Christine Granville sinh ra ở Ba Lan, với cái tên ban đầu là Krystyna Skarbek. Bà sau đó trở thành một trong các nhân vật nữ hàng đầu của lực lượng tình báo đối ngoại Anh.
Trong các điệp vụ quan trọng ở Ba Lan và Pháp (khi đó bị Đức Quốc xã chiếm đóng), Granville đã tỏ rõ trí tuệ và tài năng của mình. Sau này khi trở thành một công dân Anh, bà là một trong các nữ điệp viên Anh phục vụ lâu nhất.
Nhờ có bà, cơ quan Các chiến dịch Đặc biệt Anh (một dạng cơ quan tình báo Anh, được lập ra và hoạt động trong Thế chiến 2) đã bắt đầu tuyển dụng thêm nhiều phụ nữ cho công việc của họ.
Thế chiến 2
Khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ, Granville đang sống ở Ethiopia cùng với người chồng thứ 2 của mình. Chồng bà khi đó đang làm Tổng lãnh sự của Ba Lan tại đây.
Hai vợ chồng Granville sau đó rời đi London và bà sẵn sàng đóng góp cho các nỗ lực chiến tranh của Anh.
Granville tính tình mạnh mẽ như một nam giới và rất ưa mạo hiểm. Khi ở Anh, bà đã lập tức yêu cầu chính phủ nước này cho phép bà được cùng họ đánh bại kẻ thù chung (quân Đức lúc đó vừa xâm chiếm quê hương Ba Lan của bà).
Mặc dù Granville nhiệt tình như vậy, chính phủ Anh vẫn chưa cảm thấy bị thuyết phục. Mãi đến khi người bạn của bà, là Frederick Augustus Voigt, giới thiệu bà với Cơ quan Tình báo Mật (tức MI6 – cơ quan tình báo đối ngoại của Anh) thì người ta mới miễn cưỡng để cho bà tham gia đội ngũ MI6.
Ban đầu, Granville được gửi sang Hungary, tại đó bà được một vận động viên trượt tuyết Olympic hộ tống sang Ba Lan. Ở đây, Granville đã cố gắng thuyết phục mẹ mình rời bỏ Warsaw và bọn Quốc xã nhưng người mẹ già từ chối và cuối cùng bà qua đời tại nhà tù Pawiak trong tay phát xít Đức.
Trong quá trình hoạt động ở Ba Lan, Granville gặp nhiều khó khăn do thường xuyên bị người quen cũ nhận ra.
Mặc dù vậy, bà tiếp tục chứng tỏ được giá trị của mình, như trong lần bà gặp một sự cố cùng với Andrzej Kowerski, một sĩ quan quân đội Ba Lan. Ông này chịu trách nhiệm về bố trí chỗ cho binh sĩ Ba Lan và quân đồng minh, qua đó thu thập luôn thông tin tình báo.
Cả hai ông bà bị mật vụ Đức Quốc xã bắt vào năm 1941. Nhưng Granville đã xoay sở để cả hai được thả. Mẹo của bà là cắn lưỡi đến khi bật máu để giả vờ là bị bệnh lao phổi.
Một trong những hoạt động lớn nhất của Granville trong thời kỳ này là tổ chức một hệ thống tình báo viên Ba Lan có nhiệm vụ mang các báo cáo từ Warsaw sang Budapest. Bà tiếp tục làm việc cùng Kowerski, điều phối hoạt động theo dõi tất cả các vận chuyển giữa Nga và Đức.
Điều không may là cả Ba Lan và Anh đều nghi ngờ Kowerski. Bản thân Granville cũng bị giám sát chặt chẽ, với lý do bà có thể lấy visa quá cảnh một cách dễ dàng từ một viên lãnh sự ở Thổ Nhĩ Kỳ và thân chính quyền Vichy (hợp tác với phát xít) của Pháp. Khi ấy người ta cho rằng mức độ thành công cao của Granville là "quá tốt", và do vậy rất có thể bà chính là một điệp viên của Đức.
Tuy nhiên, các hiểu lầm nhanh chóng biến mất khi các thông tin tình báo của bà đã được khẳng định là đúng và nước Đức xâm lược Liên Xô. Bất chấp điều này, cả bà và Kowerski tạm ngừng hoạt động tình báo.
Trong khoảng thời gian đó, Granville thông báo cho chồng mình là bà muốn ly dị, vì bà đã đem lòng yêu Kowerski.
Tái xuất
Granville tạm ngừng công việc tình báo cho tới khi bà đã đạt được kỹ năng tiếng Pháp thành thạo đủ để bà quay trở lại với công việc này, lần này là trong mạng lưới tình báo Anh ở Pháp vào năm 1944. Khi đó tình báo Anh thiếu nhân sự hoạt động ở Pháp.
Tại Pháp, Granville hoạt động với bí danh Madame Pauline. Bà thay thế điệp viên Cecily Lefort, người bị Đức Quốc xã hành quyết. Granville là một trong những người đầu tiên được gặp lực lượng đổ bộ của Đồng minh ở Pháp.
Vào tháng 7/1944, bà nhảy dù xuống vùng đông nam Pháp và bắt đầu hoạt động tại đây. Granville tổ chức các chiến dịch hỗn hợp giữa dân quân Italy và lực lượng du kích kháng chiến Pháp chống lại phát xít Đức ở vùng núi Alps. Bà cũng tham gia vào các hoạt động lôi kéo lực lượng chiếm đóng Đức đào ngũ chạy sang phe Đồng minh.
Granville đã gặp gỡ các lính nghĩa vụ người Ba Lan tại một doanh trại Đức và thuyết phục họ đào ngũ, cũng như thuyết phục binh sĩ Đức ở đó đầu hàng.
Vào tháng 8, một trong các đồng đội của bà đã bị người Đức bắt được và sắp sửa bị chúng hành quyết. Granville đã sắp xếp một cuộc gặp với liên lạc người Đức giữa Pháp và mật vụ Gestapo (thuộc Đức Quốc xã). Bà nói với y rằng bà là cháu gái một vị tướng của Anh và là vợ của điệp viên bị bắt. Bà đề nghị trả 2 triệu franc để đổi lại tự do cho điệp viên kia.
Bà lý lẽ trong hàng giờ liền, sẵn sàng nói dối, đánh lừa và sử dụng mọi điều có thể, cuối cùng thuyết phục được liên lạc viên người Đức kia làm theo mình. Y đã nhận được tiền chuộc, Tuy vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó, y đã chết trong hoàn cảnh bí hiểm.
Chính quá trình hoạt động ở Pháp đã giúp Granville vượt qua những cáo buộc trước đây nhằm vào bà cũng như những nghi ngờ mà bà phải chịu đựng.
Năm 1945, bà theo kế hoạch sẽ quay lại Ba Lan, nơi bà sẽ báo cáo với người Anh về các sự kiện liên quan đến Hồng quân Liên Xô. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã bị hủy bỏ.
Sau chiến tranh
Granville về sau được tặng thưởng huân huy chương vì những chiến công của bà trong chiến tranh. Nhưng những tháng ngày sau khi Thế chiến 2 vừa kết thúc là một giai đoạn khó khăn đối với bà.
Nhân vật nữ (được cho là lấy nguyên mẫu từ Granville) trong một bộ phim tình báo James Bond. Ảnh: lekturaobowiazkowa.
Khi đó bà không có tổ quốc riêng, không còn tiền và sống đơn độc ở Cairo (Ai Cập). Bà làm đơn xin hộ chiếu Anh nhưng công việc giấy tờ này đã bị trì hoãn.
Bà đi nhiều nơi, nhưng không phải là du lịch với thừa mứa tiền bạc. Năm 1952, bà dừng chân ở London, nơi bà đột ngột qua đời.
Granville bị đâm chết tại khách sạn Shelbourne ở thủ đô Anh. Hung thủ là một gã đàn ông trước đó từng tán tỉnh bà nhưng bị bà từ chối tình cảm. Lúc qua đời, Granville 37 tuổi. Gần 35 năm sau, khi Kowerski qua đời, ông được chôn bên cạnh bà.
Năm 1971 người ta mua lại khách sạn nơi Granville bị sát hại. Các đồ cá nhân của bà được phát hiện tại đây, bao gồm quần áo, giấy tờ và con dao găm được phát cho bà với tư cách là một điệp viên.
Sau này người ta cho rằng tiểu thuyết gia Ian Flemming của Anh đã lấy bà làm nguyên mẫu cho hai nhân vật nữ trong loạt tiểu thuyết nổi tiếng James Bond của mình, cụ thể là cuốn "Casino Royale" và cuốn "From Russia, with Love".