BBC ngày 5/6 đưa tin, ông Ron Rockwell Hansen, 58 tuổi, bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ hôm 2/6 khi đang trên đường tới sân bay Seattle để đáp máy bay tới Trung Quốc.
Cơ quan tư pháp nói rằng, ông Hansen đã cố gắng tuồn thông tin sang Trung Quốc và nhận được ít nhất 800.000 USD để làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Hansen đã đồng ý xuất hiện trước tòa để sau đó được trả về bang Utah – nơi ông ta sinh sống để đối mặt với hàng loạt cáo buộc.
Các cáo buộc nhằm vào Hansen
Ron Rockwell Hansen sống ở Syracuse, bang Utah bị cáo buộc cố gắng thu thập hoặc cung cấp thông tin quốc phòng cho một Chính phủ nước ngoài.
Có tổng cộng 15 cáo buộc khác, bao gồm làm gián điệp nhưng không báo cáo, buôn lậu tiền mặt số lượng lớn, gian dối trong giao dịch tiền tệ và buôn lậu hàng hóa…
Nếu bị kết án với tội danh làm gián điệp, ông Hansen có thể phải đối mặt với án chung thân.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers gọi những hành động bị cáo buộc của ông Hansen là "một sự phản bội an ninh quốc gia của chúng ta" và là "một sự sỉ nhục đối với các đồng nghiệp cũ của ông ta trong cộng đồng tình báo".
Trong khi đó, luật sư John Huber của bang Utah mô tả những cáo buộc nhằm vào Hansen là "rất đáng lo ngại".
Ron Hansen là ai?
Theo các tài liệu do Bộ Tư pháp Mỹ công bố, Ron Hansen Hansen từng làm trong lĩnh vực tín hiệu tình báo trong quân đội Mỹ và hiện đã nghỉ hưu. Thông thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Nga, năm 2006, Hansen được tuyển dụng làm nhân viên chiêu mộ và quản lý tài sản tình báo ở nước ngoài cho Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA).
Hansen có quyền tiếp cận thông tin tối mật trong rất nhiều năm và di chuyển liên tục từ Mỹ qua Trung Quốc từ năm 2013-2017. Ông này bị cáo buộc nhiều lần cố gắng truy cập lại vào hệ thống thông tin mật sau khi đã về hưu, chính điều này khiến chính quyền Mỹ chú ý đến những hành động mờ ám của Hansen.
DIA là gì?Cơ quan Tình báo Quốc phòng là một chi nhánh của Bộ Quốc phòng Mỹ. Cơ quan này chịu trách nhiệm phân tích và phổ biến trí thông minh nhân tạo trong lĩnh vực quân sự.
Trách nhiệm chính của cơ quan là cung cấp thông tin tình báo quân sự nước ngoài cho các nhiệm vụ chiến đấu của Mỹ. DIA được thành lập vào năm 1961 và hiện có khoảng 17.000 nhân viên.
Nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung?
Vụ bắt giữ Hansen xảy ra vào thời điểm được cho là "khó khăn" trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Mới đây, hôm 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cáo buộc Trung Quốc cố gắng đe dọa các nước láng giềng thông qua việc triển khai các tên lửa trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Một quan chức của quân đội Trung Quốc sau đó lên tiếng cho rằng, bình luận của ông Mattis là "vô trách nhiệm".
Các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa hai nước ở Bắc Kinh đã bị lu mờ khi hạn áp dụng mức thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đang đến gần.
Hồi cuối tháng trước, Nhà Trắng công bố kế hoạch áp đặt 25% thuế nhập khẩu hàng hóa trị giá 50 tỷ USD. Điều này làm gia tăng đáng kể khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa hai nước.Hansen không phải trường hợp hiếm gặp?
Ông Hansen là người mới nhất trong số các cựu sĩ quan tình báo Mỹ bị bắt vì liên quan đến cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.
Trước đó, hồi tháng 1/2018, Mỹ đã bắt Jerry Chun Shing Lee - một cựu điệp viên của Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) vì tội bán thông tin cho Trung Quốc.
Theo cáo buộc, ông này đã cung cấp thông tin về mạng lưới của CIA cho Trung Quốc từ năm 2010 - 2012.
Năm ngoái, Kevin Mallory – một cựu quan chức CIA cũng đã bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Nhân vật này hiện đang bị xét xử ở Virginia.