Theo nhà phân tích và bình luận quân sự Charlie Gao, trong những năm 1990, Trung Quốc đã phát triển máy bay chiến đấu mới, nhằm đáp trả mẫu tiêm kích MiG-29 của Nga và F-16 của Mỹ.
J-10 là tiêm kích đa nhiệm hạng nhẹ một chỗ ngồi, được chế tạo nhằm thay thế các máy bay chiến đấu J-7 và J-8, trở thành một lực lượng đông đảo mà đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc phải đối mặt.
Khi Trung Quốc bắt đầu tái hội nhập thế giới trong những năm 1980, Không quân Trung Quốc (PLAAF) nhận ra rằng phi đoàn J-7 và J-8 của họ sẽ rất lỗi thời.
Vì thế, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình yêu cầu phát triển một loại tiêm kích chiến thuật hạng nhẹ mới. Khả năng hoạt động của nó cần vượt trội hơn J-8II và MiG-23, đồng thời ngang ngửa với F-16.
Tiêm kích J-10 Trung Quốc. Ảnh: Aviation International News
Đối với hầu hết các dự án của Trung Quốc, chương trình phát triển J-10 không chỉ giống như một bài tập thực hành chế tạo máy bay, mà còn nhằm phát triển một số công nghệ quan trọng.
Khác với MiG-29 và F-16, tiêm kích J-10 có cánh tam giác lớn, khiến người ta liên tưởng tới dòng máy bay chiến đấu Mirage của Pháp. Tuy nhiên, không giống với Mirage, J-10 còn có thêm 2 cánh tam giác bố trí ở ngay sau buồng lái để tăng khả năng cơ động.
Bên cạnh đó, nếu như Mirage có các cửa hút khí dành cho động cơ nằm ở bên trái và bên phải thân máy bay thì J-10 chỉ có duy nhất một cửa hút khí nằm dưới buồng lái, tương tự như F-16. Song, cửa hút khí của J-10 có dạng hộp vuông và có thiết kế chi tiết khác với cửa hút khí của F-16.
Do Trung Quốc không có đủ công nghệ để chế tạo động cơ nội địa tiên tiến nên J-10 phải dùng tới động cơ AL-31 do Nga sản xuất.
J-10 có 3 giá treo vũ khí ở mỗi bên cánh và 3 giá treo ở thân (có thể tăng lên 11 giá treo), giúp nó có tải trọng vũ khí tương tự như MiG-29 và F-16.
Về radar, phiên bản J-10A hiện đang sử dụng radar quét cơ khí KLJ-3, J-10B trang bị radar quét mạng pha điện tử thụ động (PESA) và J-10C được lắp đặt radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA).
Do J-10A đã tương đối lỗi thời khi ra mắt, nên Trung Quốc nhanh chóng cho ra mắt J-10B, với hệ thống điện tử hàng không được cải tiến, cửa hút khí được thiết kế lại cho cao hơn và tròn hơn, đồng thời nâng cấp động cơ lên phiên bản AL-31FN. Ngoài ra, phiên bản này còn được tích hợp hệ thống dò tìm mục tiêu hồng ngoại (IRST).
Tuy nhiên, quá trình nâng cấp toàn bộ phi đoàn J-10 lên chuẩn J-10B diễn ra khá chậm chạp nên phần lớn tiêm kích J-10 trong biên chế PLAAF vẫn là phiên bản J-10A.
Phiên bản mới nhất của J-10 là J-10C, với hệ thống điện tử hàng không được nâng cấp và có cửa hút khí mới, J-10C có thể bắn các loại tên lửa không-đối-không mới của Trung Quốc, trong đó có một số loại tên lửa tầm xa dẫn đường bằng radar.
Tương lai của J-10 hiện vẫn chưa có gì chắc chắn, bởi mẫu tiêm kích J-11 vượt trội hơn J-10 ở hầu hết các khía cạnh và có tiềm năng phát triển lớn hơn. Trung Quốc có vẻ đang tiếp tục chương trình nghiên cứu (R&D) và phát triển mẫu máy bay chiến đấu này.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh hiện đang sản xuất 2 mẫu tiêm kích tàng hình (một hạng nhẹ và một hạng nặng) với thiết kế tương tự như các chiến đấu cơ của Mỹ. Tương tự như F-35A là mẫu máy bay thay thế F-16 trong biên chế Không quân Mỹ, thì các máy bay J-31 cũng được kỳ vọng sẽ thay thế J-10.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà có thể xem nhẹ J-10. Do Trung Quốc đang đầu tư nhiều hơn vào các loại radar nội địa tiên tiến, và tích hợp cho J-10 các loại radar AESA mới nên chúng vẫn là mối đe dọa đáng gờm hiện nay, tương tự như tiêm kích F-16V của Mỹ vẫn có vai trò nhất định trên chiến trường hiện đại.
Mặc dù việc Trung Quốc liên tục thiết kế lại phần thân và cửa hút khí của J-10 cho thấy cốt lõi thiết kế khí động học của mẫu máy bay này vẫn chưa thực sự hoàn hảo nhưng những nhược điểm này sẽ không phải là vấn đề quá lớn nếu J-10 có thể tiếp cận đủ gần mục tiêu và phóng tên lửa.
Tiêm kích J-10C lần đầu tiên được nhìn thấy mang tên lửa PL-10 và PL-15