Chia tay Su-30MK2 "cổ điển" - Quyết định sáng suốt của Việt Nam

Hoàng Minh |

Sau khi nhận đủ 36 chiếc Su-30MK2, đã đến lúc Việt Nam tạm biệt dòng máy bay này để tìm đến những lựa chọn mới mẻ và hiện đại hơn.

Tính tới giữa năm 2016, Không quân Nhân dân Việt Nam sẽ nhận bàn giao đủ 36 máy bay Su-30MK2 từ Nga.

Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam dừng mua dòng máy bay có phần "cổ điển" này, đồng thời tìm kiếm những dòng tiêm kích đa nhiệm mới. Các điều kiện đã hội đủ để tiến hành quá trình chuyển tiếp này.

Dây chuyền sản xuất Su-30MK2 đã ngừng hoạt động

Lô Su-30MK2 cho KQNDVN và Su-30M2 cho Không quân Nga là những hợp đồng cuối cùng được nhà máy KnAAPO thực hiện.

Sau khi bàn giao những chiếc máy bay cuối cùng cho khách hàng, nhà máy sẽ đóng cửa dây chuyền để tập trung vào việc sản xuất các dòng máy bay mới hơn như Su-35S và PAK-FA T-50.

Nếu Việt Nam tiếp tục đặt mua, nước ta sẽ trở thành quốc gia duy nhất đặt mua dòng Su-30MK2 trong thời gian tới. Chi phí mua máy bay sẽ đội lên khá cao, một phần không nhỏ trong đó phải dùng để duy trì dây chuyền của KnAAPO.

Trong khi số tiền dôi ra này hoàn toàn đủ để bù vào việc mua sắm các máy bay hiện đại hơn.


Các máy bay tiêm kích Su-35S đang được sản xuất tại KnAAPO.

Các máy bay tiêm kích Su-35S đang được sản xuất tại KnAAPO.

Đã đủ số lượng cho nhu cầu tác chiến đối hải

Với 36 chiếc Su-30MK2, Việt Nam đang sở hữu lượng máy bay tiêm kích đa nhiệm hạng nặng thế hệ 4+ nhiều nhất Đông Nam Á. Các nước trong khu vực Đông Nam Á không thể đuổi kịp Việt Nam về mặt này.

Cao nhất là Singapore cũng chỉ có 24 chiếc F-15SE đang ở trong nước, còn 16 chiếc đang phải gửi ở Mỹ. Malaysia sở hữu 18 chiếc Su-30MKM, kém cả số lượng lẫn khả năng tác chiến đối hải.

Bản thân Indonesia cũng chỉ có 16 chiếc Su-27SKM và Su-30MK2, khó có thể so sánh với Việt Nam. Các nước khác trong khu vực như Philippines, Thái Lan hay Brunei đều không có một loại máy bay tác chiến đối hải tầm xa.

Như vậy, nếu kết hợp với số lượng không nhỏ máy bay tiêm kích bom Su-22M3/M4, trong tương lai trước mắt, KQNDVN đã có đủ máy bay đối hải hết sức hùng hậu để bảo vệ các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.

Có thể không quá phóng đại khi nói Việt Nam đang sở hữu một lực lượng không quân đối hải mạnh nhất trong khu vực.


Tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga.

Tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga.

Đến lúc cần máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không

Sau khi tập trung vào lực lượng tác chiến đối hải, KQNDVN cần tới một loại máy bay có tính năng thiên về đối không.

Su-30MK2 mang radar tối ưu cho việc phát hiện và tấn công mục tiêu trên mặt biển, trong khi khả năng đối không lại kém hơn so với người đồng cấp là Su-30MKI/MKM hay Su-30SM.

Điều đó khiến nó khó có thể bảo đảm ưu thế trong không chiến trước đối phương có số lượng đông hơn nhiều.

Việc chọn mua dòng máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không như Su-30SM hay thậm chí là Su-35S là điều cần thiết vào thời điểm hiện tại. Su-30MK2 khó có thể yên tâm tác chiến chống hạm nếu liên tục bị không quân đối phương quấy phá.

Trong khi đó, Su-30SM và Su-35S đều là những thiết kế mới, được ví như sự lột xác hoàn toàn của dòng họ Su-27/30 "Flanker". Chúng được trang bị radar tầm xa rất mạnh, có khả năng theo dõi và bám bắt nhiều mục tiêu cùng lúc.

Đồng thời, khung thân cải tiến kết hợp với động cơ trang bị vector lực đẩy cũng giúp tăng khả năng cơ động cho máy bay, dù là chiến đấu tầm xa hay cận chiến quần vòng ở tốc độ thấp.

Sự xuất hiện của các máy bay tiêm kích thế hệ 4++ sẽ là lá chắn thép, bảo vệ cho những mũi nhọn tiến công của KQNDVN.

Việt Nam vốn có truyền thống hạn chế mua những vũ khí khí tài chưa qua kiểm nghiệm thực tế. Đây cũng là một trong những lý do khiến Su-30MKI thua Su-30MK2 trong cuộc đua vào biên chế của KQNDVN.

Tuy nhiên, sau màn thể hiện ấn tượng tại Syria, máy bay Su-30SM và Su-35S đã chứng tỏ được sức mạnh của mình. Đây là một yếu tố không nhỏ giúp Việt Nam yên tâm hơn khi chọn mua các máy bay này.


Tiêm kích JAS-39 của Thụy Điển.

Tiêm kích JAS-39 của Thụy Điển.

Đã có nhiều lựa chọn hơn về tiêm kích cho Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều lựa chọn mới cho lực lượng không quân tiêm kích và không chỉ giới hạn ở máy bay Nga như Su-30SM hay Su-35S.

Chúng ta hoàn toàn có thể nhắm tới những ứng cử viên mới hơn như F-15E, F/A-18E/F của Mỹ hay thậm chí là Eurofighter Typhoon và Jas-39 Gripen tới từ châu Âu.

Việc Mỹ gỡ bỏ dần cấm vận vũ khí, kết hợp với chuyến thăm Việt Nam tới đây của Tổng thống Obama, cũng là những yếu tố mở ra nhiều phương án trang bị mới hơn cho KQNDVN.

Bên cạnh đó, kinh tế đi lên cũng giúp nguồn tài chính cho mua sắm vũ khí trở nên rộng rãi hơn. Khi đó, Việt Nam cần phải chọn một dòng máy bay mới, hiện đại hơn, có tiềm năng phát triển lâu dài hơn, thay vì gắn bó quá lâu với Su-30MK2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại