Chiến lược bất ngờ của Mỹ ở Syria

Đông Phong |

Mặt trận Al-Nusra đang bị Mỹ săn lùng ráo riết, kế hoạch lật đổ Tổng thống Syria Assad đi vào ngõ cụt?

Tờ Washington Post vừa trích dẫn một vài nguồn tin từ giới chức quốc phòng Mỹ cho biết, Tổng thống Obama đã ra lệnh triển khai thêm nhiều máy bay không người lái (UAV) trang bị vũ trang đến Syria nhằm săn đuối các phần tử cực đoan của Mặt trận Al-Nusra.

Được biết, Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt (JSOC) đã được giao sử dụng thêm UAV trang bị vũ khí và do thám ở miền tây bắc Syria để tiêu diệt các lãnh đạo cốt cán của Mặt trận Al-Nusra.

 Chiến lược bất ngờ của Mỹ ở Syria  - Ảnh 1.

Mặt trận al-Nusra nguy hiểm hơn cả IS.

Theo nguồn tin từ Washington, ông Obama không muốn nhóm khủng bố Mặt trận Al-Nusra (nhánh phiến quân của Al-Qaeda tại Syria) tồn tại ngay cả khi chính quyền Tổng thống Bashar Assad sụp đổ và lực lượng này không thể coi là phe đối lập ôn hòa.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Mỹ, cố vấn an ninh nội địa và chống khủng bố của Tổng thống Mỹ, bà Lisa Monaco cũng cho biết, ông Obama “ưu tiên việc chiến đấu chống lại Mặt trận Al-Nusra ở Syria nhằm khiến chúng không có cơ hội phát triển hay đủ khả năng phá hoại quyền lợi của Mỹ và đồng minh”.

Khẳng định từ phía quan chức Mỹ cho thấy sự chuyển hướng trong chiến lược của quân đội Mỹ tại Trung Đông. Trước nay, Mỹ thường nương tay với lực lượng Mặt trận al-Nusra và gọi đây là lực lượng đối lập ôn hòa.

Hôm 10/11, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 4 thủ lĩnh của lực lượng vũ trang cực đoan Mặt trận al-Nusra, có liên quan đến hoạt động khủng bố hoặc ủng hộ các nhóm khủng bố.

Mỹ coi lực lượng này là một chi nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda ở bán đảo Arab và hoạt động mạnh ở Syria.

Bốn thành viên cấp cao của al-Nusra này gồm Abdallah Muhammad bin-Sulayman al-Muhaysini, Jamal Husayn Zayniyah, Abdul Jashari và Ashraf Ahmad Fari al Allak.

Trước đó vào tháng 7, lực lượng này tuyên bố đã cắt đứt quan hệ với al-Qaeda và đổi tên là Jabhat Fatah al Sham như một cách để phủ nhận lý do Mỹ và Nga tấn công vào nhóm. Tuy nhiên, Washington đã không công nhận sự thay đổi trên.

Cuộc chiến giành lại ảnh hưởng ở Syria từ tay phiến quân Mặt trận Al-Nusra đã được Mỹ bắt đầu hồi tháng 9.

Trong khi Nga luôn cáo buộc nhóm lực lượng đối lập trên là khủng bố và khi được quân đồng minh Mỹ bao che, nhóm này có khả năng được sử dụng để lật đổ, thay thế chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Dù Mỹ thể hiện quan điểm chống lại al-Nusra, các nước phương Tây theo nhóm đồng minh Mỹ ở Trung Đông lại gây sức ép yêu cầu Nga ngừng chiến dịch không kích thành phố Aleppo, nơi hàng nghìn tay súng thuộc nhóm Mặt trận al-Nusra đang cố thủ.

Nga đã thực hiện nhiều cuộc không kích hỗ trợ Quân đội chính phủ Syria tiêu diệt lực lượng này, mới đây nhất là tại Cao nguyên Golan.

Hôm 10/11, đã có ít nhất 75 kẻ khủng bố đã thiệt mạng, và hàng chục tên khác bị thương, buộc các tay súng cực đoan còn lại phải tháo chạy khỏi cao nguyên Golan.

Hàng loạt thi thể của phiến quân được nhìn thấy nằm khắp xung quanh cao điểm Tal Al-Ahmar, sau khi lực lượng Hồi giáo cực đoan rút lui.

Nguồn tin thân cận với các nhóm khủng bố trước đó khẳng định, khoảng 2.200 đến 2.500 phiến quân đã bị tiêu diệt hoặc bị thương trong cuộc tấn công quy mô lớn của chúng nhằm vào các vị trí của lực lượng chính phủ ở các khu vực phía tây và tây nam thành phố Aleppo trong thời gian qua.

Khả năng thay đổi chiến thuật của Mỹ ở Trung Đông một cách bất ngờ phần nào cho thấy những chiến lược của Lầu Năm Góc có phần bí ẩn, đặc biệt là trong khi Hoa Kỳ vừa đón chào một vị tân Tổng thống đắc cử khó đoán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại