Với tư cách là nước thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Anh - Pháp - Đức nhấn mạnh những tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến "quyền lịch sử" trên biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các điều khoản của UNCLOS.
"Phán quyết ngày 12-7-2016 về biển Đông của Tòa án Trọng tài Thường trực rõ ràng đã xác nhận điểm này" - công hàm chung khẳng định.
Cũng theo nhóm E3, việc xác định đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo đã được quy định rõ ràng và đầy đủ trong phần II và phần IV của UNCLOS.
Vì thế, không có cơ sở pháp lý để một quốc gia lục địa như Trung Quốc xem các quần đảo hay các đặc tính hàng hải như một thực thể mà không tuân thủ các điều khoản trong phần II của UNCLOS, hoặc sử dụng các điều khoản trong phần IV (vốn chỉ dành cho đảo quốc).
Công hàm nhấn mạnh hoạt động bồi đắp thực thể hay bất kỳ tác động nhân tạo nào khác sẽ không làm thay đổi cách phân loại đối tượng địa lý theo UNCLOS.
Ngoài lĩnh vực ngoại giao, Anh - Pháp - Đức cũng mở đường tăng cường hiện diện quân sự tại các vùng biển gần Trung Quốc, đặc biệt là biển Đông.
Đức hồi đầu tháng này công bố bản chỉ dẫn chính sách dài 40 trang nhằm "đóng vai trò quan trọng hơn trong việc định hình trật tự quốc tế tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Trước đó, vào năm ngoái, Pháp cũng công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo trang Asia Times, dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, Pháp tích cực thúc đẩy cam kết chiến lược, mở rộng quan hệ kinh tế lẫn quốc phòng với các quốc gia "có cùng chí hướng" như Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á để bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "cởi mở và tự do".
Về phần Anh, ngoài việc bác bỏ hàng loạt thỏa thuận với các công ty lớn của Trung Quốc gần đây, bao gồm Tập đoàn Viễn thông Huawei, vì "rủi ro an ninh quốc gia", theo một số nguồn tin, Thủ tướng Boris Johnson đang lên kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến biển Đông để thể hiện sức mạnh và sự ủng hộ dành cho các đồng minh như Mỹ.