Năm 2020, Tòa án nhân dân trung cấp Phật Sơn (Trung Quốc) đã công bố một vụ án điển hình về việc đấu thầu.
Cụ thể, một hợp tác xã kinh tế ở Phật Sơn đã mở cuộc đấu giá cho cá nhân thuê khu đất tại địa phương. Tổng cộng có 7 người ra giá. Kết quả, ông Dương là thắng thầu. Tuy nhiên sau khi thông báo kết quả, người đàn ông này không chịu ký hợp đồng thuê chính thức với hợp tác xã.
Kết quả là hợp tác xã tịch thu lại đất, đồng thời không trả lại 100.000 NDT (khoảng 341 triệu đồng) mà ông Dương đặt cọc. Không đồng ý với việc làm này, người đàn ông này đã khởi kiện hợp tác xã kinh tế ra tòa án.
Theo thông tin được các đương sự cung cấp, 7 người tham gia đấu thầu đều ký giấy cam kết tham gia đấu thầu. Sau khi nhận được bằng văn bản thông báo trúng thầu, ông không nộp tiền đúng với thời gian đã thỏa thuận với lý do hợp tác xã không trả lại một nửa số tiền đặt cọc. Bên cạnh đó, ông Dương lập luận rằng đối phương chưa giải phóng mặt bằng khi người trước hết hạn thuê. Theo ông, thực tế khu đất không đúng với thông tin được hợp tác xã cung cấp nên không đồng ý ký hợp đồng.
Sau khi được thúc giục bằng văn bản, ông Dương vẫn từ chối thỏa hiệp. Sau đó, hợp tác xã đã gửi thư thông báo rằng ông Dương trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng nên coi như đương nhiên từ bỏ tư cách trúng thầu. Như vậy hợp tác xã sẽ tổ chức lại việc đấu thầu và tịch thu 100.000 NDT tiền đặt cọc của ông.
Tại tòa án, nguyên đơn là ông Dương cho rằng hợp tác xã cũng có trách nhiệm trong việc đôi bên không thể ký hợp đồng thống nhất. Do đó, bị đơn không có quyền tịch thu tiền đặt cọc. Ông yêu cầu hợp tác xã trả lại tiền đặt cọc và lãi.
Tòa sơ thẩm cho rằng ông Dương không cung cấp được đầy đủ chứng cứ để chứng minh rằng trong quá trình giao kết hợp đồng giữa hai bên, hợp tác xã kinh tế đã vi phạm nguyên tắc thiện chí gây thiệt hại. Với lý do đó, hợp tác xã không cần phải trả lại số tiền đặt cọc 100.000 NDT.
Không đồng ý với phán quyết này, ông Dương đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Phật Sơn. Tòa án nghiên cứu giấy cam kết tham gia đấu thầu và xác nhận ông Dương đã ký vào đây. Ông bị ràng buộc bởi hợp đồng này.
Trong giấy cam kết tham gia đấu thầu có nội dung "Nếu trúng thầu, tiền đặt cọc sẽ tự động chuyển thành tiền thuê đất" và "Đồng ý cho thuê theo hiện trạng khu và điều kiện thuê đất". Do đó, việc hợp tác xã tịch thu số tiền này hoàn toàn không vi phạm thỏa thuận.
Việc không yêu cầu người thuê ban đầu dọn dẹp tài sản khi hết hạn hợp đồng là phù hợp với thông lệ giao dịch. Giấy cam kết tham gia đấu thầu không quy định cụ thể thời gian giao hàng và thời điểm bắt đầu thuê, chỉ rõ vấn đề này cần được thương lượng, xác định khi hai bên ký hợp đồng thuê chính thức.
Tóm lại, tòa án ra phán quyết hợp tác xã kinh tế không cần phải trả lại 100.000 NDT tiền đặt cọc và lãi cho ông Dương.
Theo 163