Su-30MK2 VN đã đưa tên lửa RVV-AE tối tân vào trực chiến

Bình Nguyên |

Như vậy là lần đầu tiên công chúng được tận mắt thấy tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam được trang bị một loại tên lửa đối không tầm trung tối tân qua phóng sự của Truyền hình QPVN.

Tên lửa RVV-AE tối tân lần đầu xuất hiện

Đúng vậy, trong phóng sự "Lá chắn thép bảo vệ vùng trời phía Nam Tổ quốc" của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam về hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn Không quân 370, tên lửa không đối không tối tân RVV-AE lần đầu tiên đã chính thức xuất hiện.

Trong phóng sự trên, ta có thể thấy rất rõ trong trạm chuẩn bị tên lửa của Trung đoàn Không quân 935 có ít nhất 2 quả tên lửa RVV-AE tối tân bên cạnh các loại tên lửa vốn đã được công khai từ rất lâu như R-27, R-73, Kh-29 và cả tên lửa diệt hạm tiên tiến Kh-31.

Được biết các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Đoàn Không quân Biên Hòa (Trung đoàn Không quân 935) có thể mang hầu hết các loại tên lửa không đối không, không đối đất, tên lửa diệt radar tiên tiến nhất của Nga hiện nay.

Việc lần đầu tiên tên lửa RVV-AE xuất hiện cho thấy Không quân ta đã có sự đầu tư rất mạnh mẽ.


2 quả tên lửa không đối không RVV-AE (bên trái) cạnh tên lửa diệt hạm Kh-29. Ảnh: Truyền hình QPVN.

2 quả tên lửa không đối không RVV-AE (bên trái) cạnh tên lửa diệt hạm Kh-29. Ảnh: Truyền hình QPVN.

Hiện chưa rõ các tên lửa RVV-AE này đã được Việt Nam mua để trang bị cho các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 từ khi nào. Nhưng có thể phỏng đoán 2 thời điểm loại tên lửa này được nhập về:

Thứ nhất, RVV-AE được đặt mua và chuyển giao theo hợp đồng nhập khẩu máy bay Su-30MK2 trị giá 1 tỷ USD để trang bị cho Trung đoàn không quân tiêm kích đa năng hiện đại thứ 2 (Trung đoàn Không quân 923 - Đoàn Không quân Yên Thế).

Theo đó, 12 chiếc Su-30MK2 trị giá khoảng hơn 500 triệu USD (hơn 40 triệu USD/chiếc), phần còn lại chừng 500 triệu USD để mua các loại trang bị, vũ khí đi kèm và mua bổ sung tên lửa mới cho các máy bay của Trung đoàn 935 đã đưa vào sử dụng trước đó.


Bộ ba tên lửa uy lực nhất của tiêm kích đa năng Su-30MK2 Việt Nam (từ trái qua): Kh-31A, RVV-AE, Kh-29. Ảnh: Truyền hình QPVN.

Bộ ba tên lửa uy lực nhất của tiêm kích đa năng Su-30MK2 Việt Nam (từ trái qua): Kh-31A, RVV-AE, Kh-29. Ảnh: Truyền hình QPVN.

Thứ hai, RVV-AE được đặt mua và chuyển giao theo hợp đồng nhập khẩu máy bay Su-30MK2 trị giá khoảng 600 triệu USD để trang bị cho Trung đoàn không quân tiêm kích đa năng hiện đại thứ 3 (Trung đoàn Không quân 927 - Đoàn Không quân Lam Sơn).

"Hổ mang chúa" Su-30MK2 thêm cánh khủng

Như vậy, mảnh ghép còn thiếu và bấy lâu nay được giới quan tâm tới tiềm lực quốc phòng Việt Nam, trong đó có Không quân mà nhất là tiêm kích đa năng Su-30MK2 hiện đại đã chính thức hé lộ. Đó chính là tên lửa không đối không tầm trung RVV-AE.

Đây là câu trả lời thú vị cho sự thắc mắc của rất nhiều bạn đọc rằng tại sao các máy bay thế hệ mới của Việt Nam chưa hay không được trang bị loại tên lửa mới này.

Được mệnh danh là "Hổ mang chúa" trên bầu trời, sức mạnh của tiêm kích Su-30MK2 được thể hiện không những ở tính năng khí động học tuyệt hảo, hệ thống radar - điện tử hàng không tiên tiến, mà còn ở chỗ chúng mang được nhiều loại vũ khí hiện đại.

Trong đó, tên lửa RVV-AE là "át chủ bài" tối tân, được ví như "sát thủ trên không" hay còn gọi là "thanh kiếm sắc" của dòng máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2.


Máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Trung đoàn Không quân 935 chuẩn bị xuất kích. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Trung đoàn Không quân 935 chuẩn bị xuất kích. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Sở dĩ nó được ví von như vậy là nhờ tính năng tiên tiến, có khả năng tiêu diệt mọi loại mục tiêu bay, từ tiêm kích, trực thăng hay máy bay vận tải cho tới tên lửa hành trình trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày, đêm, trên đất liền hay trên mặt biển.

Đây là loại tên lửa đa kênh, áp dụng nguyên lý "bắn và quên" nhờ phương thức bay theo quán tính trong pha đầu, căn cứ trên tham số mục tiêu cập nhật từ radar trên máy bay. Đến pha cuối, radar chủ động trên tên lửa sẽ "khóa chết" và lao thẳng vào diệt mục tiêu.

Ngoài ra, một ưu điểm nữa của RVV-AE là có thiết kế khí động học độc đáo, giúp giảm tiết diện phản xạ radar tránh bị máy bay địch phát hiện sớm, tăng tốc độ bay và sức chịu quá tải, chuyển hướng nhanh hơn (tới 150°/giây), khiến đối phương không thể trốn thoát.

Đồng thời, nhờ ứng dụng vật liệu mới, thiết kế khí động học tốt hơn nên kích thước và trọng lượng của tên lửa RVV-AE giảm đáng kể (175kg và dài 3,6m) so với họ tên lửa tầm trung R-27 (khoảng 250-350kg và dài đến gần 5m, tùy biến thể) đã phát triển trước đó khá lâu.

Như vậy, Su-30MK2 Việt Nam đã được trang bị cùng lúc 2 loại tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến là RVV-AE (ở bán cầu trước, tầm bắn tới 80km hoặc hơn) và R-27 (tầm bắn xa nhất 50-100km, tùy biến thể) vốn đang được sử dụng phổ biển bởi Không quân Nga.

Bên cạnh biến thể sử dụng đầu dò radar chủ động, RVV-AE còn có các biến thể mang đầu dò hồng ngoại và đầu dò thụ động, cho phép các phi công có nhiều lựa chọn (tùy nhiệm vụ) để phóng đạn diệt địch một cách tối ưu, không cho chúng có cơ hội trở tay đối phó.

Hy vọng, trong tương lai không xa, bên cạnh Trung đoàn 935 đã đưa vào sử dụng tên lửa RVV-AE, các Trung đoàn Không quân tiêm kích Su-30MK2 khác cũng được trang bị loại tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại