Chấp nhận thua ở Syria, IS sẽ tiếp tục "tái sinh" nhờ vào đế chế tài chính triệu đô bí mật?

Quốc Vinh |

Khủng bố IS sẽ tiếp tục "sống khỏe" với đế chế tài chính hàng trăm triệu USD tích lũy, đồng thời kiếm tiền bằng những cách làm ăn mang tính chất mafia để một ngày tiếp tục trỗi dậy trở lại.

Nếu bạn đang muốn chuyển tiền, có khả năng bạn sẽ phải nhờ đến Abu Shawkat. Anh ta làm việc trong một văn phòng nhỏ ở vùng ngoại ô của thủ đô Lebanon, nơi tầng lớp lao động sinh sống.

Tuy nhiên người này sẽ không cung cấp cho bạn vị trí chính xác ở đâu. Thay vào đó, anh ta sẽ hướng dẫn bạn đến một con hẻm gần đó, và việc anh ta có xuất hiện hay không phụ thuộc vào việc anh ta có thích bạn hay không, theo The Atlantic.

Abu Shawkat không phải tên thật của người này, nó là một phần của hệ thống "hawala", thường được sử dụng để chuyển tiền mặt giữa những nơi mà hệ thống ngân hàng không có hoặc quá đắt đỏ đối với một số người muốn giao dịch.

Nếu anh ấy đồng ý, bạn sẽ thiết lập mật khẩu và đưa tiền, sau đó anh ta cung cấp cho bạn thông tin liên hệ của một nhà môi giới "hawala" trong thành phố nơi tiền của bạn được chuyển tới. Bất cứ ai cung cấp mật khẩu cho nhà môi giới cụ thể đó sẽ nhận được tiền.

Do đó, tiền mặt có thể đi qua biên giới mà có thể che giấu được thông tin về việc ai gửi hoặc nhận, hoặc mục đích của số tiền nói trên.

Trong trường hợp ở Syria, các dự án do Mỹ và Anh tài trợ đã gửi hàng triệu đô la vào nước này bằng hệ thống "hawala", các tổ chức nhân đạo sử dụng nó để trả lương cho nhân viên và người Syria làm việc ở nước ngoài gửi tiền cho người thân.

Abu Shawkat chính là trung gian chuyển tiền mà các nhà phân tích tin rằng giống với mạng lưới giao dịch hàng triệu đô la mỗi tuần của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ngay cả khi các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn giành lại dải lãnh thổ cuối cùng của IS ở Syria, người Mỹ và các đồng minh vẫn không thể hạ bệ được đế chế kinh tế của tổ chức khủng bố tinh vi này.

Theo ước tính của các chuyên gia, IS cho đến nay vẫn là một đế chế tài chính. Nhóm này vẫn có thể truy cập được vào nguồn tiền hàng trăm triệu USD của mình và có thể tiếp tục kiếm tiền nhiều hơn thế.

Sự giàu của IS mang đến những rủi ro thực sự, mà đặc biệt trong đó là có thể dùng tiền để giữ được lòng trung thành của các thành viên và tìm kiếm cơ hội trỗi dậy trở lại trong nhiều năm tới.

Sức mạnh tài chính của IS đưa ra một thách thức rộng lớn hơn đối với Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới. Trong nỗ lực siết chặt nhóm về mặt tài chính, Washington đã buộc phải dựa vào một chiến lược khác biệt so với chiến lược quân sự vốn có của mình.

Vũ khí chính được sử dụng không phải là các cuộc không kích và pháo binh, mà là các công cụ tinh vi hơn, như trừng phạt các doanh nghiệp liên kết với IS, ngăn chặn các thực thể này truy cập vào hệ thống tài chính quốc tế và âm thầm hợp tác với các Chính phủ trên toàn cầu.

Thành công vẫn chưa được thể hiện rõ ràng, chiến dịch chống lại nhóm có thể sẽ mất nhiều năm và không có gì đảm bảo chiến thắng.

Việc đánh đuổi IS khỏi những vùng kiểm soát cuối cùng được cho là một con dao hai lưỡi. Một mặt, những tổn thất to lớn đã khiến nhóm này gặp khó khăn hơn rất nhiều khi tiếp tục dựa vào hai nguồn doanh thu chính: khai thác các mỏ dầu ở Iraq và Syria, cũng như đánh thuế các công dân sống dưới ách cai trị.

Đây là 2 cách kiếm tiền quan trọng nhất cho phép IS huy động khoảng 1 triệu đô la mỗi ngày - theo một quan chức an ninh cấp cao của Iraq - biến nhóm này thành tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới.

Mặt khác, việc mất đi lãnh thổ lại vô tình điều kiện cho IS thoát khỏi những gánh nặng chi phí liên quan đến điều hành, cho phép nó tập trung hoàn toàn vào hoạt động khủng bố ở quy mô lớn hơn.

Chấp nhận thua ở Syria, IS sẽ tiếp tục tái sinh nhờ vào đế chế tài chính triệu đô bí mật? - Ảnh 3.

Một trong những cách thức kiếm tiền của IS là tống tiền người dân dưới ách cai trị.

Một quan chức của bộ Tài chính Mỹ giấu tên nói rằng, tập đoàn này đang hoạt động ngày càng giống như tổ chức tiền nhiệm al-Qaeda ở Iraq.

Dầu vẫn đang là thứ mang lại doanh thu cố định cho IS. Trong khi IS không còn kiểm soát các lĩnh vực riêng lẻ, quan chức bộ Tài chính nói thêm rằng một nguồn thu nhập chính của nhóm là tống tiền các đường cung cấp dầu trên toàn khu vực.

IS vẫn đang phát triển tốt dựa trên những gì nó đã xây dựng trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực. "Những gì chúng ta biết là chúng đã tích lũy được một lượng lớn tiền mặt và các tài sản khác", Howard Shatz, một nhà kinh tế cấp cao của Tập đoàn Rand và là đồng tác giả của một số nghiên cứu về tài chính của IS cho biết. "Chúng ta không biết tất cả đã đi đâu".

Một số nguồn tiền trong những quỹ nói trên dường như đã được đầu tư vào các doanh nghiệp thương mại hợp pháp. Vào tháng 10, một loạt các cuộc đột kích các doanh nghiệp liên kết với IS ở thành phố Erbil của Iraq đã phát hiện ra dấu vết cho thấy nhóm này đã đầu tư vào mọi thứ, từ bất động sản đến đại lý ô tô.

Các doanh nghiệp này thường được điều hành bởi những người trung gian hợp tác với nhóm, họ không phải vì có chung tư tưởng cực đoan mà vì lợi nhuận, và sau đó chuyển doanh thu cho IS khi được kêu gọi.

Quan chức an ninh cấp cao của Iraq cho biết, phần lớn tài sản của IS đã được chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi các doanh nghiệp chuyển tiền ở Syria và Iraq bị trừng phạt.

Có báo cáo cho rằng, một trong những nguồn tiền được giữ bằng tiền mặt bởi các cá nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một phần cũng đã được đầu tư vào vàng. Đã có những báo cáo cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mắt làm ngơ trước hoạt động của tổ chức khủng bố trên đất nước của mình.

Các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Syria và Iraq cũng cung cấp cho IS nhiều cơ hội để kiếm lời giống như cách làm của al-Qaeda trước đây. Từ năm 2008 đến 2012, al-Qaeda bắt đầu hoạt động giống như một nhóm mafia.

Nhóm này thâu tóm các hợp đồng xây dựng, đặc biệt là ở thành phố Mosul, miền Bắc Iraq; lấy trộm hàng hóa và bán lại; đồng thời bắt cóc các thành viên của các gia đình giàu có để đòi tiền chuộc.

Mặc dù hoàn cảnh khá eo hẹp, nhóm này vẫn ghi nhận doanh thu hàng tháng gần 1 triệu USD chỉ riêng ở tỉnh Nineveh vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009.

Ngày nay IS thậm chí còn có nhiều yếu tố thuận lợi hơn để kiếm tiền. Tại một hội nghị năm ngoái, các quốc gia đã cam kết 30 tỷ đô la để tái thiết lại khu vực phía Bắc, một con số vẫn còn thấp hơn những gì chính phủ Iraq cần. Tuy nhiên, một khoản tiền như vậy lại cung cấp cho IS nhiều cơ hội hơn để hưởng lợi từ tham nhũng.

IS nắm giữ hồ sơ của khoảng 7 triệu đến 8 triệu người sống dưới ách cai trị của nó trong thời kỳ quyền lực. Đây cũng là cách chúng sử dụng để tống tiền người Iraq và người Syria .

"Nếu bạn sống trong lãnh thổ IS, chúng biết bạn sống ở đâu, chúng biết bạn kiếm được nhiều tiền và chúng biết tên doanh nghiệp của bạn", chuyên gia Shatz cho biết. "Chúng có thể đến gặp một doanh nhân nào đó và dọa dẫm rằng: 'Anh hẳn phải rất tự hào về con trai mình. Thật đáng tiếc khi thấy điều gì đó xảy ra với nó’".

Giống như bất kỳ tập đoàn đa quốc gia nào, IS đã đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình. Ngay cả khi Mỹ và các đồng minh muốn chặt đứt, chiếc vòi lại vươn sang lĩnh vực khác. Ví dụ, thay vì tống tiền cá nhân, nó có thể chuyển sang tống tiền doanh nghiệp.

Lợi thế thị trường của Abu Shawkat là có thể gửi tiền đến những nơi mà các tổ chức chuyển tiền chính thức đã bị vô hiệu hóa. Mô hình kinh doanh của IS cũng dựa trên các yếu tố tương tự, chỉ là ở quy mô lớn hơn nhiều.

Chiến thắng quân sự chống lại IS là điều đáng để ca ngợi, nhưng nó chưa phải là "viên đạn bạc" để kết liễu nhóm này. Thậm chí, nó còn cho phép IS sớm quay trở lại dựa trên một chiến lược kinh tế đã hoạt động tốt trong nhiều năm, tờ The Atlantic nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại