Chiếc xe tiếp sức cơ động P-401

Đặng Thị Hảo – Bảo tàng Thông tin liên lạc |

Trong những chiếc xe thông tin được trưng bày tại Bảo tàng Thông tin liên lạc, có một hiện vật đặc biệt gắn với chiến công của Bộ đội Thông tin liên lạc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Đó là chiếc xe tiếp sức cơ động vô tuyến điện P-401 mang số hiệu FB-4387 của Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 614, Bộ Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc.

Tiểu đoàn 4 (tiểu đoàn thông tin vô tuyến điện tiếp sức) thuộc Lữ đoàn 614, Bộ Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc được thành lập ngày 12/4/1962 trên cơ sở Đại đội vô tuyến điện tiếp sức 22, Trung đoàn thông tin 205, Cục thông tin liên lạc.

Tiểu đoàn 4 gồm 3 đại đội thông tin 12, 13 và 14 cùng bộ phận phục vụ làm nhiệm vụ cơ động, được trang bị xe tiếp sức cơ động P-401, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị sẵn sàng chiến đấu.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã đánh dấu bước trưởng thành mới, toàn diện của quân đội ta, trong đó có Bộ đội Thông tin Liên lạc. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị chính thức thông qua kế hoạch chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Sở chỉ huy tiền phương 1 của Bộ và Quân đoàn 3 cũng từ chiến trường Tây Nguyên hành quân vào Lộc Ninh.

Sở chỉ huy tiền phương 2 của Bộ chuyển thành Sở chỉ huy cánh quân phía Đông chiến dịch cùng với Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 5 vừa tiến công mở đường, vừa cơ động sang hướng Đông.

Lực lượng vận tải chiến lược chuyển sang đường số 1 (chưa có tổ chức thông tin liên lạc), nhận nhiệm vụ vận chuyển một khối lượng lớn cơ sở vật chất hậu cần chuẩn bị cho chiến dịch.

Chiếc xe tiếp sức cơ động P-401  - Ảnh 1.

Bộ đội Thông tin liên lạc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Ảnh Tư liệu.

Theo kế hoạch, mọi mặt chuẩn bị và toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch phải đến vị trí tập kết chậm nhất vào ngày 20 tháng 4 năm 1975. Tình hình trên đã đặt cho Bộ đội Thông tin liên lạc những nhiệm vụ và yêu cầu hết sức nặng nề.

Ngày 7/4/1975, sau khi được Bộ Tư lệnh Binh chủng giao nhiệm vụ, Tiểu đoàn 4 hành quân vào chiến trường, mang theo chín xe vô tuyến điện tiếp sức đặt các trạm trên tuyến trục Bắc – Nam.

Tuyến trục vô tuyến điện tiếp sức được thiết lập bằng sử dụng loại máy P-401, dùng ở cấp chiến thuật của quân đội Liên Xô là một thành công của việc tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc của quân đội ta và trở thành xương sống của hệ thống thông tin liên lạc từ Bộ đến Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đây là một sáng tạo của Bộ đội Thông tin liên lạc và là kết quả của nhiều năm nghiên cứu liên lạc thử nghiệm bằng cách đưa máy lên đặt ở các điểm cao, tăng thêm cự ly liên lạc giữa hai đài làm nhiệm vụ tiếp chuyển trên tuyến trục.

Đồng thời cũng là một biểu hiện của lòng dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 vô tuyến điện tiếp sức khi phải tháo máy khỏi xe, thồ gùi các khối máy, ăng ten, máy phát điện, xăng dầu… lên đặt ở những điểm cao heo hút giữa dải Trường Sơn trùng điệp trong điều kiện khó khăn gian khổ của thời tiết khắc nghiệt như mưa, nắng, giá rét, bão tố.

Chiếc xe tiếp sức cơ động P-401  - Ảnh 2.

Chiếc xe tiếp sức cơ động P-401 mang số hiệu FB-4387 của Tiểu đoàn 4 - Ảnh Bảo tàng Thông tin liên lạc.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 đã ngày đêm bám xe, bám máy bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống.

Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau xuống núi, thồ gùi xăng dầu, lương thực, nước uống, đảm bảo cho sinh hoạt và máy móc hoạt động bình thường, quyết tâm giữ vững thông tin liên lạc từ Bộ đến Sở chỉ huy chiến dịch.

Các tuyến thông tin chuyển đạt – quân bưu khi chuyển sang hoạt động ở phía Đông, trên trục đường số 1 đã huy động được nhiều phương tiện cơ giới để chuyển công văn tài liệu, báo chí thư từ.

Ngày 25/4/1975, các binh đoàn chủ lực đã nhận lệnh cơ động từ nhiều hướng tiến về Sài Gòn theo các trục đường và bằng nhiều phương tiện cơ động, triển khai thế bao vây chiến dịch xung quanh Sài Gòn.

Hướng Bắc và Đông Bắc chiến dịch, Quân đoàn 1 có hai sư đoàn và các đơn vị binh chủng, được tăng cường Trung đoàn bộ binh 95 và một trung đoàn cao xạ tự hành có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Phú Lợi, tiêu diệt Sư đoàn 5 ngụy, tiếp đó đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy.

Chiếc xe tiếp sức cơ động P-401  - Ảnh 3.

Chiếc xe tiếp sức cơ động P-401 trưng bày tại Bảo tàng Thông tin Liên lạc - Ảnh Bảo tàng Thông tin liên lạc.

Hướng Đông và Đông Nam chiến dịch gồm Quân đoàn 2 và 4, Quân đoàn 2 có nhiệm vụ đánh chiếm Bà Rịa, Nước Trong, Long Bình, chặn sông Lòng Tàu, sau đó tiến vào nội thành cùng Quân đoàn 4 chiếm Dinh độc lập.

Hướng Tây Bắc chiến dịch, Quân đoàn 3 có ba sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng, cùng phối hợp với hai trung đoàn địa phương Gia Định 1, 2 và các đội đặc công – biệt động của thành đội Sài Gòn có nhiệm vụ đánh chiếm Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và cùng Quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy.

Hướng Tây và Tây Nam chiến dịch, Đoàn 232 có ba sư đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn tăng – thiết giáp, một tiểu đoàn pháo 130mm, một trung đoàn và năm tiểu đoàn pháo cao xạ cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương Quân khu 8, có nhiệm vụ tiêu diệt sư đoàn 25 ngụy, cắt đứt đường số 4, sau đó thọc sâu đánh chiếm biệt khu Thủ đô và Tổng Nha cảnh sát ngụy.

Chiếc xe tiếp sức cơ động P-401  - Ảnh 4.

Máy vô tuyến điện P-401 lắp đặt trên xe tiếp sức cơ động - Ảnh Bảo tàng Thông tin liên lạc.

11giờ ngày 24/4/1975, mệnh lệnh tiến công vào Sài Gòn của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã được Đại đội 5 vô tuyến điện (thuộc Tiểu đoàn 77 tổng trạm Bộ) chuyển kịp thời tới Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh.

Các cánh quân của ta đã hình thành thế bao vây Sài Gòn từ nhiều hướng, Bộ đội Thông tin liên lạc cũng "thần tốc" phối hợp với các đơn vị triển khai bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ các đơn vị chiến đấu.

Đúng 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 843 do Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng chỉ huy và xe tăng số hiệu 390 (Lữ đoàn 230) dẫn đầu húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Đó cũng là lúc chiếc xe tiếp sức cơ động vô tuyến điện P-401 mang số hiệu FB – 4387 của Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 614, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc do đồng chí Trần Văn Thủy phụ trách tiến vào sân Dinh Độc Lập. Các chiến sĩ nhanh chóng triển khai hệ thống thông tin tiếp sức ngay trên nóc Dinh Độc Lập, đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt.

Đúng 11 giờ 30 trưa ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng của nước ta được kéo lên nóc Dinh Độc Lập cũng là lúc Đài tiếp sức được triển khai xong, bắt liên lạc kịp thời báo cáo về Tổng trạm Thông tin, Sở chỉ huy chiến dịch với nội dung:

Nội các Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Sau khi nhận được thông tin, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã sử dụng điện thoại thông qua tuyến trục vô tuyến điện tiếp sức Bắc – Nam báo cáo về Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ở Hà Nội.

Chiếc xe tiếp sức cơ động P-401  - Ảnh 5.

Xe tiếp sức cơ động P-401 là hiện vật tiêu biểu của Bộ đội Thông tin liên lạc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - Ảnh Bảo tàng Thông tin liên lạc.

Cũng qua đài vô tuyến điện tiếp sức ở Sở chỉ huy, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã nhận được điện của Bộ Chính trị khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ đảng viên và đoàn viên thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã chiến đấu anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc chính quyền và quân đội Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn – Gia Định, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng.

Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng của Tiểu đoàn 4 vô tuyến điện nói riêng và của bộ đội thông tin liên lạc nói chung. Đồng thời là bước phát triển quan trọng về nghệ thuật tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc trong chiến dịch của bộ đội ta.

Với bề dày chiến công trong suốt quá trình chiến đấu, toàn kíp của xe tiếp sức cơ động P-401, Tiểu đoàn 4 cũng như Binh chủng Thông tin liên lạc đã được tuyên dương "Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại