Có gì trong "nỗ lực" trị giá 65 tỷ USD của Đức nhằm đối phó với giá năng lượng tăng cao?

Hồng Anh |

Gói hỗ trợ vừa được chính phủ Đức thông qua sẽ bảo vệ "mọi hộ gia đình, người về hưu, sinh viên, người học nghề" và các doanh nghiệp của nước này.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Đức thông qua gói hỗ trợ lạm phát trị giá 65 tỷ USD

Hãng thông tấn Al Jazeera đưa tin, chính phủ Đức hôm 4/9 vừa công bố kế hoạch trị giá 65 tỷ USD để giúp người dân và doanh nghiệp nước này đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu bị gián đoạn, và một số quốc gia châu Âu đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp để chuẩn bị cho mùa đông và nỗ lực thoát phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 4/9 đã công bố một loạt biện pháp nhằm giúp đất nước đương đầu với tương lai giá năng lượng tăng cao trong những tháng tới.

Cũng trong tuần trước, Moskva đã thông báo đình chỉ vô thời hạn hoạt động của đường ông Nord Stream 1 do vấn đề kỹ thuật, khiến nhiều quốc gia như Đức phải tìm kiếm năng lượng ở những nguồn thay thế do đây là tuyến đường cung cấp khí đốt then chốt tới châu Âu.

Thủ tướng Đức Scholz cho hay chính phủ của ông đã chuẩn bị cho kịch bản Nga ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn vào tháng 12 năm nay, nhưng ông cam kết rằng nước Đức sẽ có thể vượt qua mùa đông tới.

"Nga không còn là đối tác năng lượng đáng tin cậy", ông Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin.

Có gì trong nỗ lực trị giá 65 tỷ USD của Đức nhằm đối phó với giá năng lượng tăng cao? - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Gói hỗ trợ vừa được chính phủ Đức thông qua sẽ bảo vệ "mọi hộ gia đình, người về hưu, sinh viên, người học nghề" và các doanh nghiệp trước tình trạng lạm phát tăng vọt thông qua nhiều biện pháp, bao gồm tăng phúc lợi và trợ cấp giá vé phương tiện giao thông công cộng.

Theo đó, những người lao động đóng thuế thu nhập sẽ nhận được khoản trợ cấp giá năng lượng một lần tương đương 300 USD. Các gia đình sẽ nhận khoản hỗ trợ một lần là 100 USD/trẻ, những người có thu nhập thấp sẽ nhận được gấp đôi khoản trợ cấp này.

Chính phủ Đức cũng công bố kế hoạch phân bổ 12 tỷ đến 13 tỷ USD/năm trong vài năm tới để trợ cấp cho việc cải tạo các tòa nhà cũ.

Tuy nhiên, các hộ gia đình ở Đức sẽ phải trả thêm gần 500 USD/năm cho khí đốt sau khi mức thuế được áp dụng nhằm hỗ trợ các công ty tiện ích trang trải chi phí thay thế nguồn cung khí đốt của Nga. Mức thuế sẽ được áp dụng từ ngày 1/10 đến tháng 4/2024.

Nhà báo Harry Fawcett của hãng Al Jazeera cho biết: "Chính phủ Đức nói rằng đất nước của họ có thể vượt qua mùa đông khi họ đã dự trữ được 85% công suất.

Nhưng chính việc Đức và các nước châu Âu dự trữ năng lượng đã góp phần khiến giá cả tăng vọt, cùng nỗi lo hàng triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn nhiên liệu."

Được biết, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang cân nhắc áp dụng các biện pháp tương tự như Đức.

Chẳng hạn, chính phủ Italy gần đây đã thông qua gói viện trợ trị giá 17 tỷ USD để giúp bảo vệ các công ty và hộ gia đình trước tình trạng giá năng lượng tăng phi mã và giá tiêu dùng tăng cao; trong khi nước này vốn đã dành 35 tỷ USD kể từ đầu năm nay để trợ giá cho doanh nghiệp và người dân khi chi phí năng lượng tăng vọt.

Italy cũng đang xem xét việc ngăn các công ty năng lượng đơn phương thay đổi các hợp đồng cung cấp điện và khí đốt từ nay đến tháng 4/2023, theo dự thảo được chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 8.

Phần Lan và Thụy Điển hôm 4/9 cũng đã công bố kế hoạch hàng tỷ USD (lần lượt là 10 tỷ USD và 23,2 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty năng lượng sau khi phía Nga thông báo đình chỉ vô thời hạn đường ống Nord Stream 1.

Đức công bố cơ sở LNG mới ở cảng quan trọng

Báo The New York Times (Mỹ) đưa tin, mới đây chính phủ Đức vừa tiến thêm một bước nữa trong nỗ lực nhằm thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Cụ thể, tuần trước Đức đã đạt được thỏa thuận thuê cơ sở nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thứ 5 trong vòng 5 năm. Nhà ga LNG nổi này sẽ là cơ sở thứ 2 tại cảng Wilhelmshaven ở miền Bắc nước Đức, nơi đang dần trở thành một trung tâm năng lượng quan trọng của nước này.

Nhà ga LNG mới của Đức dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 6% lượng khí đốt nước này tiêu thụ, được kỳ vọng sẽ giúp giảm căng thẳng trong bối cảnh căng thẳng năng lượng leo thang.

Có gì trong nỗ lực trị giá 65 tỷ USD của Đức nhằm đối phó với giá năng lượng tăng cao? - Ảnh 3.

Ảnh: NYT

Nhà ga LNG này cũng được kỳ vọng là bước tiến tiềm năng cho năng lượng xanh ở Đức. Nhóm các nhà đầu tư và công ty quản lý nhà ga LNG mới này có tham vọng cung cấp năng lượng xanh dưới dạng hydro cho Đức và các quốc gia khác ở quy mô có thể tạo ra sự khác biệt trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, và có vẻ như nhóm này đã được chính phủ Đức "bật đèn xanh".

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck cho biết các cơ sở hạ tầng đang được xây dựng để nhập khẩu LNG có thể chuyển đổi mục đích sử dụng để nhập khẩu khí hydro, loại nhiên liệu xanh, sạch mà châu Âu coi là quan trọng trong tương lai.

Ngay cả khi nhà ga LNG này chưa sẵn sàng cho mùa đông tới, thì Bộ trưởng Habeck vẫn lạc quan rằng người Đức sẽ không phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng trong những tháng tới, miễn là các quy tắc tiết kiệm năng lượng được tuân thủ.

Nước Đức đang nỗ lực tiết kiệm năng lượng như thế nào?

Theo trang ITV, nước Đức đang thực hiện nhiều biện pháp như "tắt đèn" ở các đài tưởng niệm và công trình công cộng, các cửa tiệm đóng kín cửa để giữ nhiệt, các tấm biển quảng cáo tắt đèn vào ban đêm, v.v... Đây chỉ là một số ít những biện pháp đã được chính phủ nước này đưa ra trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng cho mùa đông đang tới rất gần.

Giống như những quốc gia châu Âu khác, Đức cũng đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng. Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, nước này phụ thuộc khá nhiều vào khí đốt Nga, và cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề khi nguồn cung khí đốt Nga bị gián đoạn.

Nhằm thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga, Đức đã và đang nỗ lực tìm đến các nguồn năng lượng và giải pháp thay thế như các nhà máy năng lượng chạy bằng than và dầu, cũng như chiến dịch khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm sử dụng năng lượng. Tuy nhiên trọng tâm về lâu dài của Đức vẫn là đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.

Tiến sĩ Miranda Schreuers, giáo sư về Chính sách khí hậu tại Đại học Kỹ thuật Munich, cho biết: "Tất nhiên là chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Nhưng khủng hoảng cũng như những vấn đề khác, chúng đều có hai mặt.

Một mặt, chúng ta đang phải khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than đã ngừng hoạt động từ năm 2019-2020 để đáp ứng các mục tiêu phát thải khí nhà kính.

Mặt khác, chúng ta đang chứng kiến nỗ lực tiết kiệm năng lượng và nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất kể từ sau Thế chiến II".

Có gì trong nỗ lực trị giá 65 tỷ USD của Đức nhằm đối phó với giá năng lượng tăng cao? - Ảnh 5.

Ảnh minh họa: Andy Rain/EPA-EFE

Người dân và doanh nghiệp Đức được kêu gọi cắt giảm sử dụng năng lượng như một giải pháp ngắn hạn duy nhất nhằm giúp nước Đức vượt qua mùa đông sắp tới.

Tiến sĩ Thomas Meerpohl từ công ty Stadwerke Munchen đưa ra lời cảnh báo: "Nước Đức đã giảm tiêu thụ năng lượng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng các mô hình dự đoán của chúng tôi cho thấy rằng ta vẫn cần giảm mức tiêu thụ thêm 15 đến 20% nữa để có thể vượt qua mùa đông năm nay và mùa đông tới".

Tuy nhiên, nhiều người đã hoan nghênh những lời kêu gọi tiết kiệm của chính phủ. Bà Sabine Stadtherr, chủ một cửa hàng nhỏ kinh doanh đồ nội thất ở Munich, đã áp dụng hầu hết các quy tắc tiết kiệm được chính phủ ban hành.

"Đây là điều lẽ ra chúng ta nên làm từ lâu để có thể tiết kiệm năng lượng", bà Stadtherr nói. "Đúng là chúng ta sẽ phải chịu lạnh hơn một chút, nhưng tôi tin là chúng ta có thể làm được vài điều để giảm tiêu thụ năng lượng. Chúng ta là một quốc gia mạnh mẽ, vì thế chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua được mùa đông"./.

Tổng hợp: Al Jazeera, NYTimes, ITV


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại