Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vào tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt gần 172 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra của nước ta đạt 918 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cá tra của Việt Nam là mặt hàng thủy sản được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Tính đến nay, cá tra Việt Nam đã chinh phục được hơn 140 thị trường trên thế giới. Trong đó, có những thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và những quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là thị trường tiệu thụ lớn nhất của cá tra Việt Nam, với kim ngạch đạt 258 triệu USD (nhưng vẫn giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều thứ hai là Mỹ, với kim ngạch đạt 160 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Vị trí thứ ba là khối CPTPP. Theo đó, trong nửa đầu năm 2024, CPTPP đã chi 128 triệu USD để nhập khẩu cá tra Việt Nam, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ hội cho cá tra Việt Nam trong thời gian tới
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2023 sang các thị trường đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022. Các sản phẩm cá tra của Việt Nam được xuất khẩu sang 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, nhiều sản phẩm từ cá tra được các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Singapore... ưa chuộng.
Trong năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra của Việt Nam đạt 5.700 ha, bằng 98% so với năm 2022, với sản lượng đạt 1,71 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2022 (1,7 triệu tấn). Điều này cho thấy năng suất nuôi cá tra ngày càng được cải thiện.
Sự phổ biến của cá tra cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa cá tra xuất khẩu nhiều thị trường trên thế giới, đã giúp cho ngành này mang về nguồn ngoại tệ lớn mỗi năm. Với kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 – 2,4 tỷ USD/năm, riêng cá tra đã chiếm 16 -26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Trên thực tế, các thị trường và nhóm thị trường chủ lực nhập khẩu cá tra Việt Nam, bao gồm: Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, CPTPP, EU, ASEAN, Trung Đông, Mexico, Brazil, Anh và Nga.
Ngoài ra, số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra tăng liên tục trong những năm gần đây. Cụ thể, trong năm 2020 có 320 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, năm 2021 tăng lên 380, năm 2022 là 435 và năm 2023 có số doanh nghiệp đạt 434.
Theo VASEP, trong năm 2024, phục hồi và tăng trưởng kinh tế EU sẽ không dễ dàng trước các diễn biến ngày càng căng thẳng của cuộc xung đột Nga – Ukraine và xung đột tại Trung Đông, với những tác động đầy bất ổn, rủi ro cho triển vọng kinh tế của liên minh này. Do đó, xuất khẩu thủy sang thị trường EU (trong đó có cá tra) dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng của suy thoái chung toàn cầu. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải khai thác tối đa các ưu đãi và lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU mang lại nhằm tham gia sâu hơn vào khối thị trường này.
Bên cạnh đó, việc đáp ứng được những tiêu chuẩn xanh của EU về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là những yếu tố quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào EU, một trong những thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam.
Theo VASEP dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2024, khối lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu cao từ các thị trường chính như Trung Quốc và ASEAN.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá cá tra nguyên liệu bình quân khoảng 27.700 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ khoảng 1.000 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá khoảng 26.000 đồng/kg tại thời điểm vào cuối năm 2023. Hiện nay, theo VASEP, người nuôi đã có lãi nên đã thu hoạch cá để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu dẫn đến sản lượng cá tra tăng trong 6 tháng đầu năm nay.
Bài tham khảo nguồn: Customs, VASEP, Moit