Chiến hạm "tí hon" đánh chìm nhiều tàu ngầm nhất trong lịch sử

Đức Anh |

Trong Thế chiến II, tàu hộ tống không được đánh giá cao về sức mạnh nhưng USS England đã lập chiến công đánh chìm 6 tàu ngầm chỉ trong 12 ngày.

Những năm Thế chiến II, tàu khu trục hộ tống là một loại tàu chiến giá rẻ của Hải quân Mỹ. Nó được thiết kế nhỏ hơn các tàu khu trục thông thường.

Thay vì chiến đấu quyết liệt trong hạm đội như những người anh em "to lớn" khác, tàu khu trục hộ tống được giao nhiệm vụ buồn tẻ hơn nhưng không kém phần quan trọng là hộ tống các tàu buôn chậm chạp chạy trên khắp các đại dương.

Tuy nhiên, kỷ lục đánh chìm tàu ngầm trên thế giới lại không thuộc về các chiến hạm, hay tàu sân bay mà thuộc về một tàu khu trục hộ tống nhỏ bé. Chiến công hiển hách đó thuộc về tàu khu trục hộ tống USS England (DE-635) của Mỹ, chỉ trong 12 ngày vào tháng 5/1944, nó đã đánh chìm 6 tàu ngầm Nhật Bản.

USS England được đặt theo tên thủy thủ John England thiệt mạng trong trận Trân Châu Cảng, thuộc lớp Buckley. Thoạt nhìn, đây không phải là một con tàu ấn tượng, nó có thủy thủ đoàn 186 người, lượng giãn nước khoảng 1.400 tấn.

Vũ khí trên tàu chỉ có 3 pháo hạm 76,2 mm, khiêm tốn hơn nhiều so với pháo 127 mm trên tàu khu trục chiến đấu, khoảng 12 khẩu pháo phòng không so với 20 trên tàu khu trục lớp Fletcher và 3 ống phóng ngư lôi so với 10 ống trên tàu khu trục.

Tuy nhiên, vũ khí chống ngầm trên tàu khá mạnh với 2 giá phóng mìn sâu ở đuôi tàu, cùng 8 pháo K bắn mìn sâu với tầm bắn khoảng 137 m. Tàu còn mang theo 24 quả mìn chống ngầm Hedgehog do Anh chế tạo. Nó phát nổ ở độ sâu định sẵn đem lại hiệu suất tác chiến cao hơn.

Chiến công không tưởng

Chiến hạm tí hon đánh chìm nhiều tàu ngầm nhất trong lịch sử - Ảnh 1.

Tàu hộ tông USS England chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Navsource

Ngày 18/5/1944, USS England cùng 2 tàu hộ tống khác nhận nhiệm vụ truy tìm một tàu ngầm Nhật Bản đang tiến về quần đảo Solomon ở nam Thái Bình Dương. Chiều ngày 19/5, hệ thống định vị thủy âm (sonar) trên tàu England phát hiện tàu ngầm I-16 của Nhật.

Những gì xảy ra tiếp theo được thuyền trưởng John Williamson, khi đó là sĩ quan điều hành trên tàu England mô tả lại trong một bài báo đăng trên tạp chí Proceeding vào tháng 3/1980. Tàu hộ tống England đã bắn 4 đợt mìn chống ngầm Hedgehog nhưng không trúng đích. Tuy nhiên, trong đợt tấn công thứ 5, tàu ngầm Nhật đã không thể trốn thoát.

Đến cuối tháng 5, Hải quân Đế quốc Nhật Bản thực hiện chiến dịch A-Go, tập trung hạm đội tàu ngầm phục kích các tàu chiến Mỹ.

Kế hoạch bao gồm điều động 7 tàu ngầm phục sẵn ở đông bắc quần đảo Admiralty và New Guinea, trên tuyến đường tàu chiến Mỹ thường hành quân qua đây. Các tàu ngầm sẽ cảnh báo sớm cho quân Nhật, sau đó nhấn chìm một số chiến hạm Mỹ, đủ để gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ của hạm đội.

Tuy nhiên, tình báo Mỹ đã chặn và giải mã được chỉ thị từ bộ chỉ huy trung tâm Nhật Bản nên quyết định điều động USS England cùng 2 tàu khác ngăn chặn âm mưu này. Đêm 22/5, tàu hộ tống USS George (DE-697) phát hiện tàu ngầm RO-106 trên mặt nước.

Tàu ngầm Nhật cố lặn xuống để lẩn trốn nhưng không thoát được sau 3 loạt mìn sâu Hedgehog phóng ra từ tàu England.

Ngày 23/5, tàu ngầm RO-104 trở thành nạn nhân thứ 3 của tàu England và RO-116 bị đánh chìm vào ngày hôm sau.

Chiến hạm tí hon đánh chìm nhiều tàu ngầm nhất trong lịch sử - Ảnh 2.

Tranh vẽ tàu USS England phóng loạt mìn chống ngầm tiêu diệt tàu ngầm Nhật Bản.

Ngày 26/5, nhóm tàu săn ngầm hội quân cùng tàu sân bay hộ tống USS Hoggatt Bay (CVE-75) để tiến về cảng Manus tiếp nhiên liệu. Trên đường đi, USS England đánh chìm tiếp tàu ngầm RO-108. Sau khi tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm, nó cùng nhóm tàu trở lại khu vực để săn lùng các tàu ngầm Nhật còn lại.

Sáng ngày 30/5, tàu ngầm RO-105 tấn công nhóm tàu hộ tống cho tàu sân bay CVE-75. Nhóm tàu chiến Mỹ liên tục quần đảo săn lùng tàu ngầm Nhật Bản. Lúc đó, USS England được lệnh tuần tra khu vực riêng và không tham gia vào cuộc truy lùng tàu ngầm RO-105.

Trong gần 24 giờ, các tàu chiến Mỹ săn lùng RO-105 nhưng không thành công. Con tàu được chỉ huy bởi thuyền trưởng Ryonosuka, một trong những chỉ huy giàu kinh nghiệm nhất Hải quân Nhật. RO-105 đã khéo léo lẩn tránh các cuộc tấn công của tàu chiến Mỹ một cách tài tình.

Thuyền trưởng Williamson liên lạc trên radio với nhóm tàu chiến Mỹ đề nghị được giúp đỡ. Nhưng nhóm tàu chiến không cung cấp vị trí và yêu cầu USS England tránh xa khu vực để khỏi nguy hiểm. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, thuyền trưởng Williamson vẫn ra lệnh cho tàu tiến vào khu vực để cùng săn lùng tàu ngầm RO-105.

Sau khi vượt qua 21 đợt tấn công trong vòng 30 giờ, RO-105 bị đánh chìm bởi loạt mìn sâu bắn ra từ USS England. 2 trong 7 tàu ngầm được phải vội vã quay về cảng.

Tổng công, từ ngày 18 đến 30/5/1944, USS England đã nhấn chìm 6 tàu ngầm Nhật Bản mà không chịu bất kỳ tổn thất nào. Kỷ lục đánh chìm tàu ngầm của USS England đã tồn tại suốt 73 năm qua và còn rất lâu nữa kỷ lục này mới có thể bị xô đổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại