Chanh và muối là 2 nguyên liệu dễ kiếm cho nên khi làm đậu hũ (đậu phụ) bằng hai loại này thì bạn yên tâm là mình được ăn đồ an toàn.
Đậu hũ là món mà nhiều người rất yêu thích, nhất là món đậu hũ nóng vừa chiên xong ăn với bún mắm tôm thì còn gì bằng, nhưng nếu tự làm để ăn thì càng an toàn hơn vì vậy Ròm chia sẻ cách làm của mình cho mọi người nha!
Cách này 9 năm về trước Ròm học từ bạn bè bên Thụy Sĩ và từ đó đến nay cứ làm bằng chanh và muối thôi. Cách này của Ròm 500g đậu nành thu được 1.2 - 1.4kg thành phẩm đậu hũ.
Các bạn chuẩn bị những nguyên liệu sau:
500g đậu nành (soya bean)
6 lít nước + 1 lít nước
Máy xay sinh tố hay máy chuyên xay đậu (tùy gia đình)
Một nồi lớn đựng nước đậu
Khăn vắt nước đậu
Rổ, khuôn
Nước chua pha cho đậu kết tủa
1-2 trái chanh xanh hoặc chanh vàng
1 muỗng cà phê muối
300ml nước
Vì sao chúng ta nên thường xuyên ăn đậu hũ?
Đậu hũ chứa nhiều axit amin và canxi, mỗi ngày ăn 2 bìa đậu hũ có thể thoả mãn nhu cầu canxi cho cả ngày.
Nhờ giá trị dinh dưỡng đó, đậu hũ có tác dụng giảm nồng độ chì trong máu, bảo vệ gan và thúc đẩy quá trình trao đổi chất hiệu quả.
Ăn đậu hũ còn có lợi cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thẩn. Người cao tuổi ăn đậu hũ có thể ngăn ngừa xơ cứng động mạch, phòng trị bệnh về tim mạch, chống loãng xương hiệu quả và điều trị tắc mạch tốt.
Cách làm
1. Ngâm đậu nành 8 tiếng đồng hồ, sáng ngâm chiều làm là tốt nhất vì ngâm quá lâu lượng thành phẩm đậu hũ các bạn thu về sẽ không nhiều.
2. Rửa sạch, chà xát cho bong vỏ bớt đi, đãi vỏ và xay 500g đậu với 6 lít nước.
3. Vắt bã đậu và lấy bã xay với một 1 lít nước còn lại.
4. Hoặc các bạn cho 1 lít nước còn lại vô thau và cho bã đậu vô khăn túm cho chặt rồi nhồi và vắt lấy nước đậu.
5. Cho tất cả nước đậu lên nồi và bắc lên bếp bật lửa lớn, khuấy đều. Bạn nhớ khuấy nếu không sẽ bị cháy đáy nồi. Thời gian khuấy sôi không quan trọng bao lâu chỉ khi sôi rồi thì các bạn vặn lửa nhỏ và nấu thêm 10 phút nữa cho chín (hỗn hợp A).
6. Lấy 1 cái tô cho 300ml nước lạnh. Chanh lấy nước cốt vào 1 cái chén nhỏ. Nguyên tắc làm chanh của Ròm như sau, bạn bỏ cốt chanh vào nước từ từ từng muỗng và nếm.
Các bạn cứ tưởng tượng là mình uống ly chanh đường nhưng chỉ bỏ chanh quên bỏ đường, mức độ chua như vậy thì khoảng 45 - 50ml nước cốt chanh là được. Sau đó cho thêm một muỗng cà phê muối vào và khuấy tan đều (hỗn hợp B).
7. Sau khi nước đậu sôi và chín thì cho một nửa nước chanh muối (B) vô nồi đậu (A) và đậy nắp trong vòng 5 phút, sau 5 phút cho phần còn lại vào và tắt bếp, đậy nắp lại. Để yên cho đậu kết tủa trong vòng 5 phút.
8. Vớt đậu kết tủa qua khuôn hay rổ có lót khăn và dùng vật nặng đè lên 5 phút. Sau 5 phút thì lấy vật nặng đè ra, xả nước lạnh cho miếng đậu săn lại.
Lưu ý: Nếu chưa kết tủa hết đậu thì do chanh của bạn cũ, hay chanh ít nước, ít chua. Lúc này bạn làm thêm và cho 2 muỗng canh vào nữa và khuấy đều nhé!
9. Vậy là xong. Mở khăn và úp miếng đậu ra khay.
10. Thành phẩm thu được là 1.2 ký - 1.4kg đậu tùy vào việc bạn vắt nhồi đậu kỹ càng hay chưa.
Các bạn chiên đậu lên ăn không cũng ngon!
Lưu ý: Bã đậu đừng vội bỏ đi nhé, các bạn có thể chế biến các món sau:
- Xào với sả ớt.
- Xào với nghệ cho vàng (giả trứng) và khổ qua để làm món chay dành cho ai không ăn trứng.
- Trộn với hành lá, tôm, bột và chiên lên.
- Xào với trứng, hành lá.
- Làm bánh cay.
- Trộn với củ sắn, bánh mỳ khô làm xíu mại.
- Làm cookies.
- Trộn với nấm xay nhỏ và bột mỳ căn đem hấp thành riêu chay hoặc thêm trứng, tôm, cua, dầu điều đem hấp thành riêu mặn.
Chúc các bạn thành công và chế biến nhiều món ngon từ đậu hũ nhé!