Một báo cáo hàng năm của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, chi tiêu quốc phòng ở Tây Âu và Trung Âu đã vượt qua mức của năm cuối cùng trong Chiến tranh Lạnh.
Theo đó, chi tiêu quân sự trên toàn thế giới đạt mức cao kỷ lục là 2,24 nghìn tỷ USD (1,8 nghìn tỷ bảng Anh) vào năm 2022.
Báo cáo của SIPRI chỉ ra rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm mức chi tiêu quân sự ở châu Âu tăng cao nhất trong 3 thập kỷ.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm mức chi tiêu quân sự ở châu Âu tăng cao nhất trong 3 thập kỷ. Ảnh: Getty Images
Theo báo cáo của SIPRI, chi tiêu của các quốc gia Trung và Tây Âu đạt 345 tỷ USD vào năm 2022, vượt mức vào năm 1989, năm cuối cùng xảy ra Chiến tranh lạnh. Chi tiêu quốc phòng của khu vực này cao hơn 30% so với một thập kỷ trước.
Vương quốc Anh có chi tiêu quân sự cao nhất ở Trung và Tây Âu với 68,5 tỷ USD, trong đó ước tính 2,5 tỷ USD, tương đương 3,6% chi tiêu quân sự, là viện trợ cho Ukraine.
Châu Âu, bao gồm cả Nga và Ukraine, đã tăng chi tiêu quân sự lên 13% mỗi năm. Báo cáo của SIPRI cho rằng đây là "mức tăng hàng năm lớn nhất trong tổng chi tiêu quân sự của châu Âu trong thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh".
Chi tiêu quân sự của Nga ước tính tăng 9,2% lên khoảng 86,4 tỷ USD, tương đương 4,1% GDP của đất nước vào năm 2022, tăng từ mức 3,7% vào năm 2021.
Ukraine là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 11 thế giới sau khi tăng 640% chi tiêu quân sự. Chi tiêu quân sự của Kiev chiếm tới 34% GDP của nước này.
Các nước châu Âu tăng mức chi tiêu quân sự hàng năm cao nhất là Phần Lan tăng 36%, Litva 27%, Thụy Điển 12% và Ba Lan 11%.
Tiến sĩ Diego Lopes da Silva, một nhà nghiên cứu cấp cao của chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, cho biết, năm 2022 có thể là thời điểm các quốc gia bắt đầu tái vũ trang hàng loạt.
"Cuộc xung đột ở Ukraine đã có tác động ngay lập tức đến các quyết định chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu. Điều này bao gồm các kế hoạch kéo dài nhiều năm để tăng chi tiêu từ một số chính phủ. Kết quả chúng ta có thể sẽ thấy chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu tiếp tục tăng trong những năm tới", ông Silva nói.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vào tháng 2/2022 được cho là nguyên nhân chính khiến chi tiêu quân sự toàn cầu tăng, nhưng chi tiêu quân sự nói chung trên khắp thế giới cũng đang tăng trong hai thập kỷ qua.
Năm 2014, các nước thành viên NATO ở châu Âu đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP trước năm 2024. Báo cáo của SIPRI cho thấy, chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng trong năm thứ 8 liên tiếp vào năm 2022.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới với 877 tỷ USD, chiếm 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.
Trung Quốc - nước có chi tiêu quân sự đã tăng trong 28 năm liên tiếp, là quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới, ước tính 292 tỷ USD vào năm 2022, nhiều hơn 4,2% so với năm 2021 và 63% so với năm 2013.