Câu chuyện kỳ lạ về Trạng Cháy: Ngày vinh quy bái tổ vẫn phụ mẹ vớt bèo

Lê Thái Dũng |

Nguyễn Quán Nho được dân gian yêu quý gọi là Quan Nghè vớt bèo hay Trạng Cháy. Không chỉ là vị quan có đức, có tài, thương dân mà ông còn là một tấm gương của sự hiếu kính.

Rằm tháng Bảy theo dân gian là ngày xá tội vong nhân; đây cũng lại là ngày đại lễ Vu Lan theo văn hóa Phật giáo. Ngày này gắn liền với tinh thần báo hiếu, báo ân, cầu siêu cho những vong hồn không nơi nương tựa. Để độc giả có thêm tri thức về truyền thống văn hóa tốt đẹp này của dân tộc, chúng tôi đăng tải loạt bài: Vu Lan - Đạo Hiếu trong sử Việt.

* Bài 1: Vì sao đại lễ Vu Lan đầu tiên trong sử sách có từ 901 năm trước, cầu siêu cho bà Ỷ Lan?

* Bài 2: Vị vua chí hiếu trong sử Việt, khiến Phật hoàng Trần Nhân Tông 'thấy thẹn'

* Bài 3: Vị hòa thượng ngày ngày đi mua thịt cá nhưng vẫn được vua Tự Đức khen thưởng

* Bài 4: Vị vua tổ chức lễ Vu Lan nhiều nhất trong lịch sử: Cầu siêu cho tử sĩ vô danh

* Bài 5: Trạng nguyên lừng danh nước Việt dựng bảo tháp tại ngôi chùa cổ kính, cứu mẹ bị đọa đày

Xuất xứ tên gọi Trạng Cháy

Nguyễn Quán Nho (1638 - 1708) người làng Vạn Hà, huyện Thụy Nguyên, trấn Thanh Hoa (nay là huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá). Mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo nên gia đình luôn trong cảnh túng thiếu, mẹ ông phải đi làm thuê, cuốc mướn tần tảo nuôi con nhưng vẫn không đủ ăn.

Do không có điều kiện đi học nên khi đi chăn trâu, làm ruộng về, ngang qua lớp học của thầy đồ làng, Nguyễn Quán Nho thường đứng nấp bên ngoài, vừa áp tai vào vách nghe lỏm lời giảng, vừa lấy que vạch xuống đất tập viết.

Không có tiền mua giấy bút, Nguyễn Quán Nho dùng que gai làm bút, lấy lá chuối làm giấy, lấy vỏ trứng bắt đom đóm bỏ vào trong để làm đèn học buổi đêm. Ông thầy đồ làng thấy Quán Nho có chí học tập, thông minh, sáng dạ nên rất yêu mến thường chỉ dạy thêm, lại cho giấy bút và ít nhiều tiền bạc để mua giấy mực, mua dầu thắp đèn.

Câu chuyện kỳ lạ về Trạng Cháy: Ngày vinh quy bái tổ vẫn phụ mẹ vớt bèo - Ảnh 2.

Chăm chỉ học hành. Hình minh họa

Có những năm mùa đông tháng giá kéo dài, nhà không còn cái ăn nên Nguyễn Quán Nho đành phải đến những nhà khá giả trong làng giả cách mượn nồi, niêu về nấu nhưng thực ra là để vét những cơm thừa, miếng cháy dính trong nồi… Hàng xóm thấy lạ là khi Quán Nho trả nồi bao giờ nồi cũng sạch bong, họ dần hiểu chuyện, nhiều người khi cho mượn nồi cố tình để lại nhiều cơm cháy cho hai mẹ con.

Mặc dù cuộc sống rất khó khăn nhưng được mẹ và bà con làng xóm khuyến khích giúp đỡ khiến Nguyễn Quán Nho quyết chí học tập, theo đòi nghiên bút. Quả nhiên trời không phụ lòng người, năm 30 tuổi ông đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Đinh Mùi (1667) đời Lê Huyền Tông.

Sau này khi đã làm quan to trong triều, Nguyễn Quán Nho mỗi lần về thăm quê đều nhắc lại ơn cưu mang, giúp đỡ của người làng, còn người dân cũng từ câu chuyện ấy mà dù ông không đỗ Trạng nguyên, chỉ đỗ tiến sĩ nhưng người dân làng Vãn Hà vẫn gọi ông là Trạng Cháy- tiếng gọi thân thương khi nói về Nguyễn Quán Nho, người mà tên tuổi đã đi vào lịch sử và thơ ca dân gian.

Nguồn gốc biệt danh "ông Nghè vớt bèo"

Nguyễn Quán Nho không may mắn khi sinh ra trong gia đình nghèo khó, lại sớm mồ côi cha… nhưng ông may mắn có một người mẹ tuyệt vời. Bà sớm khuya tần tảo, lo toan vất vả cực nhọc để nuôi con lên người.

Sử sách không nhắc đến tên họ của bà, nhưng những lời ngợi khen người con trai tài đức cũng chính là sự gián tiếp khen ngợi người phụ nữ ấy, bởi "phúc đức tại mẫu"; Nguyễn Quán Nho danh vang khắp chốn là nhờ vào phần rất lớn công dạy bảo của bà.

Từ nhỏ Nguyễn Quán Nho được người mẹ quê mùa ấy rèn cặp từ lời ăn tiếng nói, từ cách ứng xử cho đến niềm tin, sự hi vọng, tính kiên cường vượt khó… Thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, chia sẻ với sự vất vả của mẫu thân mà Nguyễn Quán Nho đã nỗ lực hết sức. Sự thành công của ông có được từ sự dạy bảo của mẹ, sự giáo dục của thầy học, sự cố gắng của bản thân.

Giai thoại còn kể rằng, hôm Nguyễn Quán Nho vinh quy bái tổ về làng, trong khi chức dịch và dân chúng tấp nập kiệu cáng, cờ quạt rước xách để chào đón thì mẹ ông vẫn bình thản ra ao làng vớt bèo về nuôi lợn, lý trưởng làng Vạn Hà mời bà về dự lễ nhưng bà gạt đi mà nói rằng:

- Thi đỗ là việc của con tôi, còn tôi còn đang bận vớt bèo!

Khi đám rước về đến làng, Nguyễn Quán Nho nghe kể lại chuyện ấy liền vội vàng xuống khỏi võng điều, cởi áo gấm, phẩm phục, nhanh chân đi ra ao làng xắn quần, cầm gậy gom bèo lại vớt cùng mẹ cho đến khi đầy rổ hai mẹ con mới về dự tiệc cùng làng. Về sau ca dao xứ Thanh có câu thành ngữ "Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy" là nói đến sự việc này.

Câu chuyện kỳ lạ về Trạng Cháy: Ngày vinh quy bái tổ vẫn phụ mẹ vớt bèo - Ảnh 3.

Quan Nghè vớt bèo

Về sau ông nghè ấy đã trở thành người xứng đáng với những gì mà người mẹ gửi gắm, xứng đáng với những gì mà triều đình và dân chúng mong đợi. Thật đúng như sâu viết về ông:

Mậu Dần quý mệnh,

Định vị cao khoa.

Khoan hậu thành sác,

Cương chính ôn hòa.

Trung quân ái quốc,

Bỉnh đạo tặc tà.

Yểu nhân chân tượng,

Lương đống hoàng gia.

Nghĩa là:

Sinh năm Mậu Dần,

Đỗ năm Đinh Mùi.

Luôn sống hiền hòa,

Thẳng thắn, mềm mỏng.

Trung vua yêu nước,

Ghét bọn gian tà.

Rõ ràng hình ảnh,

Trụ cột hoàng gia.

Tâm niệm những lời hiền mẫu dạy

Nguyễn Quán Nho luôn ghi nhớ lời mẹ dạy rằng: "Người làm con phải giữ đạo hiếu, người làm dân phải giữ lòng trung với vua với nước; người làm quan phải giữ lòng nhân và đức thanh liêm. Có như vậy mới không hổ danh làm người, tránh để tiếng xấu đến muôn đời".

Những lời dạy ấy vẫn được ông khắc cốt ghi tâm. Sau khi đỗ đạt, bước vào chốn quan trường, với tài năng và đức độ của mình, Nguyễn Quán Nho lần lượt kinh qua nhiều chức vụ cao cấp, từ Phó đô Ngự sử (1684); Tả Thị lang Bộ Lại (1691) lên đến chức Thượng thư Bộ Binh rồi Thượng thư Bộ Lại (1692); tới năm 56 tuổi ông được vào làm Tham tụng (Tể tướng), tước Hương Giang bá; lại năm lần đi sứ Trung Quốc, làm quan trải mấy đời vua.

Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết rằng ông "tính giản dị, việc gì cũng không giấu giếm…giữ đại thể, xử sự đều khoan hậu, thiên hạ được nhờ".

Câu chuyện kỳ lạ về Trạng Cháy: Ngày vinh quy bái tổ vẫn phụ mẹ vớt bèo - Ảnh 4.

Làm quan phải giữ đức thanh liêm

Ban đầu của đường quan lộ, Nguyễn Quán Nho được bổ làm quan ở Ninh Bình, công việc bận bịu ông không về thăm mẹ được nên gom góp tiền bổng lộc sắm cho mẹ già chiếc áo lụa nhân dịp Tết, sai lính đem về. Mẹ ông giở ra thấy tấm áo cả đời khó nhọc bà chưa từng được mặc, nhưng bà tỏ ra không vui vì nghĩ đây là của bất chính, bà bảo:

- Bổng lộc của quan là dầu mỡ của dân hay sao?

Nói rồi bà châm lửa đốt tấm áo, gói nắm tro gửi lại cho quan nghè. Mở gói quà chỉ còn nắm tro, Nguyễn Quán Nho hiểu thâm ý của mẹ rằng làm quan phải sống thanh liêm, không được bòn rút đục khoét của dân lành.

Suốt đời ông thực hiện đúng lời mẹ dặn và bản thân không bao giờ quên ơn những người đã giúp đỡ mình, sau này khi đã làm quan to trong triều, mỗi lần về thăm quê Nguyễn Quán Nho đều nhắc lại ơn cưu mang của người làng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại