Rằm tháng Bảy theo dân gian là ngày xá tội vong nhân; đây cũng lại là ngày đại lễ Vu Lan theo văn hóa Phật giáo. Ngày này gắn liền với tinh thần báo hiếu, báo ân, cầu siêu cho những vong hồn không nơi nương tựa. Để độc giả có thêm tri thức về truyền thống văn hóa tốt đẹp này của dân tộc, chúng tôi đăng tải loạt bài: Vu Lan - Đạo Hiếu trong sử Việt.
* Bài 1: Vì sao đại lễ Vu Lan đầu tiên trong sử sách có từ 901 năm trước, cầu siêu cho bà Ỷ Lan?
1.
Trần Anh Tông (1276-1320) là vị vua thứ tư của nhà Trần, được đời sau khen là vị vua chí hiếu, luôn lắng nghe lời dạy bảo của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Thái hậu. Lên làm vua năm 1293 khi đã 17 tuổi, tức là đã đủ tuổi trưởng thành, nhưng nhà vua kính cẩn tuân theo mọi sự dạy bảo của các đấng thân sinh.
Đại Việt sử ký toàn thư viết chuyện xảy ra năm 1295: Sau khi Khâm Từ Hoàng thái hậu (mẹ đẻ của vua Anh Tông và là con gái Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, qua đời), Tuyên từ Thái hậu là mẹ kế (cũng là con của Hưng Đạo vương nên là dì ruột của vua) quản mọi việc trong cung. Thái hậu tính người khó khăn nóng nảy, dạy bảo nhà vua rất nghiêm, mà vua vâng theo rất kính cẩn. Thượng hoàng nói với vua rằng: "Cha thẹn xưng là Hiếu Hoàng, nên dùng danh hiệu ấy để gọi Quan gia thì phải".
Vua Trần Nhân Tông cũng vốn là một người chí hiếu. Toàn thư khen Nhân Tông "thờ Từ Cung (thái hậu) làm sáng đạo hiếu" và chép câu chuyện khi vua cha của Nhân Tông là Trần Thánh Tông mất mới được 3 tháng, Ngự sử đại phu Đỗ Quốc Kế tâu rằng: "Phàm để tang không làm tổn thương người sống. Thiên tử dùng kiệu khiêng là người sống bị tổn thương, xin hãy cưỡi ngựa". Vua liền nghe theo, chỉ dùng yên trắng mà không dùng kiệu nữa.
Tuy nhiên sử thần Ngô Sĩ Liên phê phán rằng: Trong tang chế thời xưa thì cưỡi ngựa là điều không nên. Còn làm tổn thương người khác là hủy diệt thân thể, diệt sinh mạng, như đánh đập, roi vọt. Thế mà ngự sử lại bảo đi ngựa là tổn thương người sống thì học vấn và kiến thức của ngự sử đều kém. Còn vua nghe theo thì quả là vì quá thương xót vua cha mà thôi.
Trần Anh Tông khi lên làm vua xưng là Anh Hoàng, còn vua cha là Nhân Tông từng xưng là Hiếu Hoàng, nên mới có câu khen kể trên.
Chuyện Nhân Tông nghiêm khắc và Anh Tông chí hiếu nổi tiếng nhất là việc Thượng hoàng quở phạt Quan gia vì say rượu. Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng năm 1299, Thượng hoàng từ Phủ Thiên Trường trở về kinh sư. Các quan trong triều không ai biết cả, vua thì uống rượu xương bồ say ngủ trong điện.
Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp cung điện suốt cả buổi sáng. Đến khi cung nhân dâng bữa trưa, Thượng hoàng nhìn không thấy vua, lấy làm lạ, hỏi Quan gia ở đâu. Cung nhân vào trong nội đánh thức, nhưng vua mãi không tỉnh. Thượng hoàng nổi giận, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngày mai phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.
Đến giờ Mùi (đầu giờ chiều), vua Anh Tông mới tỉnh, nghe cung nhân kể việc đó, vua hốt hoảng ra khỏi cung, may gặp học sinh Đoàn Nhữ Hài, nhờ làm giúp bài biểu tạ tội, rồi lấy thuyền nhẹ đi ngay về Thiên Trường đến sáng sớm mới tới.
Cũng nhờ Đoàn Nhữ Hài kiên trì quỳ ở sân dâng biểu suốt từ sáng đến chiều, cả khi mưa gió mà Thượng hoàng mới nhận biểu, rồi gọi vua vào bảo rằng: "Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được, Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi là sau này", rồi xuống chiếu cho Anh Tông làm vua như cũ. Từ đó, Trần Anh Tông quyết tâm bỏ rượu.
Sau đó, Thượng hoàng yên tâm xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, khởi đầu cho dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử của nước ta.
Có lẽ lời răn việc uống rượu theo vua Anh Tông suốt đời. Đại Việt Sử ký Toàn thư còn chép sự kiện, khi Thượng hoàng gợi ý Anh Tông chọn Nội thị Chánh chưởng Nguyễn Quốc Phụ làm Hành khiển, Anh Tông đã từ chối, nói rằng: "Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì Quốc Phụ được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!". Nghe vậy, Thượng hoàng cũng không nhắc gì đến chuyện đó nữa.
Trần Anh Tông ở ngôi 21 năm, sau đó nhường ngôi cho con trai là Minh Tông để làm Thái thượng hoàng, năm sau mới mất, thọ 45 tuổi.
2.
Một chuyện nữa kể về tính hiếu của Trần Anh Tông là việc chôn cất Thái hậu. Chuyện rằng khi còn sống, Trần Nhân Tông dặn Anh Tông sau này khi dì (tức Tuyên Từ Thái hậu) mất thì đem chôn cạnh lăng vua cha, lại còn vẽ bản đồ chôn cất làm huyệt hình thước thợ trao cho con. Đến khi an táng thái hậu, đất lăng nhiều bùn lầy, tiếng đắp đất vang khắp cả vườn lăng.
Các quan sợ hãi, tâu rằng không nên kinh động đến lăng tẩm, nhưng Anh Tông nói: "Tiên đế đã có mệnh lệnh, ta không dám trái. Nếu có tổn hại, ta sẽ chịu lấy".
Và sau khi chôn thái hậu không được bao lâu thì Anh Tông cũng bị bệnh rồi qua đời.
Vì những đức tính hiếu thảo như vậy, sau khi an táng Anh Tông, bề tôi dâng tôn hiệu là Ứng Thiên Quảng Vận Nhân Minh Thánh Hiếu Hoàng Đế.
Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng khen rằng: "Tôi đọc sử chép về Anh Tông thấy nhà vua đổi lỗi không ngần ngại, thờ đấng thân sinh rất kính cẩn, hòa thuận với họ hàng, tôn tiên tổ tiên tỉ làm đế, làm hậu, trọng việc cúng tế, quý việc chôn cất, đều làm phải đạo cả. Ở trong nhà phải đủ làm khuông phép, rồi người ngoài mới bắt chước mà làm. Cho nên trên thì Nhân Tông khen là hiếu, dưới thì Minh Tông cũng theo khuôn phép".
* Đón đọc bài tiếp theo: Vị hòa thượng ngày ngày đi mua thịt cá nhưng vẫn được vua Tự Đức khen thưởng