Sở hữu tên lửa đẩy mạnh nhất hành tinh: Mỹ vẫn nơm nớp lo sợ Trung Quốc điều gì?

Trang Ly |

Trong cuộc đua không gian, mèo nào sẽ cắn mỉu nào?

TIN MỚI NHẤT TỪ NASA

Trong cuộc họp báo ngày 9/11/2021, người đứng đầu NASA - Bill Nelson cho biết: NASA sẽ hoãn thời điểm đưa người đổ bộ Mặt Trăng năm 2024 theo như kế hoạch đã đề ra dưới thời Tổng thống Donald Trump. Thay vào đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ sẽ thực hiện sứ mệnh lịch sử này vào năm 2025. 

Trước đây, chính quyền của Trump đã đặt ra mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024. Đây là sứ mệnh thuộc Chương trình Artemis nhằm mục đích làm bước đệm cho mục tiêu thậm chí còn tham vọng hơn của Mỹ là đưa các phi hành gia lên sao Hỏa.

Ông Bill Nelson đã nêu ra một số lý do cho sự chậm trễ này, trong đó có lý do vì vướng vào những tranh cãi pháp lý về hợp đồng chế tạo phương tiện đổ bộ Mặt Trăng.

"Chúng tôi đã mất gần 7 tháng trong các vụ kiện tụng, và điều đó có khả năng đã đẩy cuộc hạ cánh đầu tiên của con người trong thế kỷ 21 không sớm hơn năm 2025, trong sứ mệnh Artemis giai đoạn 3".

Một thẩm phán liên bang ngày 4/11 đã bác bỏ đơn kiện của công ty vũ trụ Blue Origin [của tỷ phú Jeff Bezos] nhằm thách thức việc chính phủ Mỹ quyết định cho NASA trao hợp đồng chế tạo tàu đổ bộ Mặt Trăng trị giá 2,9 tỷ USD cvào tay đối thủ SpaceX [của tỷ phú Elon Musk].

Phán quyết cho phép Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia tiếp tục hợp tác với SpaceX về hợp đồng tàu đổ bộ, mặc dù ông Bill Nelson nói rằng công ty của tỷ phú Elon Musk vẫn tiếp tục công việc phát triển của riêng mình trong thời gian đó.

Chi 18,6 tỷ USD cho quái vật SLS: Mỹ vẫn chậm chân, nếm trái đắng từ Trung Quốc? - Ảnh 1.

Tàu vũ trụ Orion của NASA trị giá 9,3 tỷ USD. Ảnh: NASA

Ông Bill Nelson, một cựu phi hành gia và là thượng nghị sĩ Mỹ được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm lãnh đạo NASA, cho biết sự chậm trễ do đại dịch Covid-19 gây ra cũng có vai trò nhất định.

NASA trước đây đã đặt mục tiêu đưa các tàu vũ trụ của phi hành đoàn trở lại bề mặt Mặt Trăng vào năm 2028, sau khi đưa một trạm vũ trụ "Gateway" lên quỹ đạo quanh Mặt Trăng vào năm 2024. Nhưng chính quyền Trump, trong một tuyên bố bất ngờ vào năm 2019 từ Phó Tổng thống khi đó là Mike Pence, đã đặt ra thời hạn đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng trong vòng 5 năm "bằng bất kỳ phương tiện nào cần thiết". Tức là rút ngắn thời gian đổ bộ từ 2028 xuống còn 2024.

Vào thời điểm đó, ông Mike Pence nói rằng Mỹ đang trong một "cuộc chạy đua không gian" mới để chống lại khả năng vũ khí không gian tiềm tàng của Nga và Trung Quốc.

CẠNH TRANH VỚI TRUNG QUỐC

Người đứng đầu NASA Bill Nelson cho biết chương trình không gian của Trung Quốc, bao gồm cả hoạt động thăm dò bằng robot trên bề mặt Mặt Trăng và sao Hỏa, vẫn là động lực gián tiếp  cho Chương trình Artemis của Mỹ.

Ông nói: "NASA sẽ quyết liệt hết mức có thể theo một cách an toàn và khả thi về mặt kỹ thuật để đánh bại các quốc gia khác có ý định đặt chân lên Mặt Trăng trong thế kỷ 21 này, trong đó có Trung Quốc".

Chính quyền Biden đề xuất tăng ngân sách tài khóa 2022 của NASA lên 24,8 tỷ đô la, tăng bảy phần trăm so với năm tài chính 2021.

"Tin tốt là NASA đang đạt được những tiến bộ vững chắc", Bill Nelson nói, trích dẫn thực tế là khoang chứa phi hành đoàn Orion của sứ mệnh hiện đã được xếp chồng lên trên đỉnh của siêu tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) khổng lồ tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida, Mỹ.

Chương trình Apollo của Mỹ thế kỷ 20 đã thực hiện 6 sứ mệnh đưa con người lên Mặt Trăng từ năm 1969 đến năm 1972. Bước sang thế kỷ 21, Chương trình Artemis - được đặt tên cho người chị em song sinh của Apollo và là nữ thần săn và Mặt Trăng trong thần thoại Hy Lạp - không chỉ đưa phi hành gia Mỹ tái đổ bộ Mặt Trăng (kể từ năm 1972) mà còn nhằm mục đích cuối cùng thiết lập một thuộc địa lâu dài của con người trên Mặt Trăng như một tiền đồn để đưa các phi hành gia lên sao Hỏa.

Nhìn sang châu Á, nơi có quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới: Trung Quốc. Các nhà quan sát vũ trụ Mỹ nhận thấy rằng, tham vọng Mặt Trăng và sao Hỏa của Trung Quốc rất đáng gờm. 

Quốc gia này đang liên kết với Nga để cùng nhau xây dựng căn cứ Mặt Trăng có người ở vĩnh viễn - có tên Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) - vào giữa những năm 2030. 

Để làm được điều này, Trung Quốc đang ráo riết thực hiện các sứ mệnh Chang'e-6,7,8 cũng như chế tạo tên lửa Trường Chinh 9 - dự kiến sẽ mạnh nhất lịch sử Trung Quốc, mạnh tương đương tên lửa Saturn V của NASA. 

Chi 18,6 tỷ USD cho quái vật SLS: Mỹ vẫn chậm chân, nếm trái đắng từ Trung Quốc? - Ảnh 2.

Bản kết xuất mô tả giai đoạn 3 của lộ trình ILRS Trung - Nga. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA).

Ngoài ra, Trung Quốc còn thể hiện là quốc gia có chiến lược và công nghệ vũ trụ mạnh khi tự mình xây dựng và lắp ghép trạm vũ trụ Thiên Cung của riêng mình. Nuôi tham vọng tương tự Mỹ lên sao Hỏa cũng như lấy mẫu vật tại thiên thạch và thám hiểm các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời.

Nếu NASA chậm chân trong cuộc đua lên vũ trụ, vị trí số 1 có thể rơi vào tay Trung Quốc! Đây là kịch bản mà không một người đứng đầu NASA nào muốn chấp nhận!

Do đó, NASA đã chi hàng chục tỷ USD cho SLS và Orion. Ông Bill Nelson đã công bố chi phí phát triển tàu vũ trụ Orion hiện là 9,3 tỷ đô la Mỹ. còn siêu tên lửa SLS là 18,6 tỷ đô la Mỹ.

Gần 30 tỷ USD đã được chi cho "linh hồn" của Sứ mệnh Artermis. Liệu người Mỹ có lên Mặt Trăng trước người Trung Quốc hay không? Liệu, kinh phí khổng lồ cùng tiến bộ khoa học/kỹ thuật có ủng hộ họ hay lại trở thành 'cú thụt lùi' lớn? Hãy để thời gian trả lời!

NASA LÊN MẶT TRĂNG NHƯ THẾ NÀO?

Theo kế hoạch chia theo từng giai đoạn của Bill Nelson, sứ mệnh Artemis 1 - phóng thử nghiệm tàu vũ trụ Orion và siêu tên lửa mạnh nhất hành tinh SLS sẽ bắt đầu vào tháng 2/2022 (xem chi tiết). Tiếp theo đó là các sứ mệnh Artemis 2 và Artemis 3.

- Sứ mệnh Artemis 1 sẽ chứng kiến ​​tàu vũ trụ Orion, SLS và hệ thống mặt đất tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy kết hợp để phóng Orion quay quanh Mặt Trăng trong suốt nhiệm vụ kéo dài 3 tuần.

NASA cho biết trước đây, tàu vũ trụ Orion, chủ yếu do Lockheed Martin chế tạo, sẽ ở trong không gian lâu hơn bất kỳ con tàu nào dành cho phi hành gia mà không cần cập vào trạm vũ trụ và trở về nhà nhanh hơn bao giờ hết.

Vào tháng 6/2021, NASA đã hoàn thành việc lắp ráp siêu tên lửa SLS trị giá 18,6 tỷ USD, sau khi công bố dự án vào năm 2011. 

- Sứ mệnh Artemis 2 có kế hoạch đưa 4 phi hành gia trong khoang Orion trở thành phi hành đoàn đầu tiên vào một chuyến bay dài 450.600 km lên Mặt Trăng trong thời gian tối đa là 21 ngày.

Cả hai nhiệm vụ đều là các chuyến bay thử nghiệm để chứng minh công nghệ và khả năng của Orion, SLS và sứ mệnh Artemis trước khi NASA đưa con người chính thức trở lại Mặt Trăng.

- Sứ mệnh Artemis 3, theo cập nhật mới nhất sẽ đưa 2 phi hành gia 1 nam, 1 nữ đổ bộ Mặt Trăng. Nếu sự kiện này kết thúc tốt đẹp, Mỹ tiếp tục là quốc gia duy nhất trong lịch sử đưa người lên Mặt Trăng thành công.

Chi 18,6 tỷ USD cho quái vật SLS: Mỹ vẫn chậm chân, nếm trái đắng từ Trung Quốc? - Ảnh 4.

SLS là siêu tên lửa đẩy mạnh nhất mọi thời đại. Ảnh: NASA / Frank Michaux

Cuối cùng, NASA sẽ tìm cách thiết lập sự hiện diện bền vững của con người trên Mặt Trăng vào năm 2028 - từ kết quả của sứ mệnh Artemis. Các sứ mệnh Artemis 1,2,3 đều có sự tham gia của siêu tên lửa SLS.

Cơ quan vũ trụ Mỹ hy vọng thuộc địa này sẽ phát hiện ra những khám phá khoa học mới, chứng minh những tiến bộ công nghệ mới và đặt nền tảng cho các công ty tư nhân xây dựng nền kinh tế Mặt Trăng.

Toàn bộ Chương trình Artemis sẽ là sứ mệnh đầu tiên đưa con người lên Mặt Trăng kể từ tàu Apollo 17 của NASA vào năm 1972.

THÔNG SỐ SIÊU TÊN LỬA SLS

- Tên đầy đủ: Space Launch System

- Sở hữu: NASA

- Cao: 98 mét

- Nặng: 2.750 tấn

- Tải trọng: 77 tấn

- Tổng chi phí: 18,6 tỷ USD

- Tốc độ di chuyển: 39.428 km/giờ, tương đương 11.000 mét/giây

- Cấu tạo: SLS gồm tầng lõi (có thùng nhiên liệu và 4 động cơ RS-25, tổng tầng lõi nặng 94 tấn) + 2 tên lửa đẩy rắn bổ trợ.

- Tên lửa vũ trụ mạnh nhất thế giới trước khi SLS ra đời: Là Saturn V, cũng thuộc sở hữu của NASA. Saturn V từng đưa phi hành đoàn Apollo 11 đổ bộ Mặt Trăng năm 1969.

Nguồn: NASA

Bài viết sử dụng nguồn: NASA, DM, Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại