Một số thành viên OPEC đã bắt tay cung cấp năng lượng cho châu Âu
Năm 2023 vừa mới bắt đầu nhưng thị trường dầu mỏ nói riêng và năng lượng nói chung lại chứng kiến những diễn biến chưa từng có. Một cuộc dịch chuyển xé lẻ quyền lực của các quốc gia và tổ chức nắm giữ nguồn tài nguyên tối quan trọng này.
Kuwait, thành viên đáng kể của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ ( OPEC ) sẽ cung cấp cho châu Âu lượng dầu diesel gấp 5 lần kể từ khi Nga bắt đầu bị cấm vận, tương đương 50.000 thùng mỗi ngày và đặt mục tiêu sẽ trở thành nguồn cung chính cho châu Âu thay thế Nga.
Qatar cũng đã ký thỏa thuận buôn bán khí đốt với Đức thời hạn 15 năm, bắt đầu hiệu lực từ 2026. Đáng chú ý, Bộ trưởng năng lượng Qatar nói rằng: “Đức đại diện cho thị trường khí đốt lớn nhất ở châu Âu và chúng tôi cam kết hỗ trợ an ninh năng lượng của nước này”.
Các nhà sản xuất dầu khác ở Trung Đông thuộc OPEC như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nhiên liệu sang châu Âu trong năm nay.
Các nước châu Phi rục rịch tham gia cuộc chơi năng lượng toàn cầu khi những nền kinh tế châu Âu ngỏ ý hợp tác liên doanh khai thác ở Nam Phi, Tanzania, Senegal, Nigeria, Ai Cập, Algeria hay Mozambique,…
Như vậy, OPEC thực sự đã làm giảm tính hệ trọng của quyết định cắt giảm 2,5 triệu thùng dầu/ngày hồi tháng 11 năm ngoái khi những thành viên quan trọng nhất của tổ chức này chớp thời cơ giành lấy khách hàng tiềm năng - châu Âu.
Các diễn biến được coi là bất thường này chắc chắn tạo ra làn sóng bất hòa trong OPEC+, nơi mà Nga có vai trò rất lớn. Bởi nó trực tiếp làm suy giảm đòn đáp trả bằng năng lượng của Moscow với châu Âu.
Lần này, cuộc cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ và khí đốt gắn chặt với chiến sự Nga - Ukraine . Bằng mọi cách, Moscow phải bảo vệ ngành công nghiệp năng lượng của mình - một dòng chảy kinh tế đi kèm với sức mạnh chính trị, ngoại giao, dường như đã được “vũ khí hóa”.
Nga mất hết thị phần năng lượng ở châu Âu
Cục diện đảo chiều mau lẹ, mùa đông châu Âu năm nay không lạnh như thường lệ, do vậy áp lực sưởi ấm ở Châu Âu không quá nặng nề như các dự báo. Đồng thời, châu Âu được tiếp thêm động lực từ các đối tác Trung Đông, giúp lục địa này hiện thực hóa quyết tâm “thoát Nga”.
Khi nguồn cung được đa dạng hóa ắt dẫn đến cuộc chạy đua về giá cả. Tất nhiên với những cam kết trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, châu Âu khó có thể mua năng lượng từ Trung Đông với "giá hời" như Nga. Song, điều đó bắt đầu gây áp lực cho Điện Kremlin.
Về lý thuyết, châu Âu đang tồn tại chỉ với 10% dầu mỏ Nga, còn sót lại từ các chuyến hàng giao chậm, và sẽ hoàn toàn sạch bóng năng lượng Nga kể từ tháng 2/2023.
Nhưng trong thực tế, dầu mỏ và khí đốt Nga đi vòng vèo trước khi vào châu Âu thông qua “thị trường xám”, đặc biệt từ Trung Quốc, Iran và những đối tác “không rõ ràng”.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa đạt được thống nhất xây dựng trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, khách hàng có thể mua khí đốt Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ mà không bị vướng lệnh cấm vận của Mỹ và EU.
Theo dự báo của OPEC, năm 2023, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới tiếp tục duy trì ở mức bình quân 101,82 triệu thùng/ngày. Trong đó, ước tổng sản lượng sản xuất của các quốc gia không thuộc khối OPEC và thuộc khối OPEC sản xuất dầu không thường xuyên là 72,55 triệu thùng/ngày.
Khoảng 1 thập kỷ trước, Nga từng kiểm soát tới 70% nguồn cung ứng dầu mỏ toàn cầu thì nay thị phần bị xé lẻ. Vai trò của Mỹ đang bị đặt dấu hỏi. Trong khi một số quốc gia riêng lẻ có trữ lượng lớn trở nên quan trọng.