Theo CNBC News (Mỹ), nhóm các nước G7 đã đạt được thỏa thuận về việc áp mức giá trần với dầu của Nga vào ngày 2/9.
"Giới hạn giá trần sẽ được đặt ở một mức dựa trên một loạt các yếu tố đầu vào kỹ thuật và sẽ được quyết định bởi toàn thể liên minh trước khi thực hiện ở mỗi khu vực tài phán. Giới hạn giá sẽ được thông báo công khai một cách rõ ràng và minh bạch", G7 cho biết trong một tuyên bố chung.
Người đứng đầu chính sách năng lượng của EU Kadri Simson không cho biết khi nào các chi tiết cuối cùng sẽ được công bố nhưng nói rằng công việc kỹ thuật đang được tiến hành. "Chúng tôi đang phải chịu áp lực rất lớn về thời gian", bà Simson cho hay.
Phó Tổng thống Nga: Sẽ ngừng cung cấp dầu
Nga đã phản ứng trước kế hoạch áp giá trần với dầu của Nga từ phương Tây.
Hãng tin RT đưa tin, Phó Thủ tướng Alexander Novak 2/9 cảnh báo rằng, các quốc gia ủng hộ thỏa thuận giới hạn giá sẽ không mua được dầu thô của Nga.
Hãng tin Nga chỉ ra, phương Tây có 2 mục đích với thỏa thuận này: Vừa là một biện pháp cắt giảm doanh thu của Moscow vừa đẩy trừ dầu thô Nga ra khỏi thị trường quốc tế. Về vấn đề này, ông Novak cảnh báo, các kế hoạch như vậy là sự can thiệp vào cơ chế thị trường của "một ngành công nghiệp quan trọng như dầu mỏ" và sẽ chỉ dẫn đến sự bất ổn trong ngành và thị trường dầu mỏ.
Phó Thủ tướng Alexander Novak. Ảnh: Bloomberg
"Người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ sẽ là những người đầu tiên phải trả giá, trong khi họ đang phải chịu mức giá cao như hiện nay..., đặc biệt là các biện pháp trừng phạt và hạn chế", ông nói.
Ông tiết lộ, Nga hiện đang nổ lực sản xuất và bán nhiều dầu nhất có thể. Sản lượng có thể tăng nếu điều kiện thị trường toàn cầu ổn định và khi các nhà sản xuất Nga tự tin sẽ tìm được người mua. Ông nhấn mạnh, các nhà sản xuất dầu của Nga đang chuẩn bị cho lệnh cấm vận của EU đối với dầu Nga sẽ có hiệu lực vào tháng 12, nhưng vẫn có kế hoạch duy trì mức sản lượng hiện tại.
Thư ký Tổng thống Nga: Moscow đã có kế hoạch đối phó
Theo hãng thông tấn Tass, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov gọi việc áp giá trần với dầu Nga là một quyết định vô lý vì lợi ích của các công ty phương Tây.
Ông nói: "Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng rất sâu sắc, dẫn đến tình trạng người châu Âu phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua khí đốt hóa lỏng".
Trước câu hỏi liên quan đến việc liệu Nga có lo ngại việc áp đặt các hạn chế sẽ gây hại cho thị trường Nga hay không, ông Peskov tuyên bố Moscow "đã tính toán tất cả các phương án".
Ông cảnh báo: "Tình hình có thể phát triển theo nhiều cách khác nhau. Chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng quyết định này sẽ dẫn đến sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường dầu mỏ".