Trong bài viết trên tờ Daily Caller, nhà phân tích Thomas Phippen cho hay, mọi thông tin về giá trị của GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast (MOAB) – mệnh danh "Mẹ của các loại bom" – đều do hiểu nhầm một bài báo năm 2011 hoặc dẫn nguồn từ một website không đáng tin cậy.
Chi phí chương trình chưa bao giờ được công khai
Không ai biết rõ giá trị thực sự của loại bom này là bao nhiêu. Chi phí thực của chương trình GBU-43 không được công khai bởi nó do quân đội Mỹ trực tiếp sản xuất, thay vì một công ty quốc phòng tư nhân.
Không quân Mỹ thậm chí không theo dõi chi phí mỗi quả bom, cũng như chi phí của toàn bộ chương trình.
"Chúng tôi không định ra chi phí mỗi quả bom" – Người phát ngôn Không quân Mỹ Ann Stefanek nói với tờ Daily Caller – "Những quả bom này được sản xuất nội bộ nên chúng tôi không đặt ra chi phí định mức".
Mỹ đã dùng bom MOAB phá hủy đường hầm của IS tại Afghanistan hôm 13/4.
Theo ông Stefanek, Không quân Mỹ phần lớn sử dụng công nghệ, thiết bị sẵn có để chế tạo các nguyên mẫu MOAB đầu tiên và họ chưa từng trao hợp đồng sản xuất toàn bộ cho công ty quốc phòng nào.
Vì thế, họ không cần ghi chép cụ thể từng khoản và liệt kê thêm chi phí của mỗi bộ phận.
Sự nhầm lẫn tai hại
Hôm 13/4, nhiều tờ báo như USA Today, Washington Examiner, CNBC… đăng thông tin chương trình MOAB có chi phí phát triển là 314 triệu USD, dẫn nguồn từ một bài viết năm 2011 của tờ Los Angeles Times.
Thông tin đăng trên tờ CNBC
Tuy nhiên, theo ông Phippen, chi phí ước tính trong bài bào này thực chất đề cập tới chi phí của loại bom phá boong-ke lớn nhất mà Không quân Mỹ đang sử dụng – đó là bom GBU-57 Massive Ordnance Penetrator (MOP), do công ty Boeing – nhà thầu quốc phòng tư nhân – sản xuất.
"Với tổng chi phí khoảng 314 triệu USD, quân đội Mỹ đã phát triển và đặt hàng 20 quả bom dẫn đường bằng GPS, được gọi là Massive Ordnance Penetrators" – Tờ Los Angeles Times thông báo trong bài viết đăng tải ngày 16/11/2011.
Bài viết trên tờ Los Angeles Times đề cập tới bom MOP, chứ không phải MOAB.
Mặc dù 2 loại bom này có liên quan, nhưng chúng có tính năng khác nhau – MOP được thiết kế để phá hủy các hầm ngầm sâu tới 60m, trong khi MOAB có thể "thổi bay" mọi thứ trên mặt đất trong bán kính 1 dặm.
Tương tự như bom Daisy Cutter, "Mẹ của các loại bom" MOAB chỉ có thể được thả từ máy bay vận tải C-130, trong khi MOP được triển khai từ máy bay ném bom tàng hình B-2.
Máy bay tàng hình B-2 mang bom Massive Ordnance Penetrator (MOP).
Nhiều hãng tin, trong đó có TIME và CNBC, dẫn nguồn từ Deagel.com – một website với danh sách vũ khí đa dạng thuộc sở hữu của nhiều quốc gia. Trang này cho biết MOAB có giá 16 triệu USD/quả, song đây cũng được cho là mức giá của MOP.
Deagel không dẫn nguồn cụ thể để xác minh thông tin mà họ đưa ra. IP của trang này đăng ký một địa chỉ ở Tây Ban Nha, và thông tin mới nhất mà họ ghi nhận là một dự đoán năm 2015 cho rằng dân số Mỹ sẽ giảm xuống hơn 80% vào năm 2025 do sự suy sụp về kinh tế và văn hóa.
"Sụ sụp đổ của Mỹ dự kiến sẽ tồi tệ hơn nhiều so với sự sụp đổ của Liên Xô" – Dự đoán này cho hay.
Trang tin InfoWars khi dẫn lại dự đoán trên từ tờ Deagel đã viết thêm rằng họ cũng rất lưỡng lự và hoài nghi khi đăng tải thông tin đó.
Ông Phippen cho biết, trong quá trình phát triển MOAB, Không quân Mỹ từng trao ít nhất 1 hợp đồng cho công ty quốc phòng Dynetics (trụ sở lại Huntsville, bang Alabama) để thiết kế hệ thống dẫn đường cho loại bom này, với chi phí tương đối thấp là 35.000 USD.
MOAB được phát triển nhanh chóng trước khi xảy ra chiến tranh Iraq năm 2012, dựa trên mẫu bom BLU-82/B "Daisy Cutter" – từng được sử dụng để giải phóng bãi đáp cho trực thăng trong rừng rậm thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Mỹ công bố video dùng bom MOAB tấn công IS hôm 13/4.
Dynetics tiếp tục hợp tác với Không quân Mỹ để chế tạo và thử nghiệm 3 nguyên mẫu của GBU-43 vào ngày 11/3/2003.
Theo báo cáo của Thượng viện Mỹ, Không quân Mỹ sau đó đã chế tạo thêm 10 quả bom nữa và chuyển giao chúng trong tháng 4 và tháng 5, chỉ 9 tuần sau cuộc thử nghiệm thành công.
Ông Phippen cho rằng, chương trinh phát triển mau lẹ này sẽ có chi phí cao hơn 314 triệu USD.
Một số nguồn tin cho biết MOAB được chế tạo tại Nhà máy đạn dược lục quân McAlester ở Oklahoma, mặc dù người phát ngôn của McAlester không xác nhận thông tin này.
Không quân Mỹ cho hay, việc MOAB chưa từng được sử dụng trong chiến tranh Iraq không có nghĩa là chúng không hiệu quả.
"MOAB là loại bom mạnh nhất từng được chế tạo và nó đã thực hiện được nhiệm vụ của mình – đó là răn đe kẻ địch – đơn giản bởi họ biết nó mạnh như thế nào" – ông Robert Hammack, người đứng đầu một đội thiết kế của Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân cho hay.