Chiếc lông chim đắt nhất thế giới được bán với giá hơn 700 triệu đồng

Bình Giang |

Một chiếc lông vũ thuộc về loài chim New Zealand tuyệt chủng từ lâu vừa được bán đấu giá với mức kỷ lục: 46.521 NZD (28.400 USD), hãng đấu giá cho biết.

Chiếc lông chim đắt nhất thế giới được bán với giá hơn 700 triệu đồng- Ảnh 1.

Chiếc lông chim huia vừa được bán với giá hơn 700 triệu đồng. (Ảnh: Webb’s Auction House)

Theo hãng đấu giá Webb’s Auction House, chim huia được phát hiện lần gần đây nhất vào đầu thế kỷ 20 và lông của nó từng được bán với giá lên tới 8.400 NZD (khoảng 5.100 USD).

Trong phiên đấu giá ngày 20/5, chiếc lông chim phá vỡ kỷ lục, trở thành chiếc lông vũ đắt nhất thế giới từng được bán.

Leah Morris, người đứng đầu bộ phận nghệ thuật trang trí của hãng đấu giá có trụ sở tại Auckland, cho biết: “Chiếc lông huia quý hiếm này là một ví dụ điển hình về lịch sử tự nhiên của Aotearoa và nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của hệ sinh thái”.

Chiếc lông chim đắt nhất thế giới được bán với giá hơn 700 triệu đồng- Ảnh 2.

Một tộc trưởng Maori cài lông chim huia trên tai. (Ảnh tư liệu)

Thuộc họ chim keo, chim huia được yêu thích đến mức rơi vào tuyệt chủng . Đối với thổ dân Maori ở New Zealand, lông chim của loài này thể hiện địa vị cao và được gài vào mũ đội đầu khi thực hiện nghi lễ.

Theo Bảo tàng New Zealand, chỉ những người có cấp bậc cao nhất mới được phép cài lông huia trên đầu. Lông của loài chim này thường được dùng để đổi lấy nhiều hàng hóa có giá trị khác hoặc làm quà tặng để thể hiện tình bạn và sự tôn trọng. Người New Zealand ở châu Âu cũng coi huia là biểu tượng của uy tín.

Người ta sử dụng lông chim này để làm phụ kiện thời trang và chim huia nhồi bông được dùng làm vật trang trí trong những ngôi nhà giàu có. Những người thợ săn Maori và châu Âu đã giết hàng loạt chim huia trong thế kỷ 19 để bán cho các nhà sưu tập và người buôn bán thời trang.

Chiếc lông chim đắt nhất thế giới được bán với giá hơn 700 triệu đồng- Ảnh 3.

Chim huia đã tuyệt chủng vì bị săn bắt quá mức. (Tranh của bảo tàng New Zealand)

Sự nổi tiếng nguy hiểm của huia càng tăng lên khi Công tước và Nữ công tước xứ York chụp ảnh với mũ lông vũ trong chuyến thăm đến New Zealand năm 1901.

Sau đó, “mọi người gần như phát rồ và đều muốn có một chiếc lông vũ huia”, Morris cho biết.

Nỗ lực của các nhà khoa học vào đầu những năm 1900 nhằm bảo tồn số ít chim huia còn sót lại đã thất bại.

Hãng đấu giá cho biết, những người muốn mua chiếc lông chim phải xin giấy phép từ Bộ Văn hóa và Di sản New Zealand trước khi tham gia cuộc bán đấu giá đầu tuần này. Chiếc lông vũ chỉ được bán cho những nhà sưu tập đã đăng ký và không được phép đưa khỏi đất nước nếu không có sự cho phép của bộ.

Theo CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại