Đối thoại và đấu trí
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Paris hôm 11/11 đã được nhà lãnh đạo Israel tuyên bố là "quan trọng và thành công". Tuy nhiên, việc cuộc thảo luận này có thành công đối với Nga hay không lại là một vấn đề khác, theo Al-Monitor.
"Cuộc đối thoại của chúng tôi với ông Putin khá thành công và mang tính xây dựng", Thủ tướng Netanyahu nói với phóng viên sau cuộc họp báo. "Tôi coi đó là cuộc gặp khá quan trọng. Còn việc cung cấp thêm chi tiết thì tôi nghĩ không cần".
Cuộc gặp ở Paris được coi là mối liên hệ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Israel sau khi hệ thống phòng không của Syria bắn hạ trinh sát cơ Il-20 của Nga vào giữa tháng 9. Moscow đổ lỗi cho cuộc không kích của Israel là nguyên nhân gián tiếp gây nên thảm kịch.
Một mặt phản đối cáo buộc trên, Chính phủ Netanyahu vẫn liên tục nỗ lực để bình thường hóa với Nga. Trong đó, Tel Aviv đã đề nghị nhiều cuộc họp cấp cao nhưng Moscow vẫn luôn từ chối.
Lúc đầu, ông Netanyahu thậm chí còn xem xét hủy chuyến đi sang Pháp. Tuy nhiên, sát giờ G, ông đã quyết định sẽ tham dự buổi lễ kỷ niệm 100 năm Ngày đình chiến để tranh thủ gặp nhà lãnh đạo Moscow.
Từ trước đó, các câu hỏi về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa ông Putin và ông Netanyahu vẫn chưa được làm sáng tỏ cho đến phút cuối cùng.
Vào cuối tháng 10, một số nguồn tin cho rằng ông Putin và ông Netanyahu có thể gặp nhau ở Paris. Dẫu vậy, lịch trình được sắp xếp của Tổng thống Putin chỉ có cuộc họp với người đồng cấp Donald Trump.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ lấp lửng rằng, các nhà lãnh đạo Nga và Israel có thể gặp nhau "trong trường hợp họ muốn làm như vậy". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh lịch trình của Tổng thống Putin khá dày đặc.
Tuyên bố của ông Peskov được cho là muốn thông báo rõ về việc Moscow không có kế hoạch cho bất kỳ cuộc đàm phán chính thức nào với Israel.
Nhưng về phần mình, các nguồn tin ở Israel lại khẳng định Thủ tướng Netanyahu đã quả quyết về việc ông sẽ có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Moscow.
Báo chí Israel cũng báo cáo rằng phía Nga đã từ chối tổ chức một cuộc họp với Netanyahu, điều khiến ông đã có ý định hủy chuyến đi đến Paris.
Theo kênh truyền hình Israel Kan 11, Moscow đã hủy cuộc họp sau khi một số phương tiện truyền thông ở Israel đưa tin về việc không quân nước này đã thực hiện một vụ ném bom khác ở Syria ngay sau vụ việc Il-20. Ngày diễn ra cuộc tấn công đã không được tiết lộ.
Theo tờ Yedioth Ahronoth, các nhà lãnh đạo quân sự Nga không thể chấp nhận việc có thêm một cuộc tấn công khác trong lúc hai nước đang căng thẳng, đồng thời khó chịu về việc Israel không tiết lộ thông tin cho công chúng và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Khi được hỏi về việc liệu đã có thêm một vụ tấn công khác hay không, người phát ngôn chính thức của quân đội Israel Jonathan Conricus đã tránh trả lời trực tiếp. Ông chỉ nhấn mạnh rằng các sĩ quan quân đội luôn sẵn sàng thực hiện bất kỳ mệnh lệnh nào do các chỉ huy đưa ra.
Cuộc gặp mà phía Nga không mong muốn
Thủ tướng Israel đã mang theo phiên dịch để chủ động gặp ông Putin. Về phần mình, nhà lãnh đạo Nga không hề chuẩn bị gì trước.
Thủ tướng Netanyahu đã thông báo về chuyến đi đến Pháp của ông chỉ vài giờ trước khi khởi hành. Và cuối cùng, cuộc họp giữa ông với Tổng thống Putin đã diễn ra ngay sau bữa trưa chính thức.
Dịch vụ báo chí của chính quyền Netanyahu đã đăng tải một loạt các bức ảnh hai nhà lãnh đạo thảo luận các vấn đề, đằng sau là các nhân viên đang dọn dẹp bàn tiệc. Ban đầu, hai người chỉ đứng nói chuyện và sau đó quyết định ngồi xuống.
Phía Israel rõ ràng đã có sự chuẩn bị từ trước khi có sẵn một dịch giả tiếng Do Thái-Nga luôn theo sát bên ông Netanyahu, trong khi không có ai phiên dịch ở bên Tổng thống Nga.
Mặc dù chủ động tiến gần Nga, phía Điện Kremlin đã tỏ ra hờ hững và chỉ bình luận một cách dè dặt. "Trong cung điện Elysee, Tổng thống Putin đã gặp riêng Thủ tướng Netanyahu để thảo luận", tuyên bố phía Moscow cho biết.
Với cuộc gặp theo hướng khiên cưỡng như vậy, không chắc rằng Thủ tướng Netanyahu đã giải quyết được tất cả các vấn đề mà ông muốn trong cuộc đối thoại này.
Phía Israel vẫn hy vọng Nga sẽ lật đổ Iran khỏi Syria - nghĩa là không chỉ ở các căn cứ quân sự và ở Cao nguyên Golan trên biên giới Israel mà còn là ảnh hưởng về chính trị ngày càng tăng của Tehran đối với Damascus.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của Israel là được tiếp tục các hoạt động quân sự chống lại Iran và Hezbollah ở Syria, trong lúc mạng lưới phòng không được cung cấp bởi các hệ thống S-300 của Nga.
Israel hy vọng sẽ tiếp tục hoạt động của mình ngay cả khi Nga không ngăn chặn hành động của Iran. Với các mục đích trên, Thủ tướng Netanyahu muốn lần lượt cho thấy rằng ông có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của Nga.
Nhưng rõ ràng, với sự hờ hững của Tổng thống Putin, ông đã cho thấy quan điểm sẽ không chấp nhận điều này.
"Các biện pháp mạnh mẽ không thể đáp ứng cho quan tâm an ninh của Israel, họ chỉ làm cho căng thẳng khu vực trở nên tồi tệ hơn", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với tờ báo Tây Ban Nha El Pais.
Theo các nhà phân tích, sự đồng thuận giữa Nga và Israel về các cuộc tấn công vào Syria gần như là không thể.
Chừng nào các quan chức Israel vẫn còn tuyên bố công khai rằng các cuộc tấn công còn tiếp tục, Moscow sẽ không sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao.
Cuộc họp "trên đường đi" ở Paris không được tính, vì nó chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ tướng Netanyahu mà không phải của Tổng thống Putin.
Moscow muốn phấn đấu để giải quyết những tranh cãi xung quanh Syria và đảm bảo không phận nước này bình yên vì vậy họ không muốn phải sử dụng S-300 trong tương lai.