Báo Đức Der Spiegel: Nga có vị thế vượt trội trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân

Hữu Hiển |

Trong 20 năm qua, Chính phủ Nga đã đầu tư hơn 90 tỷ USD để hỗ trợ sự phát triển của ngành năng lượng hạt nhân ở nước ngoài. Và giờ đây, chính sách này đang khiến các chuyên gia và chính trị gia ở Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phải đau đầu.

Tuần báo Der Spiegel của Đức ngày 28/8 đã đăng một bài báo với tựa đề "Nga có thể gây ra nỗi đau lớn cho nước Mỹ" của tác giả Benjamin Biddle. Bài báo cho rằng, Nga chiếm vị trí thống trị trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân hơn là trong lĩnh vực dầu khí và thách thức đối với các nước phương Tây là làm thế nào để dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga.

Theo tờ Der Spiegel, Nga hiện đang kiểm soát khoảng 46% sản lượng uranium làm giàu của thế giới, vì vậy nước này có vị thế về năng lượng hạt nhân mạnh hơn về dầu khí. Trên thế giới hiện có 56 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng và Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom sở hữu khoảng 1/3 trong số đó.

Các nước Đông Âu như Slovakia, Cộng hòa Séc và Hungary sử dụng công nghệ lò phản ứng nước điều áp của Nga, nên đặc biệt phụ thuộc vào Nga. Phần Lan cũng có một nhà máy điện hạt nhân sử dụng lò phản ứng của Nga. Ngay cả các nhà máy điện hạt nhân của Đức trong vài năm qua cũng mua uranium từ Nga và Kazakhstan - vốn thân Nga; nhiều nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ cũng làm như vậy.

Paul Daba - chuyên gia tại Đại học Columbia (Mỹ) - thậm chí còn tin rằng: "Việc này có một số điểm tương đồng nhất định với dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên "Dòng chảy phương Bắc". Giống như khi mua khí đốt tự nhiên, các nước phương Tây quyết định mua năng lượng giá rẻ từ Nga mà không cân nhắc nhiều đến hậu quả chính trị."

Tờ Der Spiegel nhận định, lý do duy nhất khiến thị trường điện lực không bị gián đoạn cho đến nay là phương Tây đã không thêm hoạt động cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân vào các lệnh trừng phạt, và cho đến nay Nga vẫn không bị hạn chế xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân. Giờ đây, thách thức đối với chính phủ các nước châu Âu và Mỹ là loại bỏ dần nhiên liệu hạt nhân của Nga mà không khiến Nga áp dụng các biện pháp đối phó đột ngột.

Báo Đức Der Spiegel: Nga có vị thế vượt trội trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân - Ảnh 1.

Nhiên liệu hạt nhân của Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom. Ảnh:Sputniknews.cn

Liệu việc này có thể thực hiện?

Theo tờ Der Spiegel, sự phụ thuộc vào Nga thể hiện ở tất cả các khâu của dây chuyền sản xuất nhiên liệu hạt nhân.

Anker Herold - người đứng đầu Văn phòng Berlin của Viện Sinh thái Ứng dụng Đức - cho biết, Điện Kremlin đã "thiết lập một thành trì ở châu Âu với tầm nhìn chiến lược cao" với mục tiêu "khiến các nước khác phụ thuộc vào Nga". Đối với Rosatom, "cũng không cần quan tâm đến chi phí"; điều này đã làm cho một số đối thủ bị mất khả năng cạnh tranh.

Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào và với chi phí nào, Mỹ và châu Âu có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhà cung cấp Nga trong dài hạn.

So với dầu và khí đốt, Nga kiếm được ít tiền hơn từ hoạt động xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân sang phương Tây.

Chuyên gia Daba cảnh báo: "Do đó, Nga vẫn có thể gây ra những tổn hại đáng kể cho Mỹ và phần còn lại của thế giới mà bản thân không bị tổn thất nhiều". Trong những năm tới, Điện Kremlin sẽ không ngồi yên mà sẽ chủ động giảm nguồn cung - tương tự như những gì hiện đang diễn ra trên thị trường khí đốt châu Âu.

Ông Daba cũng cảnh báo thêm, người Nga có thể biến bất lợi thành lợi thế, nói với phương Tây: "Được rồi, chúng tôi sẽ đẩy nhanh quá trình này thêm một chút nữa thì sao?"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại