Trạng nguyên lừng danh nước Việt dựng bảo tháp tại ngôi chùa cổ kính, cứu mẹ bị đọa đày

Lê Thái Dũng |

Mạc Đĩnh Chi được xem là một trong những trạng nguyên thông minh nhất lịch sử. Ông nổi tiếng với tài đức của mình. Tuy nhiên, có 1 giai thoại kỳ lạ ít người biết về Mạc Đĩnh Chi.

Rằm tháng Bảy theo dân gian là ngày xá tội vong nhân; đây cũng lại là ngày đại lễ Vu Lan theo văn hóa Phật giáo. Ngày này gắn liền với tinh thần báo hiếu, báo ân, cầu siêu cho những vong hồn không nơi nương tựa. Để độc giả có thêm tri thức về truyền thống văn hóa tốt đẹp này của dân tộc, chúng tôi đăng tải loạt bài: Vu Lan - Đạo Hiếu trong sử Việt.

* Bài 1: Vì sao đại lễ Vu Lan đầu tiên trong sử sách có từ 901 năm trước, cầu siêu cho bà Ỷ Lan?

* Bài 2: Vị vua chí hiếu trong sử Việt, khiến Phật hoàng Trần Nhân Tông 'thấy thẹn'

* Bài 3: Vị hòa thượng ngày ngày đi mua thịt cá nhưng vẫn được vua Tự Đức khen thưởng

* Bài 4: Vị vua tổ chức lễ Vu Lan nhiều nhất trong lịch sử: Cầu siêu cho tử sĩ vô danh

Mạc Đĩnh Chi là vị Trạng nguyên nổi tiếng thời Trần với rất nhiều giai thoại về tài đối đáp, đức thanh liêm của ông. Tuy nhiên có một giai thoại kỳ lạ ít ai hay liên quan đến ngôi chùa Dâu ở xứ Kinh Bắc, nơi quan Trạng đứng ra xây cầu, dựng tháp tạo phúc, tạ tội để cứu mẹ mình đang bị hành tội ở địa ngục.

Mạc Đĩnh Chi tên tự là Tiết Phu, người xã Lũng Động, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, lộ Hải Đông (nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Giáp Thìn (1304) đời Trần Anh Tông. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng với nghị lực phi thường và tư chất thông minh, trác việt…

Khi Mạc Đĩnh Chi vào bái yết, thấy ông tướng mạo xấu xí (tục truyền giống khỉ), thân hình bỏ bé, lùn, da đen, mồm rộng, mũi tẹt, trán dô… nên vua không muốn cho đỗ Trạng nguyên. Biết ý, ông bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên (sen trong giếng ngọc) để bày tỏ phẩm cách của mình, Trần Anh Tông xem xong khen ngợi mới cho ông đỗ Trạng. Cũng vì hình dáng đó nên người ta gọi ông là Trạng Hầu (Trạng Khỉ).

Mặc dù tướng mạo xấu nhưng Mạc Đĩnh Chi làm quan nổi tiếng liêm khiết, trong sạch, sống thanh bạch, giản dị; trí tuệ và tài năng của ông thể hiện xuất sắc hết lòng vì việc nước khiến người phương Bắc cũng phải khâm phục, nể trọng. Trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí có lời khen về sự thanh liêm của ông như sau:

"Ông làm quan to rất liêm khiết, thẳng thắn. Trần Minh Tông có lần sai người đem 10 quan tiền đem đến đặt ở cửa; ông vào chầu liền đem việc ấy tâu lên. Đối với tiền tài, không có cẩu thả như thế, còn lời thơ thì thanh thoát, đáng ngâm".

Nhiều tài liệu khi viết về Mạc Đĩnh Chi đều khen ngợi tài năng, trí tuệ, phẩm cách cao đẹp, trong sáng của ông cũng như thuật lại những giai thoại liên quan đến bậc tài danh này.

Đặc biệt có một câu chuyện ly kỳ, huyền ảo thể hiện tấm lòng đạo hiếu của quan Trạng với người mẹ đã khuất của mình, một câu chuyện mà chúng ta thấy thấp thoáng những chi tiết đầy cảm động tương tự câu chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp Ngạ quỷ và theo lời Phật dạy thực hiện phương pháp báo hiếu, mở đầu cho một nghi lễ quan trọng vào dịp tháng 7 âm lịch, được mô tả trong kinh Vu Lan bồn.

Theo sách Thần quái hiển linh lục được soạn vào năm Minh Mạng thứ 5 tức năm Giáp Thân (1824) có đoạn ca ngợi như sau: "Mạc Đĩnh Chi tuy hiển quý nhưng vẫn giữ nếp sống bần hàn, cho nên để lại phúc lành cho con cháu, đời đời là bậc hào kiệt vùng Đông Hạ… Học vấn của Đĩnh Chi đứng đầu đám nhà nho với danh khôi lưỡng quốc.

Từ thời Trần tới nay đã hơn năm trăm mà từ kẻ nông phu, ông già nơi thôn dã đến trẻ nhỏ, đàn bà đều biết danh tiếng ông; kể sự tích thì hiển hách như việc đang diễn ra trước mắt; đọc thơ văn của ông thì thấy lẫm liệt như đang sống. Đúng là có thể nói, Mạc Đĩnh Chi là người đặc biệt của trăm đời".

Phần cuối của bài viết về Mạc Đĩnh Chi trong sách Thần quái hiển linh lục còn chú rằng: "Xét sử truyền rằng, Mạc Đĩnh Chi sinh giờ Thân, ngày mồng 8 tháng 6 năm Giáp Thân (1284). Nay không thể khảo được. Có một truyện Quốc ngữ [truyện Nôm] kể rằng, ông gặp cô Bảy dẫn đi xem Minh ti [Âm phủ]. Truyện đó quái đản, Song nghe các bậc tiền bối nói rằng ông có viết bài văn quốc ngữ để ghi lại việc này. Nay, bài văn này không còn, cho nên không dám ghi vài đây".

Câu chuyện lạ mà sách Thần quái hiển linh lục nhắc đến được lưu truyền trong dân gian ở Thuận Thành thuộc vùng Kinh Bắc xưa, nay là một huyện của tỉnh Bắc Ninh và gắn liền với một di tích rất nổi tiếng đó là chùa Dâu.

Trạng nguyên lừng danh nước Việt dựng bảo tháp tại ngôi chùa cổ kính, cứu mẹ bị đọa đày - Ảnh 2.

Chùa Dâu có tên là chùa Cổ Châu, lại có các tên khác là chùa Pháp Vân, chùa Diên Ứng, chùa Thiền Định. Đây là một ngôi cổ tự được coi là có lịch sử lâu đời nhất, một tổ đình Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.

Chùa được xây dựng vào thời Bắc thuộc (thế kỷ II, giai đoạn thuộc Hán) tại một vùng đất có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải nên gọi là vùng Dâu, làng Dâu và ngôi chùa cũng được gọi dân dã là chùa Dâu.

Mặc dù quy mô ban đầu khá khiêm tốn, nhưng chùa Dâu là nơi nhiều bậc cao tăng đã đến giảng dạy, thuyết pháp và trụ trì như Mâu T ử, Khương Tăng Hội, Ma Ha Kỳ Vực, Tỳ Ni Đa Lưu Chi…

Đến đời Trần, chùa Dâu được mở rộng quy mô hơn, đặc biệt là từ sự kiện vào năm Qúy Sửu (1313) Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đứng ra chủ trì hưng công, tạo cảnh quan to đẹp. Lúc đó chùa có kiến trúc "nội công, ngoại quốc", có trăm gian, có tháp 9 tầng, cầu 9 nhịp kiểu "thượng gia hạ kiều" (cầu có mái)… Trong sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Bắc Ninh có ghi: "Đời Trần, Mạc Đĩnh Chi dựng chùa trăm gian, tháp 9 tầng và cầu 9 nhịp; nền cũ nay vẫn còn".

Sách Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí cũng viết: "Chùa Thiền Định ở xã Khương Tự, Siêu Loại phụng thờ Phật Pháp Vân. Tương truyền Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi dựng chùa trăm gian, xây tháp 9 tầng, cầu 9 nhịp. Nay còn di tích".

Trạng nguyên lừng danh nước Việt dựng bảo tháp tại ngôi chùa cổ kính, cứu mẹ bị đọa đày - Ảnh 3.

Tượng thờ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ở chùa Dâu

Tác giả Cao Xuân Dục, một đại quan cuối triều Nguyễn trong cuốn sách Viêm Giao trưng cổ ký có chép tương tự như sau: "Chùa Diên Ứng: Chùa ở xã Khương Đình, huyện Siêu Loại. Chùa thờ tượng Tứ pháp là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Vào triều Trần, Mạc Đĩnh Chi xây dựng ngôi chùa có trăm gian, tháp 9 tầng. Di tích nay vẫn còn"…

Có thể thấy sự kiện Mạc Đĩnh Chi trùng tu, xây dựng thêm nhiều công trình ở chùa được nhiều tư liệu thuật lại. Ghi nhớ công lao của ông, nên sau khi quan Trạng qua đời, người dân đã đắp tượng đưa vào thờ phụng trong chùa, đến nay vẫn còn hương khói.

Sở dĩ Mạc Đĩnh Chi làm việc công đức này do có liên quan đến một giai thoại lạ kỳ rằng mẹ ông Trạng Mạc đang bị hành tội dưới địa ngục vì làm việc tội lỗi.

Mạc Đĩnh Chi hỏi làm cách nào để có thể cứu mẹ thì được chỉ dẫn rằng phải xây tháp cao 9 tầng, làm cầu 9 nhịp, dựng chùa trăm gian và làm lễ cúng cầu siêu thì mới cứu được.

Mạc Đĩnh Chi lập đang cúng lễ, lại cho làm đồ mã mô hình chùa trăm gian, tháp 9 tầng, cầu 9 nhịp; khi cúng xong thì đem hóa. Ông lại bỏ tiền ra trùng tu chùa Dâu, mở rộng thành trăm gian, xây tòa tháp cao 9 tầng gọi là tháp Hòa Phong, lại làm cây cầu vào chùa Dâu với 9 nhịp để tạ tội cho mẹ, quả nhiên mẹ ông được tha khỏi địa ngục, không bị đầy đọa khổ cực nữa.

Trạng nguyên lừng danh nước Việt dựng bảo tháp tại ngôi chùa cổ kính, cứu mẹ bị đọa đày - Ảnh 4.

Tháp Hòa Phong chùa Dâu

Để tưởng nhớ vị Trạng nguyên vừa có tài, vừa có đức, vừa có hiếu; sau khi Mạc Đĩnh Chi mất, dân gian đã tạc tượng ông thờ ở trong chùa Dâu; hiện pho tượng vẫn đặt ở gian Thiêu hương, nếu đi từ ngoài vào chúng ta sẽ thấy tượng ở phía trái ban Tam Bảo.

Về công trình của Mạc Đĩnh Chi, qua thời gian với sự tàn phá của thiên nhiên và biến động của xã hội, dấu tích các công trình ấy chỉ còn thấy rõ nhất là sự tồn tại của tháp Hòa Phong. Tháp xưa cao đến nỗi dân gian có câu:

"Dù ai buôn đâu bán đâu,

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về".

Ngày nay, tháp chỉ còn có 3 tầng vì tháp cũ đã bị đổ nát, sập những tầng trên nên đến đời vua Lê Ý Tông (1735-1740) Thiền sư Tính Mộ và đệ tử xây dựng lại tháp và sửa chữa chùa. Tấm bia đá "Hòa Phong tháp bi ký" cho biết tháp được khởi dựng lại vào tháng 8 năm Đinh Tị (1737) và hoàn thành tháng 3 năm Mậu Ngọ (1738).

Tháp Hòa Phong là một biểu tượng của chùa Dâu và cũng là nơi gửi gắm ước nguyện của người dân, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa; chữ Hòa Phong là rút gọn từ câu Hòa cốc phong đăng. Đó cũng là công trình mà khi được chiêm ngưỡng, chúng ta sẽ nhớ đến tấm lòng hiếu nghĩa của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, người mà như trong tác phẩm Hải Dương phong vật khúc có ca ngợi rằng:

Thầy Lũng Động khá phen tộ trước,

Cõi doành châu sớm bước xênh xang.

Đã nên Nguyên soái văn chương,

Miệng dường nước chảy, dạ dường gấm thêu.

Văn phiến minh danh cao Yên Bắc,

Tiếng đồn xa Nam quốc hữu nhân.

Tang thương biến cải mấy lần,

Hương đàn đất cũ, mạch văn còn dài.

* Đón đọc bài tiếp theo: Câu chuyện kỳ lạ về Trạng Cháy: Ngày vinh quy bái tổ vẫn phụ mẹ vớt bèo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại