Năm 1944, Mỹ và Liên Xô hợp tác trong chiến dịch ném bom lãnh thổ Đức Quốc xã. Chiến dịch này được kỳ vọng cải thiện quan hệ giữa 2 cường quốc. Nhưng không ngờ, chiến dịch đã gây thiệt hại nặng nề cho không quân Mỹ và gây căng thẳng cho quan hệ Xô-Mỹ, là nguyên nhân không nhỏ cho sự ra đời của Chiến tranh Lạnh sau đó.
Quả bom này có dòng chữ tiếng Anh với nội dung "Của Liên Xô và Mỹ dành tặng cho phe phát xít". Ảnh: Fortepan.
Kể từ khi bước vào Thế chiến 2 vào tháng 12/1941, Mỹ đã lên kế hoạch sử dụng các sân bay Liên Xô cho hoạt động ném bom ồ ạt xuống lãnh thổ Đức, nhưng trong vài năm liền Liên Xô đều cương quyết khước từ đề xuất này.
Mãi đến tháng 2/1944, lãnh tụ Liên Xô Stalin mới phê chuẩn kế hoạch cho phép một số lượng nhỏ oanh tạc cơ Mỹ được cất cánh từ các căn cứ không quân của Liên Xô. Chiến dịch Frantic ra đời, trao cơ hội cho người Mỹ thực hiện ném bom chiến lược vào các mục tiêu quan trọng bên trong lãnh thổ Đức, mà máy bay Mỹ không thể bay tới nếu xuất kích từ các sân bay ở Anh và Italy.
Không quân Hoàng gia Anh từ chối tham gia chiến dịch Frantic do lãnh đạo Anh Winston Churchill hoài nghi Liên Xô một cách sâu sắc. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Mỹ lại xem đây là cơ hội tuyệt vời để cải thiện quan hệ với Liên Xô.
Chào đón nồng ấm
Các phi cơ ném bom của Mỹ đã sử dụng kỹ thuật "ném bom con thoi" trong khuôn khổ chiến dịch Frantic. Theo đó, máy bay cất cánh từ các phi trường của Liên Xô, nhưng sau khi trút bom xuống các mục tiêu địch sẽ hạ cánh tại đất nước Italy lúc đó do quân Đồng minh chiếm giữ.
Trong phi vụ tiếp theo, các oanh tạc cơ này cất cánh từ Italy, ném bom mục tiêu phát xít rồi hạ cánh xuống căn cứ Liên Xô.
Mỹ thiết kế việc "ném bom con thoi" nhằm đánh lừa các phi công phát xít Đức – những kẻ thường cố gắng đánh chặn các oanh tạc cơ của quân Đồng minh trên đường bay về căn cứ xuất phát. Với việc Mỹ triển khai kỹ thuật ném này, phi công Đức sẽ khó lòng biết được máy bay ném bom của Mỹ sẽ bay về đâu sau khi cắt bom.
Ba sân bay gần Poltava ở miền Đông Ukraine (khi đó thuộc Liên Xô) đã được lựa chọn cho việc triển khai các pháo đài bay B-17 và máy bay ném bom hạng nặng B-24, cùng với các phi cơ tiêm kích cơ hộ tống là P-51 và P-38.
Mùa xuân năm 1944, vài ngàn chuyên gia Mỹ cùng khối lượng lớn hàng hóa và đạn dược đã được đưa tới Poltava. Lực lượng quân sự Liên Xô tại địa phương nhiệt liệt chào đón người Mỹ. Một ban nhạc jazz Poltava thậm chí đã biểu diễn để tôn vinh các quân nhân Mỹ.
Vladimir Stankevich, một phiên dịch viên Liên Xô tại sân bay này nhớ lại: "Mọi người vui vẻ nghênh đón họ. Chúng tôi khi ấy cùng đánh kẻ thù chung."
Chiến dịch Frantic chính thức được phát động vào ngày 2/6/1944. Hôm đó, 200 máy bay ném bom và tiêm kích của Mỹ xuất kích từ Italy, ném bom một ga xe lửa ở Hungary và hạ cánh xuống sân bay Liên Xô lần đầu tiên.
Các phi công Mỹ làm quen với các đồng nghiệp của họ - các thợ máy Liên Xô. Họ thích thú dạo bộ ở Poltava, nói chuyện vui vẻ với quân nhân Liên Xô và quay phim mọi thứ.
Bất chấp rào cản ngôn ngữ và việc lực lượng phản gián Liên Xô khuyến cáo quân nhân Liên Xô không tiếp xúc gần gũi với người Mỹ, các phi công của Mỹ vẫn thiết lập được mối quan hệ thân thiết và tin cậy với các quân nhân Liên Xô.
Đã có những sự cố hài hước xảy ra. Trung úy không quân Mỹ Fried đã cố lọt vào tòa nhà chính quyền thành phố Poltava mà không có giấy phép. Sau khi bị bắt, Fried nói rằng anh ta chỉ muốn tới đó để được tận mắt chứng kiến địa điểm và cách thức làm việc của Đảng Cộng sản "của các anh".
Việc ném bom đều đặn các mục tiêu chiến lược ở Đức và các nước khi đó thuộc quyền kiểm soát của phe phát xít – Ba Lan, Hungary, và Romania, diễn ra được một tháng thì gặp phải một thảm họa.
Không quân Đức trả thù
Sau khi hứng chịu những đòn không kích dữ dội của Mỹ nhằm vào các nhà máy quân sự và các đầu mối đường sắt quan trọng, phát xít Đức đã nhanh chóng đáp trả.
Ngày 21/6/1944, một máy bay He-111 của Đức bí mật bám đuôi các máy bay ném bom của Mỹ khi các máy bay này trở lại căn cứ Liên Xô. Và máy bay Đức đã phát hiện ra điểm xuất kích của máy bay Mỹ trên lãnh thổ Liên Xô.
Thợ máy Liên Xô Yuri Dubrovin nhớ lại: "Chiếc oanh tạc cơ cuối cùng của Mỹ đã kéo theo chiếc máy bay trinh sát của Đức. Chiếc máy bay Đức này chỉ thực hiện một vòng bay quanh sân bay rồi biến mất. Tiêm kích của chúng tôi cố gắng đánh chặn nó nhưng bất thành".
Máy bay Mỹ tại sân bay Liên Xô bị phá hủy sau trận oanh tạc của phát xít Đức. Ảnh: Bảo tàng Không quân Mỹ.
Ngay đêm hôm sau, các oanh tạc cơ của Đức và Hungary "chần bom" dữ dội sân bay gần Poltava. Cả tiêm kích đánh chặn của Liên Xô lẫn lực lượng cao xạ tại chỗ của họ đều không thể chặn được máy bay phát xít. Trên thực tế, hỏa lực cao xạ Liên Xô lại còn có tác dụng làm điểm định hướng lý tưởng cho các máy bay phe Trục tới tấn công sân bay.
Một nữ y tá tên là Marina Kovaleva nhớ lại: "Lúc đó tôi chỉ muốn chết thôi. Đúng là địa ngục thực sự".
Quân đội Mỹ hứng chịu tổn thất vô cùng nặng nề. Họ mất 47 trong tổng số 73 máy bay. Các kho lớn chứa đạn và hàng hóa của Mỹ cùng bị phá hủy.
John Pesch, một chỉ huy máy bay B-17 của Mỹ nói: "Đây là thiệt hại lớn nhất mà chúng tôi hứng chịu tại một sân bay riêng lẻ trong toàn bộ cuộc chiến này".
Người Mỹ phẫn nộ
Các chỉ huy Mỹ đổ lỗi cho phía Liên Xô về thảm họa này. Họ chỉ trích Liên Xô đã có một hệ thống cao xạ yếu kém và đã hoàn toàn không chuẩn bị sẵn sàng lực lượng tiêm kích đánh chặn cho cuộc chiến ban đêm. Phía Mỹ yêu cầu được triển khai hệ thống phòng không và máy bay tiêm kích riêng của họ từ Mỹ sang.
Những lời lên án của phía Mỹ là có lý. Liên Xô đã không bảo đảm mức độ bảo vệ cần thiết cho sân bay và đã không có sẵn dù chỉ một chiếc tiêm kích hoạt động đêm đóng tại đó. Hỏa lực đậm đặc nhưng hỗn loạn từ các khẩu pháo cao xạ Liên Xô tại đó đã không bắn trúng một chiếc máy bay Đức nào.
Heinz Kiel, một điện đài viên trên máy bay He-111 của Đức nói: "Người Nga đáng lẽ đã có thể chuẩn bị tốt hơn nữa. Trên thực tế chúng tôi chẳng vấp phải sự kháng cự nào cả. Tôi đoán rằng người Mỹ và người Nga đã hiểu lầm lớn về nhau".
Chiến dịch Frantic tạm thời bị đình lại. Các máy bay còn lại được tái triển khai sang các sân bay Italy. Mối quan hệ giữa các quân nhân Mỹ và Liên Xô tại các sân bay trở nên cực kỳ lạnh nhạt và căng thẳng.
Mặc dù căng thẳng giữa đôi bên lên cao, cuối cùng chiến dịch này vẫn được nối lại vào tháng 8/1944, mặc dù lúc này trên một quy mô nhỏ hơn trước rất nhiều.
Một lý do khác cho việc hủy bỏ chiến dịch này là khi đó Hồng quân Liên Xô đã tiến nhanh về phía Tây, khiến cho Poltava nằm lùi sâu về hậu phương.
"Lạc ở Ukraine"
Vào ngày 19/9/1944, tất cả các máy bay ném bom và tiêm kích Mỹ đã lần cuối cùng rời khỏi các sân bay ở khu vực Poltava.
Vào tháng 10 năm đó, đa số các nhân viên quân sự Mỹ còn lại đã di tản khỏi Liên Xô. Trong mùa đông 1944-1945, chỉ còn lại 200 người. Khi này họ đã cách rất xa mặt trận chính ở châu Âu và họ tự gọi mình là "bị lạc ở Ukraine".
Chỉ sau khi Thế chiến 2 đã kết thúc ở châu Âu được hơn 6 tuần, vào ngày 22/6/1945 những người Mỹ cuối cùng này mới rời Liên Xô và được điều chuyển sang Viễn Đông để đánh nhau với quân Nhật.