Châu Âu cần giải cứu khẩn cấp các công ty năng lượng để ngăn chặn 'khoảnh khắc Minsky'

Hữu Hiển |

Cuối tuần qua, cảnh báo mới nhất về một 'khoảnh khắc Minsky' ở châu Âu của Zoltan Pozsar – chuyên gia phân tích nổi tiếng của ngân hàng Credit Suisse - đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu.

Châu Âu cần giải cứu khẩn cấp các công ty năng lượng để ngăn chặn khoảnh khắc Minsky - Ảnh 1.

Một khi giá khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng và đẩy tiền ký quỹ bảo đảm lên mức cao, các gã khổng lồ năng lượng châu Âu có thể gặp khủng hoảng thanh khoản hoặc thậm chí phá sản, khiến cho toàn bộ nền kinh tế châu Âu có thể bị ảnh hưởng. Ảnh: Uniper SE

Khi tình trạng thiếu khí đốt tiếp tục xói mòn khả năng thanh khoản của các công ty năng lượng châu Âu, các quốc gia như Đức, Áo, Thụy Điển… phải giải cứu khẩn cấp các công ty năng lượng này để ngăn chặn "khoảnh khắc Minsky" (khoảng thời gian khi thị trường thất bại hoặc rơi vào khủng hoảng sau giai đoạn tăng giá kéo dài với đầu cơ thị trường bị thổi phồng cao và tăng trưởng không bền vững).

Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga đến Đức. Sau khi khí đốt tự nhiên của Nga được vận chuyển đến Đức qua đường ống này, khí đốt lại được chuyển từ Đức đến các khu vực khác ở châu Âu. Năm 2021 đã có 59,2 tỷ mét khối khí đốt được vận chuyển qua con đường này, chiếm gần 40% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU).

Cuối tuần qua, cảnh báo mới nhất về một "khoảnh khắc Minsky" ở châu Âu của Zoltan Pozsar – chuyên gia phân tích nổi tiếng của ngân hàng Credit Suisse - đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu.

Ông Pozsar giải thích rằng, châu Âu hiện đang đối mặt với một "khoảnh khắc Minsky" được tạo ra bởi đòn bẩy tài chính quá mức. Trong trường hợp của Đức, khoảng 2 nghìn tỷ USD giá trị kinh tế gia tăng phụ thuộc vào 20 tỷ USD khí đốt tự nhiên từ Nga - một đòn bẩy gấp 100 lần, cao hơn nhiều so với thời điểm ngân hàng Lehman Brothers phá sản vào năm 2008.

Theo chuyên gia Pozsar, thị trường lo ngại rằng, do ảnh hưởng bởi đường ống Nord Stream 1 ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn, một khi giá khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng và đẩy tiền ký quỹ bảo đảm lên mức cao, làm các gã khổng lồ năng lượng châu Âu gặp khủng hoảng thanh khoản hoặc thậm chí phá sản, khiến cho toàn bộ nền kinh tế châu Âu có thể bị ảnh hưởng. Đó là khi "khoảnh khắc Minsky" xảy ra ở châu Âu. Trong bối cảnh đó, các nước Đức, Áo, Thụy Điển… không thể không cứu trợ các công ty năng lượng.

Động thái của các nước châu Âu

Tại Đức, trong bối cảnh giá cả tăng vọt và sự thiếu hụt lớn nguồn cung từ Nga, tập đoàn khí đốt khổng lồ Uniper đang tìm cách mở rộng hạn mức tín dụng chính phủ lên 13 tỷ euro. Uniper ngày 29/8 cho biết trong một tuyên bố rằng, họ đã đề nghị Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cung cấp thêm 4 tỷ euro sau khi sử dụng hết hạn mức tín dụng 9 tỷ euro hiện có.

Châu Âu cần giải cứu khẩn cấp các công ty năng lượng để ngăn chặn khoảnh khắc Minsky - Ảnh 2.

Uniper đã đàm phán với chính phủ Đức về một gói cứu trợ. Ảnh: Getty

Đầu tuần trước, Wien Energie - nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Áo - cho biết họ đã bị ảnh hưởng bởi "bùng nổ chi phí". Hôm 31/8, Chính phủ Áo cũng tuyên bố sẽ cứu trợ Wien Energie với khoản cho vay 2 tỷ euro. Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết, khoản cho vay là một "biện pháp giải cứu bất thường" để đảm bảo cho 2 triệu khách hàng của Wien Energie (chủ yếu là các hộ gia đình ở Vienna) tiếp tục được dùng điện.

Theo chân Áo, vào sáng 3/9, Thụy Điển đã thông báo rằng họ sẽ cung cấp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các nhà sản xuất điện. Chính phủ Thụy Điển trước đó đã bày tỏ lo ngại rằng, quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu của Nga có thể gây căng thẳng nghiêm trọng cho hệ thống tài chính của nước này.

Sau khi có thông báo Nord Stream 1 ngừng cung cấp khí đốt, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết, chính phủ nước này sẽ cung cấp hàng trăm tỷ kroner để hỗ trợ các nhà sản xuất điện.

Erik Thedéen - người đứng đầu Cơ quan Giám sát Tài chính Thụy Điển - cho biết: "Giá điện ở Thụy Điển đã tăng gấp 11 lần trong năm qua, khiến nhu cầu về tài sản thế chấp tăng vọt... Nếu không có hỗ trợ thanh khoản, các nhà sản xuất điện có thể đối mặt với phá sản và thua lỗ lớn, dẫn đến sự sụp đổ của các sàn giao dịch thanh toán bù trừ."

Để xoa dịu tình hình căng thẳng về năng lượng châu Âu hiện nay, EU sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt của các bộ trưởng năng lượng vào ngày 9/9; khi đó, các đại biểu sẽ thảo luận về kế hoạch can thiệp.

Mechthild Wörsdörfer - quan chức cấp cao phụ trách năng lượng của châu Âu - trước đó đã nói rằng, các biện pháp can thiệp vào thị trường năng lượng có thể bao gồm giới hạn giá, giảm nhu cầu điện và áp thuế... đối với các công ty năng lượng.

Hiện tại, thị trường đang rất quan tâm về các biện pháp và mức độ can thiệp cụ thể có thể được đề xuất tại cuộc họp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại