồng quan điểm với Tướng Mỹ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ quan ngại trước việc Nga tăng cường sự hiện diện tại Địa Trung Hải.

Còn các chuyên gia của NATO thì cho rằng, Nga đang đạt được những thành công “không tưởng” ở Syria, đây là tiền đề để Nga mở rộng ảnh hưởng tại Địa Trung Hải. Một khi Nga có thể thành công can dự vào Libya, khu vực Địa Trung Hải có thể sẽ dần biến thành “ao nhà” của Nga.

Trước những thành công mà quân đội Nga đạt được ở Syria và Địa Trung Hải, Tổng thư ký Jens Stoltenberg và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới đây đã lên tiếng cho biết, họ dự định thảo luận về một “phản ứng chung đối với các hệ thống vũ khí Nga ở đây” trong cuộc họp tại Brussels tới đây.

Giới quan sát cho rằng, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Syria từ tháng 10/2015 theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện ở quốc gia này nói riêng và tình hình Địa Trung Hải nói chung.

Lợi ích địa chính trị của Nga từ hoạt động ở Syria đã giúp Nga tăng cường vai trò và vị thế ở Trung Đông, thể hiện sức mạnh quân sự hùng hậu.

Nếu việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Syria đã làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng tại chiến trường Syria và cứu chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad khỏi bị sụp đổ, thì việc Nga triển khai các vũ khí và thiết bị quân sự tối tân tại Syria hiện nay đã giúp Nga tăng cường đáng kể khả năng răn đe ở khu vực Địa Trung Hải và các căn cứ này cũng là nền móng vững chắc để Nga dần chiếm quyền kiểm soát của Hải quân Mỹ ở đây.

Hiện nay, nếu Mỹ vẫn “giậm chân tại chỗ” để Nga từng bước “tung hoành” ở Libya thì nhiều khả năng Mỹ sẽ mất tất cả ở khu vực Địa Trung Hải. Trong kế hoạch quân sự hóa Địa Trung Hải của Nga thì Syria và Libya là 2 “điểm dừng chân” đặc biệt quan trọng.

Đối với Libya, các nước châu Âu bao gồm Pháp, Đức và Italy từ lâu đã chuyển hướng sang nguồn dầu giá rẻ từ Libya để không phụ thuộc vào nguồn dầu từ Nga. Chính vì lẽ đó, ảnh hưởng của Nga tại các cảng xuất khẩu dầu của Libya, bên cạnh các nhượng bộ và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, sẽ cho phép Moscow tiếp tục kiểm soát dòng năng lượng chảy vào châu Âu.

Hơn nữa, bờ biển Libya là một cửa ngõ chính cho người di cư đi qua Địa Trung Hải đến châu Âu xin tị nạn. Với việc có được chỗ đứng ở Libya, Nga sẽ có thể gây ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu một phần nào đó ở con đường này, khiến các nước châu Âu bắt buộc phải tìm kiếm một sự đồng thuận với Moscow.

Do vậy, nếu Nga có thể hiện diện quân sự ở Libya để tăng cường quyền kiểm soát ở Địa Trung Hải, thì không nghi ngờ gì đây sẽ là “đòn trí mạng” đối với Mỹ và NATO, các nước châu Âu sẽ buộc phải phụ thuộc vào Nga và xa rời Mỹ, thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia “ủy nhiệm” của Mỹ và NATO ở Trung Đông, cũng sẽ phải “dứt tình” với Washington.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại