Câu nói của cha mẹ gây "sát thương" lớn cho con, khiến trẻ hoang mang, sợ hãi

THANH HƯƠNG |

Nhiều cha mẹ đang lạm dụng câu nói này.

Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những tình huống như này: Trẻ đi siêu thị với bố mẹ và đòi mua món đồ gì đó. Khi không được bố mẹ đáp ứng, trẻ liền khóc và nấn ná đứng ở quầy bán đồ, không chịu đi. Lúc này, nhiều bố mẹ sẽ dọa: "Con mà không đi là bố mẹ đi đấy, mặc kệ con".

Câu nói này có vẻ rất hiệu quả, khiến trẻ hoảng sợ ngay lập tức, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhiều bố mẹ vì thế coi đây là "vũ khí" trị con. Thực tế, theo các chuyên gia giáo dục, câu nói này gây sát thương cực lớn đến trẻ.

Đầu tiên, câu "Con mà không đi là bố mẹ đi đấy" mang đầy tính đe dọa, như một lời tuyên bố rằng: Nếu con không làm theo lời bố mẹ yêu cầu thì bố mẹ sẽ bỏ đi. Loại đe dọa này khiến trẻ nảy sinh tâm lý sợ hãi, bất an; điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Trẻ thậm chí có thể đặt nghi ngờ tình yêu thương của cha mẹ, từ đó ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ và con cái.

Thứ hai, "Con mà không đi là bố mẹ đi đấy" sẽ khiến trẻ cảm thấy bị kiểm soát. Dường như dù trẻ có làm gì, chỉ cần bố mẹ không đồng tình hoặc không hài lòng thì đều là sai! Câu nói này khiến trẻ không có quyền bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình, đồng thời khiến trẻ cảm thấy đặc biệt bất lực và chán nản.

Sở dĩ nhiều bố mẹ thích sử dụng câu này là bởi nó chứng minh được quyền lực của họ với con cái. Trẻ vâng lời vô điều kiện, đơn giản vì trẻ chưa có khả năng phản kháng. Hơn nữa, câu nói này chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, dù sao một ngày nào đó trẻ sẽ lớn lên và trở nên hiểu chuyện.

Nếu khi con cái lớn lên, có "vốn" để cạnh tranh với cha mẹ, liệu chúng có còn ngoan ngoãn như vậy không? Câu trả lời tất nhiên là không! Có lẽ trẻ sẽ đối đầu với bố mẹ một cách gay gắt hơn.

Chính vì vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ cần chú ý đến những lời mình nói ra. Đừng đợi đến khi mối quan hệ cha mẹ - con cái rạn nứt và con cảm thấy bất an mới hối hận vì những gì mình đã nói!

Câu nói của cha mẹ gây sát thương lớn cho con, khiến trẻ hoang mang, sợ hãi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cha mẹ nên làm gì khi con không vâng lời hoặc chống đối?

Vì câu nói trên không nên được sử dụng, do đó cha mẹ phải tìm cách giáo dục khác. Dưới đây là một số cách thiết thực"

Đầu tiên, cha mẹ cần hiểu hành vi của con. Nguyên nhân khiến trẻ không vâng lời có thể là do trẻ dùng cách riêng để thể hiện nhu cầu, cảm xúc bên trong. Là cha mẹ, trước tiên bạn phải kiên nhẫn lắng nghe suy nghĩ của con, tốt nhất hãy dùng sự đồng cảm để đặt mình vào vị trí của con và xem xét vấn đề từ nhiều góc độ trước khi đưa ra quyết định.

Thứ hai, cần phải đặt ra những quy định rõ ràng và nhất quán. Bố mẹ thử nghĩ xem: Nếu trẻ hiểu các quy tắc ngay từ khi còn nhỏ và tuân thủ nghiêm ngặt chúng thì liệu vấn đề này có nảy sinh không? Vì vậy, trong giáo dục hàng ngày, cần thảo luận, đưa ra các nội quy với trẻ, để trẻ hiểu được những hậu quả có thể xảy ra nếu không tuân theo nội quy.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần củng cố các yếu tố tích cực hơn là trừng phạt. Trừng phạt không bao giờ là lựa chọn tốt nhất trong việc nuôi dạy con cái mà nó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi và thất vọng bên trong của trẻ. Ngược lại, điều cha mẹ nên làm nhất là giúp con cư xử đúng đắn hơn thông qua sự củng cố tích cực. So với trừng phạt, động viên, khen ngợi thực ra có hiệu quả cao hơn.

Cuối cùng, cha mẹ cần thể hiện tình yêu và sự tôn trọng với con. Tình yêu thương là nền tảng của việc nuôi dạy con cái! Hãy để con hiểu rằng dù chúng có làm gì, miễn là không vi phạm những nguyên tắc và điểm mấu chốt thì cha mẹ sẽ luôn đứng sau và chấp nhận hành vi của con.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại