"Cha của các loại bom" và những siêu vũ khí Nga chưa một lần thực chiến

QS |

Hãng tin Sputnik liệt kê những loại siêu vũ khí mà Nga đã/đang có trong tay nhưng chưa từng triển khai chiến đấu.

Ngày 13/4, Lầu Năm Góc đã sử dụng loại bom phi hạt nhân lớn nhất trong kho vũ khí Mỹ để tấn công một nhóm lớn các phần tử khủng bố IS ở Afghanistan.

Bom GBU-43, nặng gần 10 tấn và mệnh danh là "Mẹ của các loại bom", đã được thả từ máy bay MC-130 xuống tỉnh Nangarhar, nhằm vào các cơ sở ngầm dưới lòng đất và một hệ thống đường hầm của quân khủng bố.

GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast (MOAB) là bom phi hạt nhân có sức công phá lớn, được xem là vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất từng được phát triển vào thời điểm nó ra đời.

Đây là lần đầu tiên loại bom này được triển khai trong thực chiến kể từ khi đưa vào biên chế quân đội Mỹ năm 2003.

Ban đầu, Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết, ít nhất 36 phần tử khủng bố đã bị tiêu diệt trong vụ tấn công. Còn theo báo cáo sau đó, con số này đã tăng lên 82.

Tuy nhiên, theo hãng tin Sputnik (Nga), kết quả mà một loại vũ khí uy lực như vậy mang lại chưa thực sự thỏa mãn.

Vấn đề ở đây là, MOAB không được thiết kế để phá hủy các cơ sở ngầm kiên cố dưới lòng đất.

Tương tự như bom BLU-82 Daisy Cutter mà Mỹ sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, mục đích thiết kế cơ bản của GBU-43 là để giải phóng bãi đáp cho trực thăng trong các khu rừng rậm và dọn sạch mìn bên dưới mặt đất.

Bình luận về vụ oanh tạc của Mỹ, chuyên gia Nga Andrei Kots cho rằng cuộc tấn công này tạo ra "hiệu ứng tâm lý" nhiều hơn.

"Nếu đối phương có hệ thống phòng không mạnh thì GBU-43 sẽ trở nên vô dụng, bởi máy bay MC-130 (mang theo những quả bom này) có thể sẽ bị bắn hạ trước khi đến được vị trí thả bom" - ông Kots nhận định.

"Cha của các loại bom"

Theo Sputnik, GBU-43 không phải là loại bom nặng nhất trong lịch sử, mà danh hiệu này thuộc về GBU-57A/B Massive Ordnance Penetrator (MOP) - loại bom xuyên phá boong-ke nặng 14 tấn trong biên chế Không quân Mỹ (USAF).

USAF đã tiếp nhận 20 quả bom loại này vào năm 2011 nhưng cho đến nay, MOP vẫn chưa được triển khai chiến đấu.

Sputnik cho hay, loại bom phi hạt nhân mạnh nhất được phát triển tại Nga, gọi là ATBIP. Nó đã được thử nghiệm vào ngày 11/9/2007.

Báo giới Nga ngay lập tức đặt cho ATBIP biệt danh "cha của các loại bom" (FOAB).

Thử nghiệm Bom Cha của Nga

FOAB có sức công phá tương đương 44 tấn thuốc nổ TNT, trong khi sức công phá của GBU-43 chỉ tương đương 12 tấn TNT. Ngoài ra, FOAB có bán kính nổ trên 300m, còn MOAB là 150-200m.

Nga vẫn giữ kín thông tin về FOAB, bao gồm cả số lượng bom đã sản xuất và vị trí mà chúng đang được triển khai.

Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky, trong thế chiến II, quân đội Liên Xô từng sử dụng loại bom có sức công phá tương đương MOAB.

Vị chuyên gia cho hay, bán kính phá hủy của GBU-43 chỉ rộng bằng tâm chấn của vụ nổ do FOAB tạo ra.

"Tại khu vực có địa hình thông thoáng, MOAB có bán kính phá hủy chỉ từ 150-200m. Trong khi đó, FOAB tạo ra vụ nổ có tâm chấn từ 150-200m và các đợt sóng xung kích từ vụ nổ còn mở rộng phạm vi phá hủy xa hơn nữa" - ông Murakhovsky nói.

Pháo hạng nặng

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã tích cực đầu tư phát triển các loại pháo mạnh. Cả 2 cường quốc đều muốn chế tạo một loại vũ khí có khả năng bắn đạn hạt nhân chiến thuật với sức công phá thấp từ khoảng cách tương đối gần.

Liên Xô đã cho ra đời pháo tự hành 2s7 Pion 203mm và phiên bản cải tiến 2s7 Malka. Ngoài đạn chuyên dụng, Liên Xô còn phát triển một số loại đạn phi hạt nhân cho chúng. Chẳng hạn như, đạn nổ mạnh 3FOF35, nặng 110kg, có thể được bắn đi từ khoảng cách lên tới 50km.

Cha của các loại bom và những siêu vũ khí Nga chưa một lần thực chiến - Ảnh 2.

Pháo tự hành 2s7 Pion 203mm tại Viện bảo tàng pháo binh ở Saint-Petersburg.

Thế nhưng, những vũ khí này vẫn tồn tại nhiều nhược điểm, như tầm bắn còn hạn chế, dự trữ đạn ít. Hiện quân đội Nga vẫn còn 300 khẩu Pion và Malka, chúng chưa từng được triển khai chiến đấu.

Các quốc gia phương Tây tích cực phát triển pháo hạng nặng trong giai đoạn 1940-1945. Đức quốc Xã từng có cối tự hành Karl 600mm và đại pháo Dora 800mm. Chúng từng được triển khai trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại gần Sevastopol và pháo đài Brest.

Năm 1944, Mỹ thử nghiệm cối Little David, cỡ nòng 914mm và nặng 88 tấn. Tuy nhiên, khẩu pháo này đã không được đưa vào biên chế.

"Quái vật biển Caspian"

Trong Chiến tranh Lạnh, quân đội Liên Xô đã tìm cách phát triển một loại vũ khí có thể đối phó hiệu quả với tàu sân bay Mỹ.

Một trong những chương trình phát triển đáng chú ý là Ekranoplan (một loại phương tiện kết hợp độc đáo giữa tàu thủy và máy bay) lớp Lun. Nó sử dụng hiệu ứng lướt gần mặt đất để di chuyển.

Ekranoplan lớp Lun dài 75m, cao gần 20m và có thể đạt tốc độ tới 500km/h. Giới phân tích Mỹ đặt cho nó biệt danh là "Quái vật biển Caspian".

Cha của các loại bom và những siêu vũ khí Nga chưa một lần thực chiến - Ảnh 3.

Ekranoplan lớp Lun tại căn cứ hải quân ở Kaspiysk.

Nhờ có khả năng bay cực thấp mà Lun có thể qua mặt hệ thống phòng không của đối phương trên tàu chiến. Theo ý tưởng thiết kế, nó sẽ tiếp cận nhóm tàu sân bay của đối phương và tấn công chúng bằng tên lửa chống tàu siêu thanh Moskit.

Mỗi tên lửa mang đầu đạn nặng 300kg và có thể bay ở độ cao từ 7-20m. MD-160, nguyên mẫu duy nhất của lớp này, đã được đưa vào biên chế Hạm đội Biển Đen năm 1987. Nó bị loại biên vào cuối những năm 1990 và đang được lưu trữ tại căn cứ hải quân ở Kaspiysk.

Ngư lôi Shkval

Ngư lôi-tên lửa Shkval là một "sát thủ tàu sân bay" khác do Liên Xô thiết kế, với những khả năng đặc biệt. Nó được đưa vào biên chế Hải quân Liên Xô trong năm 1977.

Ban đầu, Shkval trang bị đầu đạn hạt nhân 150 kiloton, và sau này được trang bị thêm đầu đạn thường.

Tính năng nổi bật của Shkval là khả năng di chuyển với tốc độ gần 370 km/h. Nó sử dụng động cơ phản lực nhiên liệu rắn dưới nước, cho lực đẩy cao hơn.

Trong nhiều thập kỷ, Shkval đã đứng đầu trong số các loại ngư lôi được chế tạo. Tuy nhiên, vào năm 2015, Đức tuyên bố nước này đã hoàn tất chương trình phát triển ngư lôi-tên lửa Barracuda, với khả năng đạt tốc độ tương đương Shkval.

"Gót chân Achilles" của vũ khí này là tầm bắn hạn chế. Shkval chỉ có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 13km.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại