Israel tràn đầy tự tin
Israel bày tỏ sự tin tưởng rằng nước này có thể theo đuổi các cuộc tấn công vào Iran ngay cả khi người Nga vừa chuyển hệ thống phòng không tiên tiến tới lãnh thổ Syria hồi đầu tháng này.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với VOA ở Jerusalem, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Michael Oren cho biết, việc Nga chuyển giao hệ thống S-300 sẽ gây ra thách thức, nhưng không phải là một thách thức mà họ không thể vượt qua.
"Israel đã vượt qua những thách thức kể từ ngày thành lập đất nước vào năm 1948", ông Oren nói. "Chúng tôi cũng sẽ vượt qua thách thức này nếu buộc phải làm vậy".
Phát biểu với VOA ở Tel Aviv, Bộ trưởng Giáo dục Israel Naftali Bennett, một thành viên của Nội các An ninh, đã phản ứng trước động thái chuyển giao S-300 bằng cách nói rằng Israel sẽ không cho phép Iran - đối thủ chính trong khu vực ở Syria – được phép tiếp cận lãnh thổ nước này.
"Chúng tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ công dân Israel, cũng giống như Iran sẽ làm như vậy nếu kẻ thù của họ tạo ra một sự tích tụ lớn trên biên giới. Chỉ cần đặt họ vào vị trí của chúng tôi là hiểu", ông Bennett nói.
Nga cho biết nước này đã giao hệ thống S-300 cho đồng minh Syria trong khu vực vào ngày 1/10, như một phản ứng đưa ra sau sự cố lực lượng Syria vô tình bắn hạ máy bay trinh sát của Nga bằng hệ thống S-200 xưa cũ. Moscow cáo buộc Israel tạo ra một tình huống "nguy hiểm" dẫn đến vụ việc.
Về phần mình, Không quân Israel giải thích rằng máy bay của họ đã tấn công các mục tiêu quân sự của Iran và trở về không phận trước khi lực lượng Syria bắn nhầm máy bay của Nga.
Iran không hy vọng Nga sẽ bảo vệ mình bằng S-300
Nghị sĩ Iran, Ali Larijani đã mô tả việc chuyển giao S-300 như một "đòn đánh" vào chiến dịch không kích kéo dài hàng năm trời của Israel, nhằm vào các mục tiêu mà nước này cho là các lô hàng vũ khí chuyển giao cho Hezbollah thông qua Syria.
Tháng trước, quân đội Israel tuyên bố đã tấn công 202 mục tiêu ở Syria kể từ năm 2017.
"Tôi không nghĩ rằng Israel có thể đạt được một bước tiến đáng kể sau khi chuyển giao S-300", ông Larijani nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 9/10 với kênh truyền hình RT.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Iran có ít lý do để ăn mừng động thái của Nga, theo nhà phân tích Nader Uskowi, cựu cố vấn cao cấp của bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM).
Cựu Giám đốc tình báo quân sự của Israel Amos Yadlin.
Phát biểu tại cuộc thảo luận ở Hội đồng Đại Tây Dương ngày 17/10, Nader nói Iran đã "rất ngạc nhiên" khi Nga đã không sử dụng hệ thống phòng không S-400 tiên tiến nhất ở Syria để thách thức các cuộc không kích của Israel nhằm vào mục tiêu của Iran trong những năm gần đây.
"Nga không coi mình là kẻ thù của Israel", Nader nói. "Vì vậy, người Iran không nghĩ rằng bước đi của Nga là để phù hợp với chính sách của họ".
Về phần mình, cựu Giám đốc tình báo quân sự của Israel Amos Yadlin nhận định, Iran không tin tưởng vào viễn cảnh lực lượng của mình được bảo vệ bởi hệ thống S-300 mới được lắp đặt ở Syria.
Các quan chức Nga cho biết tổ hợp phòng không này sẽ được vận hành bởi quân nhân Nga ít nhất là trong vài tháng tới trước khi chuyển giao cho sĩ quan Syria.
Ngoài ra, Tehran cũng nhận thức được rằng S-300 chủ yếu nhằm đảm bảo an toàn cho máy bay và nhân sự của Nga hoạt động trong khu vực chứ không có ý nghĩa gì trong việc bảo vệ chính mình.
"Tôi không nghĩ rằng người Nga muốn thách thức lực lượng không quân Israel, dù họ rất có khả năng làm được điều đó", cựu Giám đốc tình báo quân sự của Israel cho biết.
"Và mục tiêu chiến lược của Nga là ổn định Syria. Kịch bản tồi tệ nhất đối với Nga là tự mình làm mọi thứ trở nên bất ổn. Vì vậy, giới lãnh đạo ở Moscow đang suy nghĩ về việc họ sẽ không cho phép quân đội tung hỏa lực vào Israel".
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Israel cũng thừa nhận quân đội Israel và Nga vẫn giữ liên lạc hàng ngày để tránh các cuộc đối đầu giữa hai bên. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm hết sức mình để ngăn chặn điều đó", ông nói. "Chúng tôi không có hứng thú gì trong việc đối đầu quân sự với Nga".
Yadlin cho biết Israel sẽ phải đối mặt với một thách thức không nhỏ nếu Nga cho phép lực lượng Syria vận hành hoàn toàn hệ thống S-300, một động thái có thể cải thiện khả năng phòng thủ của Syria.
Tuy nhiên, ông nói rằng thách thức này đã được giảm đi khá nhiều do sự già cỗi của hệ thống S-300, vốn đi vào hoạt động từ năm 1978.
"S-300 không phải là quá tiên tiến. Tôi là người đứng đầu tình báo của lực lượng không quân vào cuối những năm 1990. Vào thời điểm đó, nó được gọi là SA-20", Yadlin nói.
"Chúng tôi biết cách đối phó với nó. Và nếu họ sử dụng nó để bắn vào lực lượng không quân Israel, tôi đoán những tổ hợp này sẽ bị phá hủy", Yadlin tự tin khẳng định.