Bạn đã bao giờ tự hỏi: “Vì sao thế hệ chúng ta rõ ràng kiếm được nhiều tiền hơn nhưng vẫn cảm giác không giàu bằng cha mẹ?”. Câu trả lời thực ra rất đơn giản. Đó là bởi cha mẹ và thế hệ chúng ta có những mong muốn và thói quen tiêu tiền khác nhau.
Hầu hết cha mẹ đều sinh ra từ gia đình nghèo khó. Giống như biết bao người của thế hệ trước, họ phải tự dựa vào chính mình và làm việc cật lực để kiếm sống.
Cha mẹ tôi cũng vậy. Bố mẹ tôi không sinh ra từ gia đình giàu có, cũng không có kiến thức tài chính cao cấp hay có khả năng đặc biệt để một phát đổi đời. Song, bố mẹ tôi vẫn hoàn thành những “KPI” lớn như tậu nhà, mua xe hay nuôi chúng tôi ăn học thành tài.
Dù xuất thân từ nông thôn, song cha mẹ vẫn tích luỹ được gia tài nhờ 2 yếu tố: Kỷ luật và biết cách đối nhân xử thế. Dưới đây là 5 thói quen giúp cha mẹ tôi tiết kiệm được tài sản thành công.
1. Tiết kiệm là nguyên tắc quan trọng hàng đầu
Cha mẹ tôi không bao giờ lãng phí tiền bạc. Họ sớm quan tâm đến tiết kiệm và luôn lập ngân sách một cách cẩn thận. Họ quan niệm cuộc sống cần phải được sắp xếp hợp lý, tránh tiêu dùng quá mức. Thay vì chạy theo những thứ tiêu sản, cha mẹ chỉ mua những sản phẩm có giá trị lâu dài và mang tính thực tiễn cao.
Bất kể tình hình tài chính hay thị trường đang lên hay xuống, bố mẹ tôi luôn giữ phương châm tiết kiệm thông qua bảo hiểm và một số hình thức đầu tư ổn định khác.
2. Đầu tư nguồn lực vào nông nghiệp - ngành nghề sẽ không bao giờ lỗi thời
Hiện nay, không nhiều bạn trẻ quan tâm đến làm nông và trồng trọt. Bởi đây được coi là lao động chân tay, không hấp dẫn bằng những công việc văn phòng sang chảnh khác.
Với bố mẹ tôi thì khác. Dù làm ngành nghề nào, họ cũng không bao giờ quên chăm sóc mảnh đất của gia đình. Cha mẹ thường trồng rau, nuôi gà… giúp vừa tiết kiệm, cũng như đảm bảo được nguồn rau sạch cho gia đình. Có lẽ, chỉ những người xuất thân làm nông thì mới vẫn giữ được tình yêu cho đất đai như vậy.
3. Chi tiêu thích hợp với ngân sách
Cha mẹ tôi luôn duy trì thói quen tiêu dùng trong khả năng chi trả của gia đình, coi trọng giá trị mà hàng hoá mang lại. Bố mẹ có xu hướng mua những món đồ có thời gian sử dụng lâu dài như chiếc xe đạp tốt từ hãng của Nhật Bản hay nồi cơm điện của Đức có thể dùng ít nhất 5 năm.
Khi muốn mua đồ nào đó, cha mẹ thường sẽ so sánh và cân nhắc chất lượng của nhiều thương hiệu khác nhau. Thói quen này giúp gia đình luôn luôn chọn được những món hàng giá tốt, giúp tiết kiệm nhiều trong cuộc sống hàng ngày.
4. Phải biết giao tiếp - chúng ta rồi sẽ cần đến sự giúp đỡ
Cha mẹ tôi không phải người quá quảng giao, nhưng chắc chắn họ biết cách đối nhân xử thế trong cuộc sống. Ngay từ nhỏ, tôi đã luôn ngưỡng mộ khi cha mẹ có thể giải quyết những vấn đề khó khăn một cách hiệu quả.
Khi biết cách giao tiếp với người khác, cha mẹ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn. Thói quen này giúp người lớn tránh được rắc rối không đáng có, đồng thời có thể mang đến những cơ hội làm ăn hay sự giúp đỡ bất ngờ.
5. Đầu tư vào giáo dục con cái
Học vấn của cha mẹ tôi hạn chế, nhưng họ đặc biệt quan tâm đến giáo dục của con cái. Cha mẹ khuyến khích chúng tôi học tập chăm chỉ, nâng cao kiến thức cũng như khả năng của mình. Thói quen coi trọng giáo dục này không chỉ mang lại lợi ích trong suốt cuộc đời, mà còn mang đến cơ hội và phát triển tốt hơn cho thế hệ sau.
Nhìn lại cả cuộc đời sống tiết kiệm của cha mẹ, họ đã dùng hành động thực tế của mình để chứng minh sức mạnh của việc tích lũy tài sản. Mặc dù bố mẹ không có kiến thức hay hiểu biết quá nhiều về thị trường hay tài chính, nhưng sự kỷ luật và những thói quen tốt đã giúp cha mẹ vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn trong cuộc sống.
Dù sau này sống ở thành thị hay nông thôn, chúng ta đều có thể học được nhiều điều từ cha mẹ. Những thói quen tưởng chừng bình thường như tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý, học cách giao tiếp với người khác… song đây chính là nền tảng của tích lũy tài sản. Chúng ta hãy cố gắng học hỏi những bài học tốt từ cha mẹ, từ đó có thể theo đuổi một cuộc sống tự do tài chính.