5 siêu vũ khí bị hủy bỏ đáng tiếc của Mỹ

Đức Anh |

Trực thăng tấn công AH-56 hay máy bay ném bom chiến lược siêu âm XB-70 có thể trở thành những vũ khí đáng sợ nếu không bị hủy bỏ.

Mỹ tự hào là quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới. Họ luôn đi đầu trong việc phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới. Tuy vậy, có những chương trình vũ khí bị hủy bỏ đáng tiếc, một phần do sự thay đổi của bối cảnh chính trị, một phần do những rào cản về công nghệ

Tạp chí National Interest đã thống kê 5 chương trình vũ khí bị hủy bỏ. Nếu được phát triển, chúng có thể trở thành những vũ khí đáng gờm.

Trực thăng AH-56 Cheyene

5 siêu vũ khí bị hủy bỏ đáng tiếc của Mỹ - Ảnh 1.

AH-56 Cheyene, dự án trực thăng tấn công đầu tiên của Mỹ.

Trực thăng từng được sử dụng trong những năm cuối Thế chiến II và chiến tranh Triều Tiên cho mục đích sơ tán. Những năm 1960, quân đội Mỹ bắt đầu đánh giá cao vai trò của các loại trực thăng. Các nhà hoạch định quân sự nhìn thấy tiềm năng để phát triển các trực thăng hiện đại hơn, khả năng thực hiện một loạt nhiệm vụ khác nhau.

Nổi bật trong đó là mẫu trực thăng tấn công AH-56 Cheyene do tập đoàn Lockheed (nay là Lockheed Martin) chế tạo. AH-56 được chế tạo cho nhiệm vụ vận chuyển, hỗ trợ mặt đất và tấn công độc lập. Đặc biệt, trực thăng này được trang bị hệ thống động lực độc đáo có thể đạt tốc độ tới 370 km/h.

AH-56 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 9/1967. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bộc lộ các thiếu sót kỹ thuật, dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Trong khi quá trình phát triển cũng như lỗi kỹ thuật chưa được khắc phục, Không quân và Lục quân Mỹ xảy ra mâu thuẫn về nhiệm vụ chi viện hỏa lực đường không.

Mâu thuẫn giữa các chính trị gia, quan chức quân đội khiến chương trình AH-56 bị hủy bỏ vào năm 1972. Vài năm sau đó, khái niệm thiết kế của AH-56 được phát triển thành trực thăng tấn công AH-64 Apache cho Lục quân Mỹ.

Máy bay ném bom B-70 Valkyrie

XB-70 Walkyrie là mẫu thử nghiệm máy bay ném bom chiến lược siêu âm do tập đoàn North America phát triển vào đầu những năm 1960. Nó được thiết kế để xâm nhập không phận Liên Xô ở tốc độ tới Mach 3 (khoảng 3.600 km/h).

XB-70 gây ấn tượng mạnh bởi thiết kế đẹp mắt, trông như một tàu không gian. Tuy nhiên, Walkyrie đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao cùng nhiều công nghệ tinh vi mà công nghiệp hàng không Mỹ khi đó chưa đáp ứng được.

5 siêu vũ khí bị hủy bỏ đáng tiếc của Mỹ - Ảnh 2.

Mẫu thử nghiệm máy bay ném bom chiến lược siêu âm XB-70. Ảnh: Rockwell

Dự án siêu máy bay ném bom chiến lược này vô cùng tốn kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Tổng thống Dwight D. Eisenhower, tiếp đến là Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara không mặn mà với dự án tiêu tốn quá nhiều tiền này, trong khi đó tên lửa đạn đạo liên lục địa cho thấy tiềm năng lớn hơn trong việc tấn công Liên Xô.

Dự án XB-70 bị hủy bỏ vào năm 1969. Chỉ 2 mẫu thử nghiệm được chế tạo, trong đó một mẫu rơi trong quá trình thử nghiệm. Mẫu còn lại được trưng bày tại Bảo tàng không quân quốc gia ở Dayton, Ohio. 10 năm sau, B-1 Lancer có một số đặc điểm giống XB-70 được đưa vào hoạt động trong Không quân Mỹ với vai trò máy bay ném bom chiến lược siêu âm.

A-12 Avenger

Những năm 1980, Hải quân Mỹ lên kế hoạch thay thế máy bay tấn công A-6 Intruder. Sự phát triển của công nghệ tàng hình được áp dụng trong Không quân dẫn đến việc Hải quân cũng muốn ứng dụng công nghệ này cho máy bay chiến đấu trên hạm.

5 siêu vũ khí bị hủy bỏ đáng tiếc của Mỹ - Ảnh 3.

Đồ họa thiết khí động học của máy bay tàng hình trên hạm A-12 Avenger.

A-12 Avenger do tập đoàn McDonnell Douglas phát triển đem lại nhiều kỳ vọng cho Hải quân về một siêu chiến đấu cơ trên hạm. Thiết kế khí động học của A-12 giống như một máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit thu nhỏ. Ngay Không quân cũng bày tỏ sự quan tâm đối với A-12 để thay thế cho máy bay chiến thuật F-111 Aardvark.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào phát triển dự án, A-12 nhanh chóng bộc lộ nhiều vấn đề kỹ thuật mà chưa thể giải quyết được ở thời điểm đó. Chi phí cho chương trình tăng vọt song mẫu thử nghiệm vẫn chưa hoàn thành. Chuyến bay đầu tiên được dự định diễn ra vào tháng 10/1990 nhưng không thực hiện được và dời lại sang năm 1992.

Bên cạnh đó, Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến nhu cầu về một siêu chiến đấu cơ trên hạm cũng giảm theo. Năm 1991, Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney ký quyết định hủy bỏ chương trình A-12 Avenger và tập trung vào dự án ít rủi ro và hiệu quả hơn là F/A-18 Hornet.

Hệ thống chiến đấu tương lai (FSC)

Còn gọi là RMA, một học thuyết quân sự về tác chiến trong tương lai. FCS tập trung vào giải pháp công nghệ thông tin để tăng cường sự kết nối giữa vũ khí dẫn đường chính xác, truyền thông thời gian thực nhằm thay đổi phương thức tác chiến lên một tầm cao mới.

5 siêu vũ khí bị hủy bỏ đáng tiếc của Mỹ - Ảnh 4.

Hệ thống chiến đấu tương lai rất hiện đại nhưng không phù hợp với cuộc chiến chống khủng bố.

Hiểu nôm na, hệ thống chiến đấu tương lai là sự tích hợp vũ khí, phương tiện và cảm biến thành một mạng lưới thống nhất, cho phép chỉ thị mục tiêu và tấn công trong thời gian thực, giúp nâng cao hiệu suất tác chiến, giảm thiểu thương vong, cũng như số lượng vũ khí cho mỗi đợt tấn công.

Tuy nhiên, trong quá trình tham chiến tại Iraq, học thuyết RMA cho thấy nhiều bất cập. Những công nghệ tinh vi trong hệ thống chiến đấu tương lai không phù hợp với chiến thuật chiến tranh du kích. Triển vọng phát triển của hệ thống chiến đấu tương lai ngày càng mờ mịt.

Bên cạnh đó, việc áp dụng ngày càng nhiều các phương tiện chiến đấu tự động như máy bay tấn công không người lái dẫn đến các vụ tấn công nhầm ngày một gia tăng. Một số nhà phê bình cho rằng, RMA là một ý tưởng tốt, song nó đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức chiến tranh và cần được xem xét cẩn trọng hơn.

Tàu kiểm soát biển

SCS là một dự án phát triển tàu sân bay nhỏ làm nhiệm vụ kiểm soát các vùng biển thay cho các siêu hàng không mẫu hạm. Dự án SCS được khởi động vào đầu năm 1970 do Đô đốc Elmo Zumwalt chủ trì.

5 siêu vũ khí bị hủy bỏ đáng tiếc của Mỹ - Ảnh 5.

Bản đồ họa thiết kế tàu kiểm soát biển SCS

Tàu có lượng giãn nước đầy tải 13.700 tấn. Tàu có thể mang theo 3 máy bay cất cánh thẳng đứng AV-8A Harrier và 14 trực thăng các loại. SCS hoạt động với vài trò tàu sân bay hộ tống nhằm bù đắp khoảng trống giữa các tàu sân bay.

Năm 1971, tàu đổ bộ tấn công USS Guam được lựa chọn thử nghiệm cho chương trình SCS, tàu được bổ sung thêm máy bay AV-8A Harrier cùng trực thăng chống ngầm Sea King. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ sớm nhận thấy việc đóng loại tàu chiến mới này tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể ảnh hưởng đến ngân sách cho dự siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz.

Dự án SCS bị hủy bỏ vào năm 1974, các tàu đổ bộ tấn công lớp Tarawa và Wasp đảm nhận vai trò kiểm soát trên biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại