Vì sao đại lễ Vu Lan đầu tiên trong sử sách có từ 901 năm trước, cầu siêu cho bà Ỷ Lan?

Lê Tiên Long |

Sử sách nước ta ghi nhận vị vua Việt Nam đầu tiên tổ chức lễ Vu Lan là Lý Nhân Tông, và lễ Vu Lan đầu tiên đó được tổ chức để cầu siêu cho mẹ vua là Thái hậu Linh Nhân (tức Nguyên phi Ỷ Lan).

Rằm tháng Bảy theo dân gian là ngày xá tội vong nhân; đây cũng lại là ngày đại lễ Vu Lan theo văn hóa Phật giáo. Ngày này gắn liền với tinh thần báo hiếu, báo ân, cầu siêu cho những vong hồn không nơi nương tựa. Để độc giả có thêm tri thức về truyền thống văn hóa tốt đẹp này của dân tộc, chúng tôi đăng tải loạt bài: Vu Lan - Đạo Hiếu trong sử Việt.

Thời kỳ Phật giáo hưng thịnh

Lý Nhân Tông lên ngôi năm 1072 để thay thế vua cha Lý Thánh Tông, khi đó ông mới 7 tuổi. Do ảnh hưởng của cha mẹ nên nhà vua cũng là người chuộng đạo Phật. Sử nước ta cũng cho biết nhà vua là người rất hiếu thảo với mẹ đẻ là Thái hậu Linh Nhân.

Việc chuộng đạo Phật trong thời Lý Thánh Tông có thể thấy rõ trong sự kiện diễn ra tháng 2 năm Thiên Huống Bảo Tượng thứ 2 (1069), khi nhà vua thân đi đánh Chiêm Thành, để Nguyên phi Ỷ Lan giúp việc nội trị ở kinh thành.

Trận này vua đánh mãi không được, rút quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp, trong cõi yên tĩnh, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua mới nói với các tướng đi theo rằng: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?". Rồi vua đem quân quay lại đánh nữa, lần này thắng được, bắt được vua Chiêm là Chế Củ và dân chúng tới 5 vạn người.

Vua Lý Thánh Tông cũng có lòng thương yêu đến hết thảy dân chúng. Có lần trời rét, vua xót thương những người tù đang bị giam trong ngục, chưa biết rõ ngay gian thế nào mà ăn không no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, nên đã sai quan phát chăn chiếu và mỗi ngày hai lần phát cơm cho ăn. Đức nhân ái này đã được di truyền và ảnh hưởng sang Hoàng thái tử Càn Đức, và vua Nhân Tông sau này.

Năm 1071, khai bút đầu xuân, vua Lý Thánh Tông đã viết bia chữ "Phật" dài tới 1 trượng 6 thước đặt ở chùa Tiên Du.

Sau khi lên ngôi thay vua cha, ngay trong năm trị vì đầu tiên, vua Lý Nhân Tông đã được Linh Nhân Thái hậu dẫn đi xem lễ tắm Phật tổ chức ngày 8 tháng 4 âm lịch (ngày đức Phật đản sinh theo phái Bắc tông), rồi rước Phật Pháp Vân về kinh đô để cầu chấm dứt mưa dầm.

Tuy nhiên, do vua còn nhỏ nên vua đã làm một chuyện không hợp với đạo lý. Đó là việc vua đã nghe lời mẹ là Linh Nhân Hoàng Thái hậu, sai giam Thượng Dương Thái hậu và 76 người thị nữ rồi bức phải chết, chôn theo lăng Thánh Tông. 

(Về câu chuyện này, có tài liệu chép việc là do Linh Nhân Thái hậu ghen tị với Thượng Dương Thái hậu (mẹ đích của vua Nhân Tông, tức vợ cả của vua Thánh Tông) được buông rèm nghe chính sự, nên đã phàn nàn với vua. Lại có tài liệu ghi chuyện chính Thượng Dương Thái hậu khi còn là Hoàng hậu đã đoạt con (sau này là vua Nhân Tông), hãm hại của Nguyên phi Ỷ Lan, và sau này bà Ỷ Lan trả mối thù xưa).

Chuộng đạo Phật, vua Nhân Tông cũng là người phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư, để hỏi việc nước, như Lê Đại Hành với Quốc sư Ngô Khuông Việt. Nhà vua cũng cho chỉnh trang chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) với quy mô lớn gấp nhiều lần ngày nay, bằng việc làm thêm hai tháp chỏm trắng trên nóc chùa, vét hồ Liên Hoa đài dưới chân cột chùa, gọi là hồ Linh Chiểu, làm hành lang chạm vẽ xung quanh, ngoài hành lang đào thêm hồ gọi là Bích Trì, bắc cầu vồng để đi qua.

Hằng tháng, vào các ngày rằm, mồng một, cùng ngày 8 tháng 4, vùa Lý Nhân Tông đều ngự đến chùa Diên Hựu, đặt lễ cầu sống lâu, bày nghi thức tắm Phật.

Năm 1115, Thái hậu Linh Nhân thấy Lý Thánh Tông lớn tuổi mà chưa có con, đã cho dựng hơn trăm chùa thờ Phật ở khắp vùng Bắc Ninh. Các sử quan ghi lời tục truyền về việc Thái hậu Linh Nhân hối hận chuyện giết Thượng Dương thái hậu và các thị nữ, nên làm chùa Phật để sám hối rửa oan.

Vì sao đại lễ Vu Lan đầu tiên trong sử sách có từ 901 năm trước, cầu siêu cho bà Ỷ Lan? - Ảnh 2.

Tượng bà Ỷ Lan ở Gia Lâm ngày nay.

Lễ Vu Lan đầu tiên được sử sách ghi lại

Đại Việt sử ký toàn thư viết một chuyện về tính hiếu thảo, nghe lời mẹ và thương dân của Lý Nhân Tông. Đó là chuyện Thái hậu thấy nhiều kẻ vô lại lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp khiến trăm họ cùng quẫn, mấy nhà phải cày chung một con trâu, nên nói với vua tìm biện pháp xử nặng. Vua liền xuống chiếu lệnh rằng kẻ nào trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp (bắt phục dịch trong quân đội), vợ cũng bị đánh 80 trượng, đồ làm tang thất phụ (người phục dịch ở nhà nuôi tằm của nhà nước) và bồi thường trâu.

Lệnh này tiếp tục được vua Nhân Tông bổ sung vào năm 1124, khi nhà vua xuống chiếu viết: "Trâu là vật quan tọng cho việc cày cấy, lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà phải kết với nhau thành một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái sẽ bị trị tội theo pháp luật".

Năm 1117, Linh Nhân Thái hậu băng, vua thương tiếc, cho hỏa táng theo nghi thức đạo Phật. Tuy nhiên, vua còn bắt 3 người thị nữ chôn theo, điều này khiến nhà viết sử Ngô Sĩ Liên phải thắc mắc bình luận: "Hỏa táng là theo Phật giáo, còn tuẫn táng (bắt người chôn theo) là tục nhà Tần, Nhân Tông làm cả hai việc ấy, thì chắc là nghe theo lời dặn của thái hậu chăng?". (Đến khi Nhân Tông băng, thì triều đình cũng bắt các cung nữ lên giàn thiêu để chết theo).

Sau khi táng Thái hậu ở Thọ lăng, tháng 7 năm 1118, ngày rằm là tiết Trung nguyên, vua Lý Nhân Tông đã cho bãi cỗ bàn vẫn thường đãi các quan theo lệ cũ, vì ngày đó làm lễ Vu Lan bồn cho Linh Nhân Hoàng thái hậu, cầu cứu khổ cho thái hậu dưới cửu tuyền.

Vì sao đại lễ Vu Lan đầu tiên trong sử sách có từ 901 năm trước, cầu siêu cho bà Ỷ Lan? - Ảnh 3.

Tượng vua Lý Nhân Tông ở Văn Miếu.

Đây là lần đầu tiên, Đại Việt sử ký toàn thư viết về một lễ Vu Lan bồn do nhà vua chủ trì. Ngô Sĩ Liên từng kết luận, Nhân Tông là vị vua nhân hiếu, còn Linh Nhân thái hậu là người sùng Phật, nên tổ chức một lễ Vu Lan bồn như vậy cũng là lẽ dĩ nhiên.

Vua Lý Nhân Tông ở ngôi được tới 56 năm, thọ 63 tuổi, nhưng không có con, phải lập Dương Hoán, con trai của Sùng Hiền Hầu (Sùng Hiền Hầu là em trai vua Nhân Tông) làm Thái tử, sau nối ngôi, tức vua Lý Thần Tông.

* Đọc bài tiếp theo: Vị vua chí hiếu, khiến Phật hoàng Trần Nhân Tông 'thấy thẹn'

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại