Chiều 9-12, kỳ họp thứ 8, HĐND TP HCM khóa X diễn ra với phần thảo luận, thông qua các dự thảo nghị quyết về các tờ trình của UBND thành phố. Tham dự có ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.
Tại kỳ họp, đại biểu đã thông qua nghị quyết đặt tên 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn trên địa bàn TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 1.
Theo đó, cầu kết nối đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ mang tên Ba Son thay vì Thủ Thiêm 2 như hiện nay.
Công trình này được khánh thành hồi tháng 4, dài gần 1,5 km, 6 làn xe, tổng mức đầu tư 3.100 tỉ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP HCM đến nay. Với kiến trúc nổi bật, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022), cầu được xem là điểm nhấn trên sông Sài Gòn.
Cầu Thủ Thiêm 2 mang tên mới là Ba Son
Còn cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến đường Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ mang tên Thủ Thiêm.
Cầu dài 1,2 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.450 tỉ đồng được khánh thành năm 2008.
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị và người dân về việc đặt tên cho hai cây cầu trên. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thống nhất với cách đặt tên theo đề xuất của thành phố.
Thủ Thiêm là tên gọi xuất hiện từ thế kỷ 18 và đến nay địa danh thuộc TP Thủ Đức. Thủ Thiêm là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ chỉ người đứng đầu một tổ chức hay đơn vị hành chính. Có giả thuyết cho rằng người chỉ huy đồn binh tên Thêm nên dân gian quen gọi thành Thủ Thiêm.
Còn Ba Son là tên gọi từ năm 1790 khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng "Xưởng thủy" bên bờ sông Sài Gòn. Ba Son được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy Việt Nam. Nơi đây trở thành phần quan trọng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của Sài Gòn - TP HCM và gắn liền cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng...
Tại ngày làm việc cuối của kỳ họp thứ 8, các đại biểu HĐND TP HCM cũng thông qua 36 nghị quyết về kế hoạch đầu tư công, hệ số điều chỉnh giá đất, dự án rạch Xuyên Tâm, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức...