Thông báo của Gazprom cho biết: “Việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) sẽ ngừng hoàn toàn cho tới khi sự cố với hệ thống được giải quyết”. Gazprom đang tiến hành bảo trì đường ống với sự hợp tác của nhà sản xuất turbine Siemens.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó cũng đã đưa ra lời cảnh báo về tình trạng gián đoạn có thể xảy ra nhiều hơn với việc vận chuyển khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1.
“Hiện chỉ có một turbine đang hoạt động. Chúng tôi không có thiết bị dự phòng. Không phải lỗi của Gazprom mà do tài nguyên bị thiếu. Do đó, độ tin cậy của toàn bộ hệ thống đang bị đe doạ”.
Thông báo được Gazprom đưa ra chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi đường ống này theo kế hoạch sẽ hoạt động trở lại để cấp khí đốt cho Đức. Trước đó, ngày 31/8, Gazprom bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 trong 3 ngày để tiến hành bảo trì và mở cửa trở lại vào ngày 2/9 nếu không có sự cố phát sinh.
Trước động thái ngừng cấp khí đốt của Nga, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Moscow đang “lấy năng lượng làm vũ khí” để gây áp lực lên các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU). Tuy vậy, Washington và EU đang tích cực phối hợp để đảm bảo các kho lưu trữ khí đốt châu Âu sẽ được lấp đầy trước mùa đông.
Về phía Đức, tập đoàn năng lượng Siemens khẳng định, rò rỉ dầu không phải lý do chính đáng để đóng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, bởi sự cố kiểu này không ảnh hưởng tới hoạt động của turbine và có thể bịt kín tại chỗ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng liên bang Đức Klaus Mueller cho rằng, quyết định của Gazprom về việc tạm ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 là "khó hiểu về mặt kỹ thuật", đồng thời cảnh báo có khả năng đây là cái cớ để Nga sử dụng nguồn cung năng lượng như một lời đe dọa. Ông cũng tuyên bố, Đức đã có phương án để đảm bảo nguồn cung khí đốt, khi nhận thấy những tín hiệu bất ổn từ Nga trong vài tuần qua.
“Chúng tôi không thực sự hiểu về kỹ thuật cho việc bảo trì mới này của Nga nhưng Đức hiện đã chuẩn bị tốt hơn. Chúng tôi đã lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, chúng tôi sẽ nhận được khí đốt từ Na Uy, Hà Lan, Bỉ, sắp tới là Pháp. Chúng tôi đang tiết kiệm xăng và về mặt này, tôi cho rằng chúng tôi sẽ có thể đối phó với việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga trong thời điểm hiện tại”.
Đến thời điểm hiện tại, châu Âu đã lấp đầy được khoảng 80% kho dự trữ khí đốt đang tiến gần hơn đến mục tiêu 90% để đảm bảo an ninh năng lượng cho mùa Đông năm nay. Tuy nhiên, không phải vì thế mà châu Âu có thể lạc quan. Một mùa Đông lạnh giá hơn dự kiến tại châu Âu sẽ làm tình hình thêm căng thẳng, đặc biệt nếu thời tiết khắc nghiệt cũng diễn ra tại châu Á.
Điều này sẽ hạn chế khả năng các nước EU tìm được nguồn cung khí đốt khác trên thế giới để bổ sung cho các kho dự trữ. Nhưng ngay cả khi các nước châu Âu vượt qua được mùa Đông năm nay, “bóng ma” của mùa Đông tiếp theo vẫn có khả năng giữ giá năng lượng ở mức cao trong nhiều tháng khi cuộc đối đầu về năng lượng giữa Nga và EU chưa chấm dứt./.