Xa gia đình 50 năm ròng rã
Ông Trương Cầm (sinh năm 1962, ở xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) vẫn còn nhớ mình tên thật là Trần Đoàn, quê gốc ở Biên Hòa, Đồng Nai.
Ông nhớ bố tên là Trần Xuất, mẹ là Nguyễn Thị Hoa, gia đình có 4 anh chị em: Trần Mẫn, Trần Thị An, Trần Đoàn và Trần Thị Hồng. Bố mẹ qua đời khi anh cả Trần Xuất 17 tuổi, em Trần Đoàn khoảng 12 tuổi. Vì không có khả năng chăm lo cho các em nên anh cả Trần Xuất phải cho hai em Hồng và Đoàn đi làm con nuôi.
Ông Trần Đoàn khi đó được cho vợ chồng ông Yêm, bà Phụng ở cạnh nhà. Ở được nửa năm, em gái bà Phụng đưa ông Đoàn về Hải Lăng làm con trai trong một gia đình sinh toàn con gái. Ông Đoàn được bố mẹ nuôi đặt cho tên mới là Trương Cầm, lấy năm sinh là năm 1967.
Bố mẹ nuôi cho đi học nhưng ông Đoàn không chịu, muốn ở nhà giữ trâu, làm ruộng. Trưởng thành, ông Đoàn được bố mẹ hỏi vợ cho. Người phụ nữ đầu tiên dù đã nhận sính lễ, nhưng biết ông là con nuôi thì nhất định không chịu cưới. Sau đó, ông cưới người phụ nữ khác ở cùng làng. Từ đó, ông Đoàn thực sự có một gia đình đúng nghĩa.
Ông và vợ có 4 người con, 2 trai, 2 gái, cuộc sống ổn định cũng nhờ công của bố mẹ vợ nhiều. Ông Đoàn gắn bó cuộc đời với nghề nông, khoảng 5 năm gần đây, ông làm nghề lấy nhựa thông thuê.
Thời điểm sau khi hòa bình, ông Yêm, bà Phụng trở về quê. Lúc đó, ông Đoàn đã tìm đến hỏi thăm về tình hình anh, chị của mình nhưng ông Yêm không có thông tin. Ông Đoàn nín lặng ra về, buồn và vô cùng thất vọng. Sau này, ông gửi thư lên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để nhờ tìm người thân.
“Hồi nhỏ nô đùa, tôi ngã đập mặt vào giường, để lại một vết sẹo ở dưới mắt. Lúc đó mới 8 tuổi, dại, nghịch, ôm nhau vật. Vết sẹo này đã có trên mặt 50 năm rồi, nên nếu anh chị còn sống, nhìn vết sẹo là nhận ta tôi liền”, ông Đoàn kể.
Trong ký ức đã xa mờ, ông Đoàn không còn nhớ mặt cha nhưng vẫn nhớ mặt mẹ, nhớ ngày mẹ mất. Lúc đó ông còn nhỏ lại, khóc mẹ nhưng vẫn ham chơi.
Chưa kịp vui đã nhận tin nhói lòng
Ở Quảng Trị, ông Đoàn mong nhớ gia đình bao nhiêu thì ở một nơi nào đó, ông Mẫn, bà An cũng rất mong tin của các em.
Sau ngày giải phóng, ông Trần Mẫn đưa em gái đi kinh tế mới ở Bàu Cạn (Long Thành, Đồng Nai). Vài năm sau, bà An lấy chồng ở Phước Tân (Biên Hòa, Đồng Nai). Ông Mẫn ở Bàu Cạn rất lâu rồi lên Vũng Tàu sinh sống, lập gia đình riêng. Ông Mẫn cũng gửi thư về chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để nhờ tìm các em.
Nhìn những dòng thư, bức ảnh của anh trai hiện lên màn hình, ông Đoàn rất xúc động, gương mặt ánh lên niềm hạnh phúc, trên môi đã nở nụ cười. Thế nhưng, nhà báo Thu Uyên đã ngay lập tức phải xin lỗi, thông báo một tin buồn tới ông. Bởi chỉ một thời gian ngắn sau khi gửi thư về chương trình nhờ tìm em, ông Mẫn đã qua đời, hưởng thọ 56 tuổi. Chưa kịp vui đã buồn, đôi mắt ầng ậng nước của ông Đoàn khiến bao người xót xa.
Bà An lập gia đình, được chồng và nhà chồng yêu thương. Bà có 3 người con trai và hiện vẫn đang sống ở Phước Tân.
Khi gặp lại nhau, bà An đã nhận ngay ra em mình vì vết sẹo ở gần mắt, và vì ông Đoàn rất giống ông Mẫn. Gương mặt của bà An và ông Đoàn cũng phảng phất nhiều nét giống nhau, điểm chung của chị em ruột thịt.
Sau 50 năm ly tán, chị em ông Đoàn đã gặp lại nhau, vừa vui mừng, vừa xúc động. Ông Đoàn nói: “Giá còn anh Mẫn nữa thì vui quá”. Ông bà cũng mong sao có thể sớm tìm được người em gái còn lại tên Trần Thị Hồng, cũng đã xa anh chị 50 năm rồi.
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly