Ảnh cắt từ clip giới thiệu Eurofighter Typhoon của Airbus Defence and Space
Theo nhà phân tích Harrison Kass trên trang tin 19fortyfive, vào những năm 1980, khi các quốc gia thống lĩnh trong lĩnh vực thiết kế hàng không vũ trụ ở châu Âu quyết định hợp tác để phát triển một mẫu máy bay chiến đấu chiếm ưu thế đường không có khả năng sánh ngang với các tiêm kích Liên Xô, Eurofighter Typhoon đã ra đời.
Sóng gió khi chào đời
Dự án bắt đầu vào năm 1983 với tên gọi là Chương trình Máy bay Chiến đấu Châu Âu tương lai. Ban đầu, dự án có sự tham gia của Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Trước đó, 3 trong số các quốc gia này [gồm Đức, Ý và Anh] đã chung tay phát triển mẫu chiến đấu cơ Panavia Tornado nhưng tới thời điểm ấy họ muốn sản xuất thêm một mẫu tiêm kích tiên tiến nữa.
Tuy nhiên, Pháp đã rời dự án sớm do tranh chấp về bản quyền thiết kế và thẩm quyền vận hành. Về sau, Paris đã tự mình phát triển mẫu Rafale.
Một chiếc Eurofighter Typhoon thuộc Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Wiki
Quá trình chế tạo máy bay chiến đấu trở nên rất phức tạp vào đầu những năm 1990 khi Liên Xô - lý do cơ bản khiến các nước chạy đua phát triển chiến đấu cơ - đã không còn tồn tại. Giống như rất nhiều chương trình phát triển vũ khí khác của phương Tây còn dang dở khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dự án Typhoon đã bị đặt đấu hỏi.
"Chúng ta có còn cần dự án này không? Nó có xứng đáng với chi phí đã bỏ ra hay không? - Chính phủ tài trợ cho dự án Typhoon đã không còn chắc chắn vào niềm tin của mình nữa.
Song, bất chấp những hoài nghi đó và nhiều rào cản phía trước, dự án Typhoon vẫn được tiếp tục.
Đầy thách thức
Điều phối một chương trình vũ khí trị giá hàng tỷ USD giữa các cường quốc châu Âu không hề đơn giản. Những 'cái tôi' lớn và lợi ích cạnh tranh đã làm phức tạp quá trình này.
Ví dụ, vào năm 1990, việc lựa chọn radar cho mẫu máy bay đã trở thành vấn đề gây tranh chấp đáng kể giữa các nước thành viên.
Anh, Ý và Tây Ban Nha đều muốn máy bay phản lực mới trang bị hệ thống radar điều khiển hỏa lực đa chế độ ECR-90. Tuy nhiên, Đức kiên quyết rằng mẫu máy bay này nên lắp đặt radar MSD2000, được thiết kế dựa trên radar AN/APG-65 của Mỹ. Để tìm ra giải pháp, Bộ trưởng Quốc phòng 4 nước đã phải họp lại và thảo luận.
Mặc dù không phải là tiêm kích tàng hình nhưng Eurofighter Typhoon được thiết kế để giảm tiết diện phản xạ radar (RCS), mang lại cho nó những lợi thế lớn (Ảnh: Creative Commons)
Yếu tố chính trị cũng làm phức tạp quá trình thiết kế máy bay. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Đông Đức và Tây Đức thống nhất. Tuy nhiên, quyết định thống nhất 2 miền mang lại gánh nặng về tài chính, khiến mọi chi tiêu của chính phủ Đức đều phải được giám sát và kiểm tra kỹ lưỡng. Bất cứ điều gì không hợp lý đều bị chỉ trích công khai.
Năm 1991, Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã cam kết trong quá trình vận động tranh cử rằng: Nếu được bầu chọn, ông sẽ đưa nước Đức rút khỏi chương trình tiêm kích Eurofighter Typhoon. Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Đức khi ấy Volker Ruhe cũng nỗ lực đưa Đức rút khỏi chương trình này để đầu tư vào một loại máy bay phản lực rẻ hơn, nhẹ hơn.
Thế nhưng lúc này, chương trình Eurofighter đã đi quá xa. Chi phí khổng lồ, những việc làm đã được tạo ra nhờ dự án, và các cam kết liên chính phủ trước đó đã khiến Đức không thể rút lui. Chương trình Eurofighter Typhoon được tiếp tục với đầy đủ quốc gia thành viên.
Viên ngọc tỏa sáng
Nguyên mẫu Eurofighter hoàn chỉnh đã bắt đầu bay thử nghiệm vào giữa những năm 1990. Có một điều không thể phủ nhận là Eurofighter Typhoon rất nhanh nhẹn và cơ động, cho dù ở tốc độ thấp hay cao. Ưu điểm này có được là nhờ vào thiết kế ổn định và thoải mái.
Để bù đắp cho sự không ổn định xưa nay của máy bay phản lực, Eurofighter đã được lắp đặt một hệ thống điều khiển fly-by-wire (phương pháp điều khiển bay thông qua tín hiệu điện) đặc biệt. Thông thường, thao tác thủ công của phi công sẽ không thể giữ cho máy bay ổn định, do vậy, hệ thống này ngăn phi công đẩy quá giới hạ cơ động cho phép.
Mặc dù Eurofighter Typhoon không phải là tiêm kích tàng hình nhưng nó đã được áp dụng một số thiết kế giúp giảm tiết diện phản xạ radar (RCS) của máy bay.
Cận cảnh động cơ Eurojet EJ200. Ảnh: Wiki
Cung cấp sức mạnh cho Typhoon là 2 động cơ Eurojet EJ200. Các động cơ này cũng có chế độ "chiến tranh", khi ấy lực đẩy khô có thể tăng thêm 15% và lực đẩy đốt sau có thể tăng lên 5% trong vài giây mà không làm hỏng động cơ máy bay.
Eurofighter Typhoon là một sự bổ sung đáng hoan nghênh đối với kho vũ khí của các quốc gia thành viên. Nó cũng đã được xuất khẩu sang các quốc gia Trung Đông như Qatar và Saudi Arabia.
Hiện tại, một số quốc gia châu Âu đã bắt tay vào phát triển và nghiên cứu máy bay chiến đấu thế hệ 6 nhưng dự kiến Typhoon vẫn sẽ phục vụ trong trang bị của họ thêm nhiều thập kỷ tới.
So với các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 4 đình đám hiện nay của Nga-Mỹ hay JAS 39 Thụy Điển, Eurofighter Typhoon sở hữu những nét độc đáo và vượt trội riêng. Nó được ví như 'Cuồng phong châu Âu' dành cho Su-35 của Nga. Thậm chí người ta còn so sánh Eurofighter Typhoon như “Leopard 2 trên không” - dòng xe tăng chủ lực được quân đội các nước châu Âu sử dụng.
Năm 2020, Indonesia từng gây tranh cãi lớn khi quyết định từ bỏ mẫu Su-35 của Nga để lựa chọn Eurofighter Typhoon đã qua sử dụng của Áo.
Những điều đó khiến nhà phân tích Kass đặt câu hỏi: "Phải chăng đây chính là máy bay chiến đấu phi tàng hình tốt nhất hiện nay?".