Thị trường tiền mã hóa có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng cũng có rất nhiều rủi ro khiến các nhà đầu tư trắng tay. Ngay cả một “cá mập” như tỷ phú Mark Cuban cũng suýt chút nữa trở thành nạn nhân của một dự án tiền mã hóa, khi mà giá trị của đồng tiền này sụt giảm từ mức 52,35 USD xuống chỉ còn gần 0 USD trong 24h.
Từ mức 52,35 USD giảm xuống chỉ còn gần 0 USD.
IRON Titanium Token (TITAN) là một token thuộc hệ sinh thái stablecoin thuật toán thế chấp một phần của IRON Finance. IRON Finance cung cấp một hệ sinh thái dựa trên stablecoin IRON, một dạng đồng ổn định giống như USDC, với giá trị được giữ ở mức tương đương với 1 USD.
Tuy nhiên khác với USDC, có tổng lượng tiền dự trữ khổng lồ để mỗi một USDC được tạo ra thì sẽ có một USD tương ứng. IRON Finance sử dụng phương pháp thế chấp một phần, với một lượng tiền dự trữ nhỏ hơn nhiều so với tổng số lượng IRON phát hành, bù lại sẽ có thêm một phần tài sản thế chấp bằng đồng TITAN với giá trị có thể thay đổi.
IRON Finance còn cung cấp các dịch vụ farming cho phép gửi tiền để đào TITAN, với mức lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn. Lịch trình phát triển của IRON Finance cũng rất hứa hẹn, sẽ hợp tác với nhiều sàn giao dịch DeFi hàng đầu thế giới, để cho phép tạo thanh khoản cho đồng TITAN.
Tỷ phú Mark Cuban.
Dự án này mới chỉ ra mắt được vài ngày, nhưng đã thu hút được dòng vốn đổ vào hơn 2 tỷ USD. Đặc biệt hơn là tỷ phú Mark Cuban đã đăng một dòng tweet vào ngày 13 tháng 6 vừa qua, tuyên bố ông sẽ trở thành nhà cung cấp thanh khoản cho cặp giao dịch DAI/TITAN trên sàn QuickSwap, đổi lại ông sẽ thu được một khoản phí đáng kể từ các giao dịch này.
Giá trị của đồng TITAN tăng trưởng nhanh chóng chỉ sau vài giờ, đã có lúc nó chạm mức 52,35 USD một đồng, khiến cho những người nắm giữ đồng TITAN có giá trị tài sản tăng trưởng bất ngờ. Thế nhưng sự tăng trưởng này lại dẫn đến kết cục không ngờ tới, khiến cho giá của đồng TITAN giảm gần như toàn bộ giá trị của nó và về mức gần 0 USD.
Đội ngũ phát triển của IRON Finance kêu gọi các nhà đầu tư rút toàn bộ tiền.
Đội ngũ phát triển của IRON Finance đã phải đăng trên trang Twitter, kêu gọi các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi tất cả các ví dự trữ. Tuy nhiên họ không nói rõ lý do của đợt bán tháo ngoài sức tưởng tượng này.
Không có bất kỳ sự cố tấn công nào của hacker, cũng như không có chuyện nhà phát triển ôm tiền bỏ chạy, nhưng tất cả là do các nhà đầu tư và cơ chế quy đổi của hệ sinh thái stablecoin thuật toán thế chấp một phần. Về cơ bản, khi giá của đồng TITAN tăng cao, các nhà đầu tư bắt đầu bán ra.
Hiệu ứng domino bắt đầu xảy ra, khi các nhà đầu tư hoảng sợ và rút tiền ra khỏi hệ sinh thái của IRON Finance. Tuy nhiên khi rút tiền ra khỏi, cơ chế quy đổi tạo ra một lượng lớn đồng TITAN mới. Số lượng TITAN mới được tạo ra lại tiếp tục bị bán tháo. Và cứ thế cho đến khi giá trị của một đồng TITAN sụt giảm gần bằng 0. Theo dữ liệu mới nhất trên IRON Finance, thì có khoảng 27 nghìn tỷ đồng TITAN đã được tạo ra.
Khối lượng TITAN lên đến 27 nghìn tỷ đồng, trong khi giá bằng 0.
Tỷ phú Mark Cuban thừa nhận rằng ông cũng bị ảnh hưởng giống như các nhà đầu tư khác, nhưng rất may là ông đã rút tiền ra từ sớm. Mặc dù vậy, một số nguồn tin tiết lộ Mark Cuban đã mất 8 triệu USD bởi đồng TITAN này.
Sự sụp đổ của TITAN và hệ thống stablecoin thuật toán thế chấp một phần của IRON Finance được phân tích là do vốn hóa của nó không đủ lớn để hỗ trợ một thị trường như vậy, tính thanh khoản rất hạn chế và lại cho giao dịch tự do không bị khóa đã khiến cho toàn bộ sụp đổ khi nhà đầu tư bán tháo mà lại trắng bên mua.