Chiến dịch tình báo mật danh “Bức tường có tai”

Yên Bình |

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tình báo Anh đã tiến hành chiến dịch nghe trộm các cuộc đối thoại của tù nhân là tướng lĩnh Đức quốc xã bị bắt nhằm thu thập những thông tin hữu ích.

Trong cuốn sách “Bức tường có tai: Chiến dịch tình báo vĩ đại nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai” xuất bản cuối năm 2019, nhà sử học Helen Fry đã tiết lộ chi tiết về chiến dịch này.

Đằng sau “câu lạc bộ dành cho quý ông” ở Trent Park

“Đó chắc chắn không phải là điều mà các tướng lĩnh Đức Quốc xã bị bắt làm tù binh mong đợi”. Nhà sử học Helen Fry đã mô tả trong cuốn sách mới của mình như vậy. Cuốn sách là tập hợp thông tin từ hàng nghìn hồ sơ, bản viết tay, báo cáo do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Vương quốc Anh công bố không rộng rãi vào cuối những năm 1990.

Ở một vùng nông thôn phía bắc thủ đô London (Anh), có một ngôi nhà mang tên Trent Park, là nơi giam giữ các tướng lĩnh Đức Quốc xã bị bắt trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Là nhà tù nhưng Trent Park thực sự giống như một câu lạc bộ dành cho quý ông.

Các tù nhân bị giam giữ trong phòng riêng, có phòng khách liền kề. Nhà tù còn có phòng chơi billard, bóng bàn, chơi bài. Sau tiệc trà chiều Giáng sinh, một bữa tối thịnh soạn đã được chuẩn bị chu đáo.

Trong những tháng đầu của cuộc chiến, các tù nhân Đức, là những thủy thủ được giải cứu sau khi tàu ngầm bị chìm và các phi công thuộc Luftwaffe (Không quân Đức Quốc xã) bị bắt khi máy bay bị bắn hạ trên lãnh thổ Anh, bị giam giữ tại Tháp London, trước khi bị giam giữ ở Trent Park.

Tại đây, các sĩ quan cấp cao của Đệ tam Quốc xã “lừng lẫy một thời” được chào đón với sự tôn kính khi được đích thân Lord Aberfeldy, một quý tộc nổi tiếng người Scotland, ra tiếp. Nhà quý tộc Aberfeldy nói với các tướng lĩnh tù nhân rằng, ông ta chịu trách nhiệm về đời sống của họ ở trong tù.

Vì vậy, cứ hai tuần một lần, ông lại lên London mua kem cạo râu, chocolate và thuốc lá cho họ. Ông Aberfeldy cũng yêu cầu thợ may từ Savile Row - một con phố thời trang nổi tiếng ở London - đến Trent Park để lấy số đo may quần áo mới cho các tù nhân. Thậm chí, nhà quý tộc còn hồ hởi giới thiệu lâu đài của mình ở Scotland và thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Führer (hàm ý nói tới Hitler).

Những người Đức này thậm chí còn không bị giam giữ trong nhà tù Trent Park. Các sĩ quan cao cấp Anh vẫn đưa họ đi ăn tối ở nhà hàng Simpson ở Strand và ở Ritz hoặc mời họ về nhà uống trà. Trung tá Kurt Kohncke, một trong số tù nhân may mắn trên, nhận xét rằng: “Những chủ nhà này rất tốt bụng”.

Nhưng thực tế không có gì là như vậy. "Lord Aberfeldy" là sự sáng tạo của các cơ quan tình báo Anh bởi không có danh hiệu nào như vậy tồn tại và người đóng vai "Lord Aberfeldy" là Ian Munro - một sĩ quan tình báo Anh.

Theo cuốn sách “Bức tường có tai: Chiến dịch tình báo vĩ đại nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai”, tác giả Fry viết: Đằng sau Câu lạc bộ quý ông ở Trent Park, tình báo Anh đã lên kế hoạch công phu cho hiệu quả cao.

“Các tù nhân không hề nhận ra rằng, thiết bị nghe trộm bị cài khắp nơi, từ đèn chiếu sáng đến lò sưởi, từ chậu hoa, vách tường, dưới sàn phòng ngủ và thậm chí cả trên cây trong vườn. Ngay cả bàn billard cũng có thiết bị nghe trộm. Ngôi nhà và đồ vật xung quanh không khác gì một sân khấu”, nhà sử học Fry viết.

Toàn bộ các cuộc nói chuyện giữa các tù nhân Đức đã được ghi âm và chuyển tới một căn phòng dưới tầng hầm - Phòng M - nơi có một đội quân, gồm cả người tị nạn Do Thái, đang căng tai để giải mã. Các cuộc hội thoại sau đó được phiên âm, dịch và kiểm tra lại kỹ lưỡng trước khi được chuyển tới các nhà điều tra tại chỗ và chuyển đến Whitehall cho các cơ quan tình báo và cơ quan chính phủ.

Trent Park chỉ là một phần của chiến dịch nghe trộm của tình báo Anh. Latimer House và Wilton Park, hai khu vực ở vùng nông thôn Buckinghamshire, phía tây bắc London, cũng là những nhà tù được xây dựng trong những năm đầu của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Sau khi quân Đồng minh tuyên bố giành thắng lợi trước Đức Quốc xã, các căn phòng đặc biệt của Trent Park đã trở thành “nhà” của gần 100 sĩ quan cao cấp Đức Quốc xã và khoảng 10.000 tù nhân cấp thấp bị giam giữ ở ba địa điểm này.

Đại tá Kendrick-Oskar Schindler của thành Vienna

Trent Park trước đây là ngôi nhà của Sir Philip Sassoon, một người Do Thái giàu có ở Iraq. Kể từ khi được đưa vào sử dụng như một nhà tù, Trent Park được lắp đặt các thiết bị nghe trộm công nghệ mới nhất của Tập đoàn Radio Corporation of America. Đại tá Thomas Kendrick giám sát toàn bộ chiến dịch mang tên Trung tâm thẩm vấn chi tiết của các cơ quan tình báo phối hợp.

Chiến dịch tình báo mật danh “Bức tường có tai” - Ảnh 1.

Đại tá Kendrick. Ảnh: timesofisrael.com.

Trong thời kỳ giữa chiến tranh, Kendrick từng là cựu quan chức tình báo chỉ huy mạng lưới gián điệp của Anh ở Trung Âu. Kendrick đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người Do Thái và các đối thủ chính trị của Đức Quốc xã ở Áo.

Theo hồ sơ từ Bộ Ngoại giao Anh, Kendrick và các đồng nghiệp đã cứu khoảng 200 người Do Thái mỗi ngày bằng cách cấp thị thực cho họ, bất chấp cả việc họ không đủ điều kiện. Vì thế, tác giả Helen Fry đã ví Kendrick như là "Oskar Schindler của thành Vienna" (Oskar Schindler, thương gia người Đức, người được cho là đã cứu sống 1.200 người Do Thái khỏi Thảm họa Holocaust).

Thậm chí Kendrick còn bắt tay với Adolf Eichmann, người được cử đến Áo để cứu người Do Thái khỏi sự truy lùng của Đức Quốc xã. Theo thỏa thuận giữa Kendrick và Adolf Eichmann, 1.000 người Do Thái đã nhận được thị thực bất hợp pháp để tới Palestine. Vì việc này mà Kendrick đã bị Bộ Ngoại giao Anh khiển trách vì hành động mà không được phép của chính phủ.

Chưa đầy sáu tháng sau khi quân đội Đức tiến vào Vienna, do một điệp viên hai mang phản bội, Kendrick bị Cơ quan mật vụ của Đức Quốc xã (Gestapo) bắt giữ. Sau 4 ngày thẩm vấn không đạt kết quả, ông bị trục xuất khỏi Áo. Trở về London, Kendrick được giao nhiệm vụ thiết lập chiến dịch do thám các tù nhân chiến tranh nằm trong tay Anh.

“Bức tường có tai”

Khi chiến tranh xảy ra, số lượng phi công, thủy thủ bị Anh bắt giữ tăng lên, nhờ đó London đã thu thập nhiều thông tin quan trọng. Những người nghe trộm biết rằng, Hitler đã lên kế hoạch xâm chiếm nước Anh như thế nào.

Chiến dịch tình báo mật danh “Bức tường có tai” - Ảnh 2.

Bà Helen Fry, tác giả cuốn “Bức tường có tai”. Ảnh: timesofisrael.com.

Họ cũng thu thập thông tin về các hoạt động kháng chiến ở các nước bị chiếm đóng như Pháp, Hà Lan và Na Uy, các cuộc không kích vào Anh và tác động của vụ đánh bom RAF đối với Đức. Trong "Trận chiến Đại Tây Dương", các điệp viên đã phát hiện ra thông tin tình báo về hoạt động và chiến thuật của tàu ngầm Đức.

Các thông tin thu được đằng sau bức tường nhà tù Trent Park còn cho biết, máy bay ném bom Luftwaffe sử dụng các hệ thống điều hướng vô tuyến ngày càng chính xác để đánh bom Anh vào ban đêm, nhờ đó Anh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp đối phó.

Các tù nhân cũng rò rỉ thông tin quan trọng về ngư lôi nhiệt hạch từ tính mới có thể được bắn bởi tàu ngầm Đức, điều này giúp thực hiện các bước để giúp giảm thiểu mối đe dọa cho các tàu của Anh.

Khi chiến tranh nổ ra được 2 tháng, có nhiều tin đồn về “vũ khí bí mật” của Hitler. Thế nhưng, phải hơn 3 năm sau, các cuộc thảo luận giữa các tướng lĩnh trong tù đã giúp quân Đồng minh hiểu được mục đích thực sự của địa điểm bí mật Peenemünde nằm ở biển Baltic, phía bắc nước Đức, nơi một chương trình tên lửa chết người mới đang được tiến hành.

“Các cuộc ném bom tấn công vào địa điểm trên đã làm trì hoãn vụ thử nghiệm tên lửa tới 6 tháng”, bà Fry cho biết. Điều quan trọng là tên lửa V1 đầu tiên bị bắn đã rơi trúng mục tiêu London sau ngày D-Day [D-Day, cuộc đổ bộ của quân Đồng minh ở Normandy]. Chiến dịch nghe trộm còn thu được nhiều thông tin về vụ phóng tên lửa V1 và V2 ở Pháp và Hà Lan.

Các thông tin nghe trộm thu thập được từ Trent Park có giá trị đến mức, khi thảo luận về kế hoạch mở rộng chiến dịch này tại nhà tù Latimer House và Wilton năm 1941, các chỉ huy tình báo đã đề xuất cần triển khai càng sớm càng tốt và bằng bất cứ giá nào.

Tuy nhiên, năm 1943, Kendrick đã phải đối mặt với một vấn đề không thể giải quyết chỉ bằng tiền. Chiến thắng của quân đội Anh ở Bắc Phi đã khiến số tù nhân chiến tranh tăng lên. Việc nghe trộm cũng gặp khó khăn do xuất hiện nhiều ngôn ngữ kỹ thuật cao và tiếng địa phương Đức khó hiểu. Thời điểm đó, các cơ quan tình báo Anh đang sử dụng nhân viên nghe nói tiếng Anh và tiếng Đức trôi chảy.

Do đó, Kendrick cần người nói tốt tiếng Đức mẹ đẻ, do vậy ông tìm đến Quân đoàn Tiên phong của quân đội Anh, nơi có đông người tị nạn Đức là người Do Thái.

Chính phủ Anh đã tuyển dụng 100 người di cư, trong đó có nhiều người một thời bị coi là “kẻ thù nước ngoài”. Những người này vui mừng khi có cơ hội tham gia vào chiến dịch nghe trộm này. Trong số đó có Fritz Lustig, người đã trốn khỏi Đức sau sự kiện Đêm Crystal.

Người này đã bị giam giữ trên đảo Man trong suốt mùa hè năm 1940 trước khi được thả ra và gia nhập Quân đoàn Tiên phong. Năm 1943, sau khi vượt qua các bài kiểm tra của Kendrick, Fritz Lustig được tuyển dụng và được thăng quân hàm trung sĩ.

Ban đầu, Lustig không có ý định làm gián điệp các tù nhân Đức nhưng rồi ông nói: "Họ không còn là đồng bào của tôi nữa". Những người khác cũng bày tỏ cảm xúc tương tự. "Tôi chưa bao giờ cảm thấy như mình đang phản bội Đức" hay “nước Đức đã phản bội tôi”, một vài người Do Thái đã nói như vậy.

Thông qua các tin tức thu được, Kendrick và các quan chức tình báo Anh hiểu hơn về thái độ của các tướng lĩnh phát xít đối với Hitler.

Ví dụ như họ phản ứng gay gắt trước sự trả thù đẫm máu của Hitler đối với những kẻ âm mưu ám sát ông ta trong Chiến dịch Valkyrie vào tháng 7-1944, vô cảm trước vụ tự sát của Hitler, thậm chí uống rượu vào ngày chiến thắng của quân Đồng minh trước Đức Quốc xã và kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu. Cũng có những người Do Thái đau đớn khi hay gia đình vẫn mắc kẹt ở châu Âu.

Kendrick đã xác định rằng hoạt động nghe trộm có thể giúp ích cho các phiên tòa xét xử những người chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh. Ngay từ đầu, ông đã ra lệnh cho những người nghe trộm giữ tất cả các bản ghi âm có liên quan, đánh dấu các băng ghi âm bằng chữ "A" màu đỏ lớn (A là chữ cái đầu của từ atrocité, nghĩa là tàn bạo).

Tuy nhiên, các đoạn ghi âm này không được sử dụng trong phiên tòa ở Nuremberg sau khi những người đứng đầu cơ quan tình báo Anh quyết định không thể tiết lộ công khai phương thức nghe lén của mình. Thật vậy, các tài liệu ở “Phòng M” cuối cùng không được giải mật cho đến cuối những năm 1990 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Cũng vì thế, bức màn bí mật bao trùm công việc của Kendrick và những người nghe trộm Do Thái đã không được vén lên trong nhiều năm sau đó. Vào thời điểm tài liệu được giải mật, nhiều người trong số họ đã chết vì thế chưa bao giờ vai trò của họ trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít được công nhận.

Nhưng đối với nhà sử học Fry, những hồ sơ giải mật này có ý nghĩa vô cùng lớn. "Những bản ghi chép từ các cuộc nghe trộm có ý nghĩa sâu sắc và phù hợp với thời đại chúng ta. Đây là bằng chứng độc lập và không thể phủ nhận về nỗ lực của những người như Đại tá Kendrick. Tôi muốn, nhiều người biết về sự thật này hơn”, bà Fry chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại