Chiến dịch “Hoa anh đào nở về đêm” chấm dứt không trống không kèn

Lê Ngọc |

Chiến dịch táo bạo dùng tàu ngầm và máy bay để sử dụng vũ khí sinh học tấn công nước Mỹ của gã đồ tể - Chỉ huy Biệt đội 731 của Nhật - đã bất ngờ bị phá sản do Nhật Bản đầu hàng Đồng minh.

Tình hình chiến cuộc thay đổi

Cuộc tấn công kinh hoàng của Nhật Bản nhằm vào căn cứ hải quân Trân Châu Cảng ở Thái Bình Dương năm 1941 đã làm nước Mỹ mất hơn 2.400 người, 188 máy bay, nhiều tàu thuyền… Ngay ngày hôm sau, chính phủ Mỹ tuyên bố tham gia Thế chiến II, kể từ đó, quân đội Mỹ không còn liều lĩnh, lơ là cảnh giác.

Từ năm 1943, người Mỹ đã đẩy mạnh tấn công quân Nhật Bản trên toàn bộ các chiến trường, khiến giới lãnh đạo chính trị và quân sự Nhật đã phải liên tục nghĩ ra những phương thức tấn công khác thường, những kiểu chiến tranh hoàn toàn mới…

Chiến dịch “Hoa anh đào nở về đêm” chấm dứt không trống không kèn - Ảnh 1.

Tướng Shirō Ishii - Chỉ huy Biệt đội 731 và là cha đẻ của Kế hoạch “Hoa anh đào nở về đêm”; Nguồn: warhistoryonline.com

Tháng 11/1944, Nhật Bản đã thả tổng cộng 9.300 quả bom cháy và sát thương từ 200 khinh khí cầu bay ở độ cao 10.000 mét, được dòng khí đẩy về phía đông tới lục địa Mỹ.

Chúng đã đâm vào một trang trại ở Medford, Oregon, và gây ra đoản mạch đường dây cung cấp điện cho các máy bơm làm mát lò phản ứng hạt nhân trong cơ sở sản xuất của Dự án Manhattan tại Công trường Hanford ở Washington, giết chết 6 thường dân gần Bly (Oregon).

Điều đáng nói nhất là đến thời điểm này, người Nhật đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm và tàu ngầm mang máy bay. Khoảng 50 tàu ngầm Nhật Bản có thủy phi cơ hạng nhẹ trên boong.

Các thủy phi cơ được vận chuyển bằng tàu, nhưng tự cất và hạ cánh trên mặt nước, chủ yếu được sử dụng để trinh sát, kể cả trinh sát phục vụ chiến dịch tấn công Trân Châu Cảng. Với các thủy phi cơ đó, quân Nhật đã thu được một số thành công trong các chiến dịch ném bom bờ biển Mỹ, tuy vậy, giới chỉ huy quân sự chóp bu Nhật Bản cho rằng, thủy phi cơ chỉ có khả năng mang bom cháy hạng nhẹ.

Để tổ chức các cuộc ném bom hạng nặng vào lãnh thổ Mỹ, cần có những chiếc máy bay hoàn toàn khác và kế hoạch tạo ra các tàu ngầm - tàu sân bay khổng lồ Sentoku có thể mang máy bay hạng nặng đã ra đời.

Người Nhật lên kế hoạch đóng 9 tàu ngầm, mỗi chiếc có chiều dài 121m, lượng choán nước 6.500 tấn, di chuyển với tốc độ lên đến 24 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 70.000km, nhờ chúng, quân Nhật có thể tấn công bờ biển Mỹ, cả từ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

3 tàu sân bay hạ thủy đầu tiên được trang bị 8 ống phóng ngư lôi, 10 pháo phòng không và 1 pháo 140mm. Nhưng quan trọng nhất, chúng chứa được 3 máy bay ném bom Serian có thể cất cánh trực tiếp từ boong tàu ngầm bằng máy phóng.

Chiến dịch “Hoa anh đào nở về đêm”

Người Nhật không nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia Đồng minh nào, mà nuôi ý tưởng tấn công bất ngờ lục địa Mỹ, ví dụ bờ biển California, nhằm làm tê liệt quốc gia này. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để tấn công, vì đơn giản là không quân hoặc hàng không mẫu hạm Nhật Bản không thể bí mật tiếp cận bờ biển nước Mỹ.

Trước tình hình đó, Đô đốc Isoroku Yamamoto đã đề xuất tiến hành một chiến dịch tàu ngầm mang máy bay tiếp cận bờ biển California, sau đó, dùng máy bay thả bom có ​​chứa trực khuẩn dịch hạch xuống các thành phố của Mỹ, trong khi các máy bay từ các tàu ngầm khác sẽ ném bom kênh đào Panama.

Biệt đội 731 (Unit 731 - Đơn vị 731, hay còn gọi là Biệt đội Kamo…) được quân đội Nhật Bản thành lập năm 1935 tại Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc, khi đó là một phần của Mãn Châu, do Nhật Bản chiếm đóng) để nghiên cứu chiến tranh sinh học và hóa học, bằng cách thực hiện thử nghiệm trên người nhiều loại bệnh và hóa chất nguy hiểm từ những năm 1930.

Sau khi Công ước Geneva cấm chiến tranh vi trùng được ký kết vào năm 1925, các quan chức Nhật Bản lý luận rằng lệnh cấm như vậy chỉ khẳng định sức mạnh của một loại vũ khí.

Người Nhật không chỉ tiến hành những thí nghiệm dã man trên những tù binh bị bắt hoặc binh lính đối phương bị thương, mà thực hiện các thử nghiệm có khả năng gây chết người trên bất kỳ ai họ có thể có được - đàn ông, phụ nữ, trẻ em và thậm chí cả trẻ sơ sinh.

Trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai và sau đó là Thế chiến II, người Nhật đã nhồi vi trùng gây bệnh dịch hạch, bệnh tả, bệnh đậu mùa, bệnh than và các bệnh khác vào những quả bom thường xuyên được ném xuống các chiến binh và dân thường Trung Quốc.

Theo Hội nghị chuyên đề Quốc tế về Chiến tranh Vi trùng năm 2002, số người thiệt mạng cả trong chiến tranh và trong quá trình thử nghiệm trên người của Đơn vị 731 vào khoảng 580.000 người.

Chiến dịch “Hoa anh đào nở về đêm” chấm dứt không trống không kèn - Ảnh 3.

Tàu ngầm lớp I-400 của Đế quốc Nhật; Nguồn: warhistoryonline.com

Trong chiến dịch 'M' tại Philippines vào tháng 3/1942, người Nhật đã cân nhắc việc thả 90kg bọ chét (khoảng 150 triệu con) mang mầm bệnh dịch hạch trong 10 cuộc tấn công riêng biệt, nhưng người Mỹ đã đầu hàng tại Bataan trước khi kế hoạch được thực hiện.

Tháng 7/1944, quân Nhật lại chuẩn bị loại vũ khí sinh học giống hệt như vậy trong trận Saipan. May mắn thay cho lực lượng Mỹ - bọ chét đã bị giết trên đường đến chiến trường khi tàu ngầm Swordfish của Mỹ đánh chìm tàu ​​ngầm Nhật Bản.

Người Nhật đã cố gắng sử dụng vũ khí sinh học một lần nữa trong Trận Iwo Jima để chống các lực lượng Mỹ xâm lược, nhưng một lần nữa, kế hoạch đã thất bại - các tàu lượn cất cánh từ đất Nhật Bản đến sân bay Matsumoto ở quận Pingfang để chuẩn bị cho cuộc tấn công đã không bao giờ đến đích.

Kế hoạch Chiến dịch mang mật danh "Hoa anh đào nở về đêm" ("Cherry Blossoms at Night") được Chỉ huy Biệt đội 731 - Trung tướng Shirō Ishii (đồng thời là bác sĩ, nhà sinh học) phát triển (và đặt tên), hoàn tất ngày 26/3/1945; được giới chức quân sự Nhật Bản phê duyệt lịch thực hiện vào ngày 22/9/1945.

Theo kế hoạch, 5 trong số các tàu ngầm tầm xa lớp I-400 mới, mỗi chiếc chở 3 máy bay Aichi M6A Seiran mang bom Uji-50 chứa bọ chét cùng mầm bệnh dịch hạch, sẽ vượt Thái Bình Dương để tiếp cận California.

Quả “bom” có thiết kế đơn giản - đó là một thùng gốm chứa đầy bọ chét và bột mì nhiễm bệnh dịch hạch. Khi “bom” roi xuống đất và bị vỡ, bột bả sẽ thu hút chuột, bọ chét sẽ bám vào chuột và chuột sẽ truyền bệnh như người Nhật từng thử nghiệm tại các ngôi làng Mãn Châu.

Khi đến gần San Diego, các tàu ngầm sẽ nổi lên và phóng máy bay về phía mục tiêu, hoặc để thả bệnh dịch bằng bom khinh khí cầu chứa bọ chét, hoặc lao xuống lãnh thổ của đối phương.

Chiến dịch “Hoa anh đào nở về đêm” chấm dứt không trống không kèn - Ảnh 4.

Dù bằng cách nào, bệnh dịch hạch sau đó sẽ lây truyền và giết chết hàng chục nghìn người trong khu vực. Nhiệm vụ này cực kỳ rủi ro đối với các phi công và tàu ngầm, có thể là một nhiệm vụ cảm tử (kamikaze).

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Yoshijirō Umezu lúc đầu đã phủ quyết kế hoạch vì lý do đảm bảo hậu cần, nhưng vào khoảng đầu tháng 8/1945, đã chấp thuận ý tưởng này khi Hải quân Nhật Bản nói rằng họ còn một số tàu ngầm tầm xa có khả năng chở máy bay mà không gặp phải vấn đề lớn nào trên đường hành quân.

Hoa anh đào không bao giờ “nở”

Khi số bọ chét mang mầm bệnh được giải phóng, Chiến dịch “Hoa anh đào nở về đêm” sẽ coi như hoàn thành - tất cả những gì còn lại là sự lây lan của bệnh truyền nhiễm và tử vong qua San Diego và xa hơn nữa; người Nhật dự kiến hàng chục nghìn người sống ở California sẽ chết.

Tuy nhiên, trục trặc lại ập đến với kế hoạch chiến tranh sinh học của Nhật Bản một lần nữa trước khi Thế chiến II kết thúc. Khi chiến dịch được công bố, Hải quân Nhật Bản cho rằng, toàn bộ kế hoạch là quá rủi ro và không khả thi để thực hiện.

Thay vào đó, giới chức Hải quân muốn dành nhiều nỗ lực để phòng thủ và bảo vệ các hòn đảo lân cận của Nhật Bản; các quan chức không muốn mất bất kỳ tàu ngầm I-400 hoàn toàn mới nào cho nhiệm vụ như vậy.

Hai chiếc tàu ngầm ra khơi và tiến về bờ biển Mỹ, nhưng vào thời điểm đó, người Mỹ đã ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki, và Nhật Hoàng đã buộc phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh ngày 15/8/1945.

Chỉ huy các tàu ngầm biết được điều này trên đường đi và đầu hàng quân Mỹ ở cảng gần nhất. Số phận chiến dịch “Hoa anh đào nở về đêm” được định đoạt - kế hoạch không bao giờ có hồi kết.

Mặc dù người Nhật đã dành nhiều nỗ lực và nghiên cứu để hạ gục kẻ thù bằng đòn hủy diệt sinh học, nhưng một loại vũ khí mới hoàn toàn khác đã đặt dấu chấm hết cho Thế chiến II và làm các kế hoạch lớn của Nhật Bản phá sản. Sau chiến tranh, tàu ngầm mang máy bay của Nhật Bản bị đánh chìm ở vùng biển Hawaii.

Được biết, tại một cuộc họp quan trọng vào tháng 7/1944, Tướng Hideki Tōjō từng phản đối sử dụng vũ khí vi trùng chống lại Mỹ, nhận ra rằng thất bại của Nhật Bản rất có thể sắp xảy ra và việc sử dụng loại vũ khí đó sẽ chỉ làm Mỹ leo thang sự trả đũa.

Đến ngày 9/8/1945, Quân đội Nhật Bản bắt đầu hủy càng nhiều càng tốt các bằng chứng về các thử nghiệm của Biệt đội 731 trên con người. Tuy nhiên, lịch sử về Biệt đội này và các vụ thử nghiệm vẫn được lưu truyền, một phần là do việc người Mỹ cấp quyền miễn trừ cho Tướng Shiro Ishii để đổi lấy các nghiên cứu của ông ta./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại