Người Hàn Quốc yêu thích bánh chưng, xôi gấc
Chị Vũ Thị Phương (quê ở Hải Phòng, hiện đang sống ở Siheung, tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc) đã định cư tại xứ sở kim chi được 11 năm. Chị Phương kết hôn với ông xã là người Hàn Quốc, sinh được 2 người con. Hiện tại, chị có cuộc sống ổn định ở quê chồng, là chủ của một cửa hàng bán các món ăn Việt Nam: Bún, phở, xôi khúc, bánh cuốn, bún ngan, bún cá, chè,...
Kể từ ngày mở quán cách đây 3 năm, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị Phương bán thêm các món ăn quen thuộc của người Việt Nam trong dịp Tết như: Bánh chưng, xôi gấc, giò xào, giò lụa, chả quế, nộm sứa,... Với mong muốn góp phần mang lại không khí Tết cổ truyền đến cộng đồng người Việt Nam đang học tập, lao động tại Hàn Quốc.
Năm nay, quán của chị Phương bắt đầu bán các món phục vụ Tết từ trước dịp Tết dương lịch để mọi người chuẩn bị mua sắm đón năm mới.
Bánh chưng là món đắt khách nhất trong dịp này, chủ yếu được bán cho khách hàng là người Việt Nam Tuy nhiên, khách hàng là người Hàn Quốc cũng mua bánh chưng rất nhiều, đặc biệt là người Hàn Quốc có vợ là người Việt Nam. Mọi người mua bánh chưng thưởng thức trong dịp Tết hoặc làm quà biếu. Ngoài ra, quán của chị Phương cũng đón tiếp cả những vị khách người Trung Quốc và một số quốc gia khác.
“Người Hàn Quốc rất thích món bánh chưng, xôi gấc vì họ thích ăn đồ nếp, dẻo giống như bánh gạo của Hàn Quốc vậy. Giò xào thì đa số là bán cho người Việt Nam thôi.
Nguyên liệu để làm những món Việt Nam thường sẽ được nhập từ Việt Nam qua, nhằm đảm bảo giữ được hương vị của món ăn.
Chẳng hạn để làm được món bánh chưng ngon, đặc biệt phải có lá dong, gạo nếp ngon, đậu xanh bở, thơm, thịt ba chỉ tươi cùng gia vị như hạt tiêu bắc, quả thơm,... của Việt Nam. Tùy từng món ăn khi chế biến, mình cũng cần có chút biến tấu, gia giảm khác nhau để phù hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc, cũng như khách hàng là người Việt đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam đang sống ở Hàn Quốc”, chị Phương chia sẻ.
Năm nay, chị Phương dự định sẽ bán hàng đến ngày 30 Tết âm lịch để khách ở gần quán có thể mua bánh vào ngày 29,30, có bánh chưng nóng hổi đón tất niên.
Nhận đặt hàng giới hạn để đảm bảo chất lượng
Trung bình mỗi năm vào dịp Tết, chị Phương bán được khoảng 800 - 1000 chiếc bánh chưng. Để đảm bảo chất lượng bánh chưng luôn xanh, ngon, dền dẻo, chị Phương chỉ nhận đơn đặt hàng với số lượng vừa phải, thay vì nhận làm tràn lan, bánh có nguy cơ không được ngon, gạo sống hoặc làm không kịp, dễ mất khách vào những năm sau. Ngoài bánh chưng truyền thống, chị Phương còn nhận làm bánh theo yêu cầu như: Bánh chưng chay, bánh chưng đường,...
Xôi gấc cũng là món rất đắt hàng trong dịp này vì người Việt Nam có quan niệm đầu năm thưởng thức một miếng xôi gấc màu đỏ, lấy may cho cả năm.
Thời điểm bán hàng Tết, quán chị Phương bận rộn hơn rất nhiều so với bình thường. Bố mẹ ruột của chị đều ra quán để phụ giúp con gái một chân, một tay.
Mỗi chiếc bánh chưng nặng từ 1,4 - 1,6kg được chị Phương bán với giá là 15.000 won (khoảng 270 nghìn đồng); Xôi gấc 15.000 won/ đĩa to; Giò xào 1 đòn nặng hơn 1kg có giá 25.000 won (460 nghìn đồng).
Đã 3 năm kể từ ngày mở quán, chị Phương và bố mẹ không về Việt Nam ăn Tết. Giống như bao người con xa quê khác, chị và bố mẹ rất nhớ không khí Tết cổ truyền ở Việt Nam.
Ở Hàn Quốc, vào dịp Tết Nguyên đán, người dân cũng được nghỉ từ 3-5 ngày. Những ngày trước Tết, mọi người cùng nhau chuẩn bị các món ăn truyền thống Hàn Quốc và tổ chức gặp mặt nhau trong ngày đầu năm mới.
Vì đặc thù công việc là phục vụ khách hàng dịp Tết nên trong vài năm tới, chị Phương cùng gia đình sẽ cố gắng sắp xếp để về thăm quê vào thời điểm sau Tết, hy vọng vẫn cảm nhận được không khí ngày Tết, của mùa Xuân đặc trưng ở quê nhà.
Ảnh: NVCC